Trả lời bạn xem truyền hình ngày 24/3/2020

Thứ 3, 24.03.2020 | 15:00:12
1,005 lượt xem

Câu 1. Ông Đoàn Hồng Hà, trú tại Thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia hỏi: Quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký tạm trú như thế nào?

Trả lời: 

Trách nhiệm của công dân về cư trú bao gồm chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú; Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp; Nộp lệ phí đăng ký cư trú; Xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu; Báo ngay với cơ quan đã đăng ký cư trú khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú bị mất hoặc bị hư hỏng.

Đăng ký tạm trú được quy định tại Điều 30 Luật Cư trú năm 2007 như sau:

“1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.

2. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

3. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

4. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.

Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.

Việc điều chỉnh thay đổi về sổ tạm trú được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật này. Sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.

5. Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ sáu tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xoá tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú”.

Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hành vi “không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú” sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp cho người nước ngoài thuê nhà để ở nhưng không khai báo tạm trú cho người thuê, chủ nhà bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng theo quy định tại điểm h khoản 3 của Điều này.

Hồ sơ đăng ký tạm trú được quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/09/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an, bao gồm:

“a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú”.

Người tạm trú được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ tạm trú hoặc đồng ý cho đăng ký tạm trú tại nơi thường trú của chủ hộ thì việc đồng ý phải được ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nộp hồ sơ tại Công an xã, phường, thị trấn nơi có nhà cho thuê để đăng ký tạm trú.

Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn về quản lý cư trú được quy định tại Điều 25 của Thông tư này. Đó là:

“1. Thực hiện các trách nhiệm được quy định tại Luật Cư trú.

2. Thực hiện việc đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn phụ trách theo quy định của Luật Cư trú và quy định của Bộ Công an.

3. Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo thẩm quyền.

4. Tập hợp, báo cáo tình hình, số liệu cư trú về Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định.

5. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về cư trú.

6. Quản lý, lưu trữ hồ sơ đăng ký và quản lý tạm trú theo quy định của Bộ Công an.

7. Thực hiện các việc khác về quản lý cư trú theo quy định của Công an cấp trên”. 

Câu 2. Ông Nguyễn Văn Dũng trú tại phường Tam Thanh thành phố Lạng Sơn hỏi: Các quy định của pháp luật  về Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, việc đăng ký khai sinh cho con được thực hiện như sau:

“1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh.

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam và nộp các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con nếu có;

c) Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con theo quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.

3. Trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này thì thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo thủ tục quy định tại Khoản 5 Điều 15 của Nghị định này.

4. Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Hộ tịch. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này”.

Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn bổ sung nội dung này như sau:

“1. Giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.

2. Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP 

3. Việc xác định quốc tịch của trẻ em để ghi vào Giấy khai sinh thực hiện theo quy định pháp luật về quốc tịch”.

Căn cứ quy định nêu trên, hồ sơ cần chuẩn bị ở nước ngoài bao gồm:

- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con (nếu có);

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của trẻ em. Lưu ý, các giấy tờ này phải có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh để chứng minh trẻ đã nhập cảnh vào Việt Nam.

Cùng với Tờ khai theo mẫu quy định, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của trẻ để được giải quyết thủ tục này.

Về quốc tịch của trẻ em, theo Điều 4 Luật Quốc tịch năm 2008, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.

Nếu bố mẹ của trẻ là đều công dân Việt Nam thì con được xác định có quốc tịch Việt Nam. Bởi vì, Điều 15 của Luật này quy định: “Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam”.

  • Từ khóa