Bảo đảm cuộc bầu cử dân chủ, đúng pháp luật và bình đẳng

Thứ 6, 26.03.2021 | 08:54:28
569 lượt xem

Hôm qua, ngày 25-3 là ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIV.

Ðại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG KHÁNH

Thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Buổi sáng, QH nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TANDTC. Báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các Tòa án thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%; đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Ðáng chú ý, phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp được chỉ đạo đổi mới theo hướng công tác xét xử phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng.

Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKS NDTC), Viện trưởng VKS NDTC Lê Minh Trí cho biết, trong nhiệm kỳ qua, toàn ngành kiểm sát đã tập trung tổ chức thi hành các đạo luật về tư pháp mới được ban hành; tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp trong công tác nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng chống, tham nhũng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 561.174 nguồn tin về tội phạm; qua kiểm sát đã ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; đồng thời trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại Cơ quan điều tra… Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ 326.795 người; đã trực tiếp lấy lời khai đối với hơn 223.000 người nhằm bảo đảm việc ra các quyết định phê chuẩn có đầy đủ cơ sở, căn cứ pháp lý…

QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo nêu trên. Theo đó, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ 2016-2021, TANDTC, VKS NDTC đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ, có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của QH. Ủy ban Tư pháp của QH tán thành với báo cáo của TANDTC, tuy nhiên cho rằng, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác; một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài.

Ðối với VKS NDTC, Ủy ban Tư pháp của QH chỉ rõ, vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát nhân dân. Số vụ Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn, trong đó có nhiều trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Tiếp đó, QH đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Ðức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của KTNN; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung trên. Theo đó, KTNN đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do QH thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Việc công khai, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán đã được KTNN triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức góp phần minh bạch hoạt động kiểm toán và tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác và sử dụng các thông tin liên quan đến kết quả kiểm toán. Tuy nhiên, KTNN chưa bảo đảm 100% báo cáo tài chính của các bộ, cơ quan T.Ư và báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo yêu cầu của Luật Ngân sách Nhà nước; việc tiếp cận, khai thác thông tin, kết quả kiểm toán còn chưa thuận lợi, dễ dàng đối với các đối tượng theo quy định… Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, KTNN đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2030 có hiệu quả; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn, công nghệ thông tin và đào tạo chuyên sâu một số lĩnh vực mới cho kiểm toán viên…

Lòng tin của cử tri với Ðảng, Nhà nước, QH được củng cố

Sáng qua, QH đã nghe Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV. Theo đó, cử tri và nhân dân phấn khởi trước thành công của Ðại hội Ðảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp Ðại hội XIII của Ðảng; quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu QH khóa XV, đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp. Cử tri và nhân dân đánh giá cao Ðảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, có các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân và trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tình trạng khai báo y tế thiếu trung thực.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh vẫn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Cử tri và nhân dân vẫn còn lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép; buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em còn xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong nhân dân.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao QH khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách còn chậm, nhất là vấn đề lao động, việc làm… Cử tri và nhân dân mong muốn việc xây dựng chính sách pháp luật phải tiếp tục được đổi mới, tránh chồng chéo; cần lấy ý kiến góp ý và tiếp thu phản biện thiết thực hơn.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị năm vấn đề. Trong đó, đề nghị QH, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng vào cuộc sống; tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật; đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp.

QH đã nghe Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV. Theo đó, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu QH, đã có 1.907 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.870 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị được các đại biểu QH tiếp thu, phản ánh khi đóng góp xây dựng pháp luật và trong hoạt động chất vấn. Bên cạnh đó, Chính phủ, bộ, ngành đặc biệt quan tâm, nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri. Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm cho nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm.

Cũng trong sáng qua, QH đã nghe Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ khi thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia (HÐBCQG) đến tháng 3-2021. Theo đó, HÐBCQG đã sớm triển khai việc lập kế hoạch phân công cơ quan ban hành các văn bản liên quan về công tác bầu cử. Tính đến thời điểm này, các cơ quan có thẩm quyền đã hoàn thành việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bầu cử. Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử đại biểu QH khóa XV, đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; sớm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý những đơn, thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử. Trong quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần đại biểu QH, đại biểu HÐND các cấp; chú ý đến việc bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Ðảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội. Thời gian tới, HÐBCQG phối hợp các cơ quan tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật; phân bổ ứng cử viên đại biểu QH ở T.Ư về ứng cử tại các địa phương theo đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế để bảo đảm tổ chức ngày bầu cử thành công, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Công tác xây dựng luật có nhiều đổi mới

Buổi chiều, QH làm việc theo tổ, thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của QH.

Các đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cùng một số đại biểu cho rằng, công tác của QH đã có nhiều bước tiến trong khóa XIV. Cụ thể là công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được thực hiện tốt. Ðây sẽ là nền tảng để các đại biểu QH khóa tiếp theo phát huy mạnh vai trò của mình, phát huy tiếng nói dân chủ đại diện cho cử tri của cả nước, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật đã có những phát triển vượt bậc, đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Trong quy trình xây dựng pháp luật đã có những đổi mới, nhất là khi dự án luật được trình ra QH để thảo luận. Công tác phối hợp giữa QH và Chính phủ trong xây dựng pháp luật cũng có nhiều đổi mới theo hướng chủ động hơn, các dự luật khi được trình ra QH đã có chất lượng cao hơn. Trong quá trình soạn thảo dự án luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH có sự gắn bó chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án luật, thường xuyên tham dự các hội nghị, hội thảo của Ban soạn thảo cho nên nắm rất chắc các nội dung và đưa ra nhiều ý kiến góp ý xác đáng.

Một nội dung đổi mới ở nhiệm kỳ vừa qua được các đại biểu QH đánh giá cao đó là việc lấy phiếu thăm dò ý kiến của đại biểu QH về những vấn đề còn quan điểm khác nhau. Ðiều này thể hiện tính dân chủ, tôn trọng trí tuệ tập thể trong xây dựng pháp luật.

Một số đại biểu cho rằng, ở nhiệm kỳ vừa qua, công tác của QH còn một số hạn chế, đáng chú ý là: Một số dự án luật khi trình ra QH nhưng không rà soát các nội dung liên quan, dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, xung đột; vẫn còn tình trạng Luật trên giấy, Luật chờ Nghị định, nghị định chờ Thông tư; chương trình xây dựng Luật hằng năm vẫn mang tính bị động…

Về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, đa số các đại biểu tán thành và cho rằng Chính phủ đã vượt qua một nhiệm kỳ đầy khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu phát triển to lớn trên các mặt kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… Bên cạnh mặt tích cực, đại biểu Ðỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa); Phạm Trí Thức (Thanh Hóa); Tô Văn Tám (Kon Tum) cùng một số đại biểu cho rằng, vẫn còn tình trạng cán bộ gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, người dân. Việc giải quyết khiếu nại về đất đai của các cơ quan chức năng, các địa phương trong thời gian qua chưa thật sự đột phá. Việc chậm trễ sửa đổi các quy định pháp luật về đất đai đang làm chậm quá trình phát triển của kinh tế. Ngoài ra, một số đại biểu lo lắng, băn khoăn về những cải cách giáo dục, văn hóa vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, chưa hiệu quả, gây lo lắng cho nhân dân.


PV/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-dam-cuoc-bau-cu-dan-chu-dung-phap-luat-va-binh-dang-639762/

  • Từ khóa