3 tháng đầu năm 2023: Thu hút FDI giảm, vì sao?

Thứ 4, 29.03.2023 | 08:31:49
686 lượt xem

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-3-2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 5,45 tỷ USD - bằng 61,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Hơn 1,1 tỷ USD "rót" vào Bắc Giang 3 tháng đầu năm

Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là do trong 3 tháng cuối năm 2022 có dự án Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam có vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.

Cụ thể, có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 62,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD (giảm 5,9% so với cùng kỳ). 

Có 234 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 2,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,21 tỷ USD (giảm 70,3% so với cùng kỳ, tăng 14,8 điểm phần trăm so với 2 tháng); có 703 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4,2% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,22 tỷ USD (giảm 25,5% so với cùng kỳ).

Ảnh minh họa: Bộ Công Thương 
Ảnh minh họa: Bộ Công Thương 

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký nhưng giảm 25% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD - chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ. 

Trong khi đó, các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%). 

Ngoài ra, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,69 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022. Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư; Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 3, tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan..

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2023. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD - chiếm gần 20,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đồng Nai xếp thứ 2 với 18 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 607 triệu USD, chiếm hơn 11,1% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... 

"Vốn đầu tư của Bắc Giang tăng mạnh do có tới 3 dự án đầu tư lớn, có vốn đầu tư trên 100 triệu USD. Các dự án này đã chiếm tới 97% tổng vốn đầu tư của Bắc Giang trong 3 tháng", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định. 

Tính đến ngày 20-3-2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 4,3 tỷ USD - giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 - tăng 2,7 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm 2023. 

Tình hình đã cải thiện

Nhận định về tình hình đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm 2023, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: Tuy vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ song đã có cải thiện so với 2 tháng đầu năm 2023 (giảm 2,2% so với cùng kỳ và tăng 2,7 điểm phần trăm so với 2 tháng năm 2023). 

Cùng với đó, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Mặt khác, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc túc đầu tư…) như: Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…

Các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản). 

Đặc biệt, đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc tăng, vượt qua Đài Loan, Hàn Quốc và xếp thứ 2 trong 67 đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng, với dự án đầu tư mới lớn (140 triệu USD) trong lĩnh vực sản xuất pin, ắc quy, tấm pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang.


Thảo Phương/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/3-thang-dau-nam-2023-thu-hut-fdi-giam-vi-sao-723179

  • Từ khóa