Tổ chức đi dã ngoại cuối năm học: "Trăm dâu" đổ đầu... ban đại diện cha mẹ

Thứ 4, 24.05.2023 | 08:25:06
857 lượt xem

Một chuyến đi dã ngoại suôn sẻ sẽ chỉ có đôi lời cảm ơn, nhưng nếu có sự cố, ban đại diện cha mẹ học sinh "lãnh đủ".

Mất cả tháng để tổ chức được chuyến đi, một học sinh say nắng hất đổ công lao của cả ban đại diện cha mẹ học sinh

Chị Mai Lan Phương có con gái đang học lớp 5 tại một trường tiểu học dân lập trên địa bàn Hà Nội. Chị Phương làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp con gái suốt 4 năm qua.

Mỗi năm, lớp con chị đi dã ngoại 2 lần do các phụ huynh tự đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, các công tác chính như đi lại, ăn ở đều do ban đại diện cha mẹ học sinh lo liệu.

"Địa điểm là do tập thể phụ huynh lớp biểu quyết thông qua bình chọn, nhưng liên hệ điểm đến, chỗ ăn uống, ngủ nghỉ, thuê xe cộ, lịch trình đi lại… do ban đại diện cha mẹ học sinh đảm đương. Các phụ huynh khác mặc định đó là công việc của ban đại diện cha mẹ học sinh. 

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ có 3 người, đôi khi quá tải, muốn chia sẻ đầu việc cho phụ huynh khác cũng không hề dễ dàng. Một tin nhắn trên nhóm nhờ các bố mẹ nhận đầu việc này đầu việc kia đôi khi phải chờ đến 2-3 ngày mới có một người lên tiếng nhận. 

Bởi thế, công tác tổ chức nếu có vấn đề gì, ban đại diện cha mẹ học sinh luôn bị xem là nhóm chịu trách nhiệm, mặc dù chúng tôi chỉ đang làm giúp các bố mẹ khác mà thôi", chị Phương chia sẻ.

Tổ chức đi dã ngoại cuối năm học: Trăm dâu đổ đầu... ban đại diện cha mẹ - 1

Mỗi chuyến đi dã ngoại mất cả tháng để chuẩn bị nhưng ban đại diện cha mẹ học sinh ít được chia sẻ với các phụ huynh khác (Ảnh minh họa: Hoàng Hồng).

Để mỗi chuyến đi được thuận lợi, chị Phương thường mất đến 1 tháng chuẩn bị với nhiều lần lập bảng bình chọn trên nhóm zalo từ từng đầu việc nhỏ nhất: đi chơi ở đâu, thực đơn gồm những gì, mua đồ ăn vặt gì cho các con ăn trên xe, tình trạng sức khỏe của từng con như thế nào, có dị ứng với món ăn đồ uống nào...

Chị Phương cho biết không bao giờ dám tự quyết định. Song, để xin được ý kiến thống nhất, chị Phương thường mất rất nhiều thời gian kêu gọi các bố mẹ bình chọn, nêu ý kiến, chốt ý kiến. 

"Ai cũng bận cả, nhưng có lúc tôi cảm thấy mọi người cho phép mình được quyền bận để bỏ qua tin nhắn trên zalo mà không nghĩ rằng ban đại diện cha mẹ học sinh đã phải bớt xén thời gian cá nhân của họ cho các việc chung của lớp, vì con cái của tất cả mọi người chứ không riêng con họ", Chị Phương bày tỏ.

Chị Phương cho hay, những vất cả trong quá trình chuẩn bị vẫn không là gì so với nỗi lo lắng thấp thỏm khi chuyến đi diễn ra.

"Có hàng trăm tình huống có thể nảy sinh. Chưa nói rủi ro trên đường đi, hay rủi ro an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ riêng việc đồ ăn không hợp khẩu vị là phụ huynh đã bàn ra tán vào rồi. Trẻ tuổi này lại rất hiếu động, sơ suất là có thể va chạm, ngã, bị thương… 

Theo quy định của lớp con tôi, tất cả các con muốn đi chơi phải có bố mẹ đi kèm, nhưng có những phụ huynh khác cả nể nhận trông giúp con của bố mẹ khác.

Vì điều này mà từng có một chuyến đi khiến tôi rất buồn. Chuyện là một bạn không có bố mẹ đi kèm bị say nắng. Dù các bác phụ huynh trong đoàn xúm vào chăm sóc cho cháu, nhưng tối hôm đó mẹ cháu vẫn nhắn lên nhóm trách cứ ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức chương trình vào ngày nắng nóng mà không quản lý các con ở nơi râm mát để đảm bảo sức khỏe.

Tôi đọc tin nhắn mà nghẹn ngào, chỉ biết xin lỗi mẹ và hỏi thăm sức khỏe của con chứ không biết nói gì hơn", chị Phương thổ lộ.

Chọn an toàn, ban đại diện cha mẹ học sinh từ chối mọi điểm vui chơi thú vị

Từ hai năm nay, anh Nguyễn Mạnh Thắng nhận công tác trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con trai. Công việc trong đại diện cha mẹ học sinh với anh khá "nhàn". Các con đã lớn, những hoạt động trong lớp đều chủ động. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đứng sau hỗ trợ khi cần thiết. Giống như hầu hết các trường dân lập khác, lớp con anh mỗi năm tổ chức dã ngoại một lần dành riêng cho phụ huynh và học sinh. 

Anh Thắng cho hay, để đảm bảo các chuyến đi chơi an toàn, anh thông báo ngay từ đầu với phụ huynh lớp là không cho các con đi các điểm có biển, sông hồ, núi có vực, rừng rậm. Đồng thời không đi các điểm phải di chuyển bằng ô tô quá 50km. 

Tổ chức đi dã ngoại cuối năm học: Trăm dâu đổ đầu... ban đại diện cha mẹ - 2

Để đảm bảo an toàn, nhiều lớp quyết định tổ chức những chuyến đi chơi gần, điểm đến "tẻ nhạt", chơi trò chơi tập thể tại chỗ (Ảnh minh họa: Hoàng Hồng).

"Ban đầu không ít phụ huynh phản đối, cho rằng như thế thì biết đi đâu, hay tránh tất cả những điểm đó thì làm gì còn điểm đến nào thú vị.

Tôi thuyết phục các phụ huynh rằng, nếu các bố mẹ muốn các con đi chơi vừa vui, vừa thú vị lại vừa an toàn thì bắt buộc phải mua tour chuyên nghiệp, có bảo hiểm du lịch và ban đại diện cha mẹ học sinh không tham gia công tác tổ chức mà chỉ đi cùng như mọi phụ huynh khác. 

Còn nếu phụ huynh muốn các con được đi chơi cùng nhau, chi phí thấp, an toàn thì chúng ta phải chấp nhận chọn những điểm đi gần và tẻ nhạt.

Sau nhiều tranh luận, tập thể phụ huynh cũng đồng tình với ý kiến của tôi", anh Thắng bày tỏ.

Anh Thắng cũng chia sẻ thêm, ngay cả khi chọn một điểm đến an toàn thì sự an toàn cũng chỉ mang tính tương đối bởi không ai lường trước những sự cố bất ngờ. 

"Một người hiểu biết đến đâu cũng sẽ không hiểu biết được mọi thứ. Còn những rủi ro là vô cùng.

Vì thế tôi chỉ mong các phụ huynh cùng chia sẻ với ban đại diện cha mẹ học sinh trong mỗi chuyến đi để bớt đi những lời trách móc và thêm nhiều hơn những lời động viên", anh Thắng nêu quan điểm.


Hoàng Hồng/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/to-chuc-di-da-ngoai-cuoi-nam-hoc-tram-dau-do-dau-ban-dai-dien-cha-me-20230523130256517.htm

  • Từ khóa