Giữ gìn và phát huy nét đặc sắc của âm nhạc trong múa sư tử mèo

Thứ 5, 09.02.2023 | 16:27:58
879 lượt xem

Nghệ thuật trình diễn sư tử mèo là tổng hợp của nhiều thành tố, trong đó âm nhạc có thể coi như linh hồn trong nghệ thuật múa sư tử. Với đặc trưng riêng, âm nhạc trong múa sư tử mèo được các nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh khai thác, ứng dụng trong âm nhạc chuyên nghiệp. Qua đó, không chỉ tạo nên nét độc đáo cho tác phẩm mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này.

Âm nhạc mang tính định hướng trong trình diễn múa sư tử. Nếu không có âm nhạc thì người múa như mất phương hướng, không biết cách di chuyển các động tác, các trò diễn. Do đó, khi tham gia múa sư tử, người sử dụng các nhạc cụ, hay người múa bên cạnh sự say mê còn phải am hiểu về âm nhạc, nhịp điệu và có sự phối hợp ăn ý với nhau để biểu diễn và chuyển tiết tấu, động tác trong các diễn trình múa sư tử.

Múa sư tử mèo được sân khấu hoá tại lễ hội Chùa Tân Thanh, huyện Văn Lãng

Anh Hoàng Văn Huy, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng cho biết: Nếu như nhạc công thường chỉ có thể tạo nên âm nhạc thì mỗi người trong đội múa sư tử mèo như chúng tôi vừa có thể sử dụng các nhạc cụ truyền thống để gõ âm thanh cho sư tử múa trong từng diễn trình, vừa có thể “thay vai” thực hiện các bài múa, thậm chí còn trở thành “nhạc sỹ” sáng tạo tiết tấu trong khi gõ nhạc.

Điều thú vị là với cảm thụ âm nhạc và hiểu biết của mình mà mỗi người khi gõ từng nhạc cụ lại có thể sáng tạo những kiểu gõ có tiết tấu khác nhau nhưng vẫn đảm bảo khớp với các nhạc cụ còn lại mà không làm mất đi đặc trưng của âm nhạc trong các diễn trình.

 Thông thường, trình diễn múa sử tử mèo cần ít nhất 3 người sử dụng các nhạc cụ để tạo nên âm nhạc: một người gõ trống, 1 hoặc 2 người gõ chũm chọe (có nơi gọi là não bạt, nào); một người gõ thanh la. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, âm nhạc trong múa sư tử mèo cơ bản có 8 bài (kiểu gõ) tương ứng với các điệu múa, trò diễn gồm: mở màn, tại chỗ, đi đường, nả lình (mặt khỉ) xuất hiện, báo đông (đười ươi) xuất hiện, bái mâm lễ, kết thúc. Những kiểu gõ này được các thế hệ người dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng truyền từ đời này sang đời khác.

Những năm qua, âm nhạc trong múa sư tử mèo không chỉ xuất hiện trong quần chúng mà còn “góp mặt” trong nhiều chương trình nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc trên địa bàn tỉnh. Khai thác chất liệu âm nhạc trong múa sư tử mèo, một số nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh đã nghiên cứu, chọn lọc những âm hình tiết tấu trong một số kiểu gõ vào trong quá trình sáng tạo tác phẩm âm nhạc, hoặc kết hợp loại âm thanh này với các nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật khác để tạo nên sự sinh động, phong phú trên sân khấu chuyên nghiệp.

Nhạc sỹ Đinh Quang Trung, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh) cho biết: Việc sử dụng chất liệu âm nhạc múa sư tử mèo trong biên tập, phối khí, sáng tác đã được tôi thực hiện kể từ nhiều năm trước, lúc đó tôi vẫn đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật ca – múa – kịch Lạng Sơn. Đến nay, khi được mời là đạo diễn âm nhạc trong các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh, âm nhạc trong múa sư tử mèo vẫn luôn là nguồn cảm hứng được tôi đưa vào hầu hết các tác phẩm âm nhạc. Trong quá trình sáng tạo, tôi có thể giữ nguyên bản một phần tiết tấu, hoặc có sự điều chỉnh linh hoạt nhưng đảm bảo khi âm thanh đó cất lên, người nghe vẫn nhận ra đó là tiết tấu múa sư tử.

Những người điều khiển nhạc cụ trong màn múa sư tử mèo

Theo đó, chủ yếu tiết tấu trong các diễn trình mở màn, đi đường, bái mâm lễ được các nhạc sỹ sử dụng bởi phù hợp để sân khấu hóa. Với tính chất sôi nổi, âm nhạc trong múa sư tử mèo khi được ứng dụng vào sân khấu chuyên nghiệp tạo nên tính cao trào, đảm bảo các tác phẩm phù hợp với nhịp sống hiện đại nhưng lại mang hồn cốt truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc.

 Ông Phùng Văn Muộn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh cho biết: Kể từ năm 2010 đến nay, việc kết hợp âm nhạc trong múa sư tử mèo với các nhạc cụ dân tộc khác trong các chương trình nghệ thuật được thực hiện thường xuyên hơn so với giai đoạn trước, chiếm tỷ lệ trên 70% tổng số các chương trình nghệ thuật do trung tâm thực hiện trong năm. Đặc biệt trong các chương trình dịp đầu xuân, ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của tỉnh… luôn luôn sử dụng loại âm nhạc này.

Náo nhiệt, vui tươi, âm nhạc trong múa sư tử mèo là thành tố đầu tiên tạo nên ấn tượng, thu hút sự chú ý của người xem. Việc đưa âm nhạc múa sư tử mèo vào nghệ thuật chuyên nghiệp trong thời gian qua không chỉ tạo nên thành công cho các chương trình nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật múa sư tử mèo trên địa bàn tỉnh.


HOÀNG NHƯ

https://baolangson.vn/van-hoa/560274-giu-gin-va-phat-huy-net-dac-sac-cua-am-nhac-trong-mua-su-tu-meo.html

  • Từ khóa