Trả lời bạn xem truyền hình ngày 21/02/2023

Thứ 3, 21.02.2023 | 09:59:21
1,142 lượt xem

LSTV - Tuần 3 Thứ ba, ngày 21 tháng 02 năm 2023

Câu 1. Ông Hoàng Minh Thắng, trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: mức xử phạt vi phạm hành chính hành vi xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian của tổ chức, cá nhân khác được pháp luật quy định như thế nào?

          Trả lời:

         Theo quy định tại Khoản 9, 10 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, thì hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt sẽ bị xử phạt: 

          - Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

          - Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

         - Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

          Đáng chú ý, đối với hành vi xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung sẽ bị xử phạt:

           - Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

          - Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

         - Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

         Bên cạnh đó Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định rõ, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm phải phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Câu 2. Ông Hoàng Văn Mạnh, trú tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định hỏi: Chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi và phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như thế nào?

Trả lời:

Chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi

Điều 33 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi như sau:

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng.

2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bố trí giam giữ riêng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này.

Chế độ gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi

Điều 34 cũng quy định chế độ gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi như sau:

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự quy định tại Điều 22 của Luật này với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đủ 18 tuổi trở lên.

Chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Điều 35 Luật này có quy định chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi:

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03 mét vuông (m2).

2. Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

3. Chính phủ quy định chi tiết về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi tại cơ sở giam giữ.

Câu 3. Ông Vương Văn Trung, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hỏi: Người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu chứng thực tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền đúng hay không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 8 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu chứng thực như sau:

1. Người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu chứng thực tại bất kỳ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thuận tiện nhất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 5 của Nghị định này. Trong trường hợp bị từ chối chứng thực thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức từ chối giải thích rõ lý do bằng văn bản hoặc khiếu nại theo quy định của pháp luật.

2. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực hoặc xuất trình khi làm thủ tục chứng thực theo quy định của Nghị định này.

Bên cạnh đó, Khoản 6 Điều 5 của Nghị định trên quy định như sau:

Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà.

Như vậy, người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu chứng thực tại bất kỳ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thuận tiện nhất trừ trường hợp chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất, liên quan đến nhà ở thì phải được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Căn cứ Điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về địa điểm chứng thực như sau:

1. Việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.

2. Khi thực hiện chứng thực phải ghi rõ địa điểm chứng thực; trường hợp chứng thực ngoài trụ sở phải ghi rõ thời gian (giờ, phút) chứng thực.

3. Cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực phải bố trí người tiếp nhận yêu cầu chứng thực các ngày làm việc trong tuần; phải niêm yết công khai lịch làm việc, thẩm quyền, thủ tục, thời gian giải quyết và lệ phí, chi phí chứng thực tại trụ sở của cơ quan, tổ chức.

Như vậy, trong một số trường hợp, địa điểm chứng thực có thể là ngoài trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực. Việc chứng thực phải ghi rõ địa điểm, thời gian chứng thực.

Trong trường hợp trên, muốn chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất thì phải đến UBND xã, phường nơi có đất để thực hiện chứng thực. UBND xã, phường nơi ông cư trú không có thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất ở nơi khác./.

  • Từ khóa