Các chuyên gia và doanh nghiệp hiến kế thu hút khách quốc tế

Thứ 5, 23.03.2023 | 00:00:00
760 lượt xem

Chính sách visa nới lỏng theo hướng thông thoáng cởi mở, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tập trung cho công tác quản lý điểm đến và xúc tiến, quảng bá du lịch…, đó là hàng loạt giải pháp được các chuyên gia đề xuất tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3 tại Hà Nội, nhằm gia tăng lượng khách quốc tế tới Việt Nam.

Toàn cảnh tọa đàm.

Sau một năm chính thức mở cửa lại du lịch (kể từ ngày 15/3/2022), Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình quảng bá, kích cầu lớn nhằm tăng tốc phục hồi du lịch và thu được kết quả nhất định, đặc biệt là sự bùng nổ lượng khách du lịch nội địa với 101,3 triệu lượt, vượt 68% so với kế hoạch và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta chỉ là 3,6 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch đề ra và thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng có những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tốc thu hút khách quốc tế.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận định, khách du lịch quốc tế là đối tượng khách có thời gian lưu trú dài từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100-2.000 USD cho một chuyến đi. Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành du lịch. Vì thế, việc thu hút tốt khách quốc tế sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú.

Các chuyên gia và doanh nghiệp hiến kế thu hút khách quốc tế ảnh 1

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm.

“Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019, nhưng lại là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch”, ông Lê Trọng Minh khẳng định.

Trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch, Việt Nam cần có chương trình hành động cụ thể, khả thi nào để khơi thông các điểm nghẽn, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng du lịch đất nước nhằm thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế? Đây là điều mà những người làm du lịch nước nhà đang đau đáu.

Tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”, các chuyên gia kinh tế, du lịch và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành du lịch khách sạn đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc và nút thắt cần tháo gỡ, chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các nước, đồng thời đề xuất những giải pháp hữu ích thu hút khách quốc tế.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam gợi ý, Việt Nam nên chủ động triển khai cả những giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tạo đòn bẩy mạnh mẽ hút khách quốc tế, bảo đảm sự phát triển bền vững của du lịch.

Về ngắn hạn (dưới một năm), Việt Nam cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước, xem xét tăng số nước được miễn thị thực, tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm. Đồng thời, thúc đẩy các chương trình văn hóa và ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cách giữa du khách và người dân địa phương, đầu tư mạnh để quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế nhằm thu hút các thị trường trọng điểm.

Về trung hạn (1 đến 5 năm), Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cho rằng, quan trọng nhất Việt Nam phải giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng trước mắt liên quan giao thông, vệ sinh, viễn thông... dựa trên tính toán sức chứa của các điểm đến du lịch chính, giải quyết các vấn đề về vệ sinh và tái chế cùng với chính quyền địa phương; giải quyết các vấn đề về chất lượng dịch vụ bằng cách tuyển dụng lao động có trình độ từ nước ngoài hoặc triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân lực du lịch và khách sạn hiện có; phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa văn hóa, thiên nhiên và cuộc sống đô thị.

Còn về dài hạn, ông Nuno F. Ribeiro nhấn mạnh, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, nhất là các phương thức giao thông thân thiện với môi trường, tăng cường kết nối giữa các phương tiện vận tải; đầu tư mạnh vào đào tạo nâng cao ở các bậc trung học, đại học và sau đại học; phát triển các khu vực cụ thể cho du lịch và bảo vệ các khu vực khác khỏi hoạt động du lịch quá mức.

Các chuyên gia và doanh nghiệp hiến kế thu hút khách quốc tế ảnh 2

Một số chuyên gia tham gia trao đổi tại tọa đàm.

Theo ông Martin Koerner, Trưởng Tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cần có những điều chỉnh về chất lượng dịch vụ ngay ở khu vực thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh ở Việt Nam, bởi đây là điểm tạo ấn tượng đầu tiên khi du khách quốc tế đến và cuối cùng khi du khách rời đi. Ông cho biết, có một số phản hồi về việc thủ tục, thời gian xuất nhập cảnh quá dài. Điều này có thể gây ra sự khó chịu và bất tiện, nhất là với các gia đình có trẻ em, người già hoặc doanh nhân có lịch trình dày đặc, gây ảnh hưởng tới quyết định quay trở lại của du khách Việt Nam.

Do đó, Việt Nam nên bổ sung các làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách trên, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét; cung cách đón tiếp, phục vụ du khách cũng cần thân thiện, cởi mở hơn để tạo thiện cảm cho du khách, giúp họ cảm thấy được chào đón khi đến với Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng phục hồi khách du lịch quốc tế, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng, với tốc độ tăng trưởng của du khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam có thể tự tin vượt được 8 triệu khách trong năm 2023, thậm chí đạt từ 10-12 triệu lượt khách quốc tế. “Đây là thời điểm để ngành du lịch cơ cấu lại thị trường khách. Chúng tôi tin ngành du lịch sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp không chỉ 9,25% vào GDP cả nước như năm 2019 mà còn cao hơn trong những năm tiếp theo. Chúng ta phải nghĩ đến việc thu hút lượng khách du lịch chi trả cao”, ông Hoàng Nhân Chính khẳng định.

Để thực hiện điều này, theo ông Hoàng Nhân Chính, Việt Nam phải có sự nghiên cứu kỹ về thị trường, khách hàng, từ đó mới có cơ sở để xây dựng sản phẩm phù hợp cũng như chính sách xúc tiến quảng bá hiệu quả. Du khách quốc tế thường quay trở lại bởi ấn tượng về những trải nghiệm tốt nhất ở điểm đến. Vì thế, công tác quản lý điểm đến cần được chú trọng làm tốt. Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại công tư để các doanh nghiệp kịp thời phản ánh những rào cản, khó khăn, đề xuất nhà nước tháo gỡ.

Ông Hoàng Nhân Chính cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến và quảng bá sản phẩm tới đối tượng khách hàng mục tiêu, từ đó thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế đến với đất nước hình chữ S.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/hien-ke-thu-hut-khach-quoc-te-post744099.htmlhttps://nhandan.vn/hien-ke-thu-hut-khach-quoc-te-post744099.html

  • Từ khóa