Trả lời bạn xem truyền hình ngày 21/1/2020

Thứ 4, 19.02.2020 | 16:19:13
557 lượt xem

Câu 1. Ông Mã Văn Đức trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Những quy định mới của pháp luật về thay đổi tuổi nghỉ hưu của người lao động như thế nào?

Trả lời: 

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), tuổi nghỉ hưu của người lao động đã thay đổi khác so với quy định hiện hành. 

Tuổi nghỉ hưu của người lao động được Bộ luật quy định tại Điều 169 có nội dung:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cụ thể tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường ở các năm như sau:

a) Đối với lao động nam: Năm 2020: đủ 60 tuổi; năm 2021: đủ 60 tuổi 3 tháng; năm 2022: đủ 60 tuổi 6 tháng; năm 2023: đủ 60 tuổi 9 tháng; năm 2024: đủ 61 tuổi; năm 2025: đủ 61 tuổi 3 tháng; năm 2026: đủ 61 tuổi 6 tháng; năm 2027: đủ 61 tuổi 9 tháng; từ năm 2028 trở đi: đủ 62 tuổi.

b) Đối với lao động nữ: Năm 2020: đủ 55 tuổi; năm 2021: đủ 55 tuổi 4 tháng; năm 2022: đủ 55 tuổi 8 tháng; năm 2023: đủ 56 tuổi; năm 2024: đủ 56 tuổi 4 tháng; năm 2025: đủ 56 tuổi 8 tháng; năm 2026: đủ 57 tuổi; năm 2027: đủ 57 tuổi 4 tháng; năm 2028: đủ 57 tuổi 8 tháng; năm 2029: đủ 58 tuổi; năm 2030: đủ 58 tuổi 4 tháng; năm 2031: đủ 58 tuổi 8 tháng; năm 2032: đủ 59 tuổi; năm 2033: đủ 59 tuổi 4 tháng; năm 2034: đủ 59 tuổi 8 tháng; từ năm 2035 trở đi: đủ 60 tuổi.

Câu 2. Bà Trần Thị Phương trú tại xã Bình La huyện Bình Gia hỏi: Những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, quy định 11 hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự, gồm có:

1. Phá hủy cơ sở quản lý, giam giữ; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải; đánh tháo phạm nhân, người chấp hành biện pháp tư pháp, người bị áp giải, dẫn giải.

2. Không chấp hành quyết định thi hành án hình sự; cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế về thi hành án hình sự hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

3. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.

4. Không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luật và quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

5. Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong thi hành án hình sự.

6. Tha trái pháp luật người đang bị giam, người bị áp giải thi hành án; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, áp giải thi hành án để người chấp hành án phạt tù, án tử hình hoặc án phạt trục xuất trốn.

7. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách cho người không đủ điều kiện; không đề nghị cho người đủ điều kiện được miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách; đề nghị hoặc không đề nghị chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp, hoãn, đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp; cản trở người, pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các quyền theo quy định của Luật này.

8. Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp.

9. Kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân thương mại chấp hành án.

10. Cấp hoặc từ chối cấp trái quy định của pháp luật quyết định, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc giấy tờ khác về thi hành án hình sự.

11. Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự.

Trường hợp nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm nêu trên, tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

  • Từ khóa