Gần 20 quốc gia dùng công nghệ kiểm soát người nhiễm nCoV

Chủ nhật, 29.03.2020 | 17:46:57
660 lượt xem

Công nghệ định vị giúp chính phủ kiểm soát được lịch sử di chuyển, hạn chế lây lan nCoV nhưng lại xâm phạm đến quyền riêng tư của công dân.

Chính phủ nhiều nước đang tuyên truyền về những công cụ giám sát nhằm chống lại Covid-19. Các quốc gia nhanh chóng sử dụng công cụ hầu hết công dân mang theo mình - smartphone.

Theo cập nhật của Top10VNP, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng các biện pháp theo dõi điện thoại của người nhiễm nCoV. Thông tin thu thập được có thể là lịch sử di chuyển cho đến địa chỉ liên lạc. Họ gọi đây là "theo dõi liên lạc". Nhiều quốc gia khác có thể sẽ tiếp bước. Nhà Trắng đang tích cực làm việc với Facebook, Google để dùng dữ liệu định vị ẩn danh nhằm theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.

"Nếu không có sự kiểm soát đầy đủ, việc truy cập thông tin cá nhân có thể là một trong những mối nguy mới cho người dùng. Nó có thể trở thành quy chuẩn mới trên toàn cầu", Samuel Woodhams, Trưởng nhóm Quyền kỹ thuật số của Top10VPN nói. Có thể điều này hợp pháp nhưng về lâu dài, quyền riêng tư và tự do ngôn luận của công dân sẽ bị đe doạ.

Một số quốc gia cam kết "vùng giới hạn" khi truy cập vào đời tư công dân và không sử dụng dữ liệu thu thập được trong tương lai. Nhưng các chuyên gia công nghệ lo lắng khi dịch bệnh qua đi, chính phủ vẫn tiếp tục dùng công cụ này cho những mục đích khác.

Dưới đây là danh sách 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đang dùng công nghệ để theo dõi công dân trong mùa Covid-19. Mỗi nước lại có một cách tiếp cận khác nhau nhưng mẫu số chung là dùng điện thoại để theo dõi vị trí, lịch sử di chuyển và khoanh vùng nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Hàn Quốc

Hàn Quốc đi đầu trong việc theo dõi vị trí trên điện thoại để tạo ra một bản đồ lây nhiễm trực tuyến. Công dân của họ sẽ được cảnh báo khi đến gần khu vực có người nhiễm nCoV. Ứng dụng này được quyền truy cập vào dữ liệu di động của người dùng từ vị trí, số thẻ tín dụng đến địa chỉ chi tiết về nơi ở của bệnh nhân. Thậm chí các cuộc phỏng vấn trực tuyến với bệnh nhân cũng được sử dụng để xây dựng bản đồ hồi tố về nơi họ đã đi qua.

Hàn Quốc thậm chí cho phép trích xuất hình ảnh từ camera giám sát để ngăn Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters.

Hàn Quốc thậm chí cho phép trích xuất hình ảnh từ camera giám sát để ngăn Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Hàn Quốc còn liên tục gửi tin tin nhắn văn bản đến công dân. Mỗi khi có ca nhiễm mới, mọi người sẽ nhận được tin nhắn với nội dung đầy đủ về người bệnh, những nơi họ đi qua cũng như những người đã tiếp xúc.

Vị trí được gửi đi rất cụ thể. Theo Washington Post một tin nhắn thông báo về người nhiễm bệnh có mặt tại "Karaoke Magic Coin ở Jayang-dong vào nửa đêm ngày 20/2". Một số văn bản cung cấp thêm thông tin cá nhân, như: "Một phụ nữ ở độ tuổi 60 vừa xét nghiệm cho kết quả dương tính. Nhấp vào liên kết để biết các địa điểm người này đã đi qua trước khi nhập viện", The Guardian viết.

Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc thừa nhận ứng dụng này có thể vi phạm quyền tự do dân sự: "Đúng là lợi ích cộng đồng được cân nhắc hơn quyền cá nhân khi xã hội đối mặt với những bệnh có khả năng lây nhiễm cao".

Một phụ nữ nói với Washington Post rằng cô đã thôi đến một quán bar đồng tính nữ vì sợ bị đuổi ra khỏi nhà. "Nếu không may tôi nhiễm virus, thông tin này sẽ được gửi đi đến mọi người ở Hàn Quốc", cô nói.

Iran

Trang Vice nói chính phủ Iran đã dùng một ứng dụng thu thập dữ liệu vị trí trực tuyến của người dùng để ngăn Covid-19 bùng phát.

Giao diện ứng dụng AC19 với các câu hỏi có, không. Ảnh: Vice.

Giao diện ứng dụng AC19 với các câu hỏi có, không. Ảnh: Vice.

Ngày 3/3, một tin nhắn được gửi đến hàng triệu công dân Iran yêu cầu họ cài đặt ứng dụng AC19, trước khi đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế. Ứng dụng này có thể chẩn đoán một người có khả năng nhiễm nCoV hay không bằng loạt câu hỏi với đáp án có hoặc không. Tuy nhiên, ứng dụng này đã bị xoá khỏi cửa hàng Google Play.

Israel

Ngày 17/3, thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phê duyệt đạo luật cho phép cơ quan an ninh Israel có thể theo dõi điện thoại công dân mà không cần lệnh của toà án. Luật mới cũng quy định tất cả dữ liệu thu thập được phải xoá sau 30 ngày.

"Chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp mà trước đây chỉ áp dụng để chống khủng bố. Một số trong số này sẽ xâm phạm quyền riêng tư của công dân", Netanyahu nói.

Singapore

Ngày 20/3, cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore và Bộ Y tế ra mắt ứng dụng theo dõi liên lạc tên Trace Together.

Theo Straits Times, ứng dụng có thể xác định những người bị nhiễm bệnh trong bán kính 2 mét bằng công nghệ Bluetooth. "Không có dữ liệu định vị hoặc dữ liệu cá nhân khác được thu thập", đại diện Trace Together khẳng định.

Trace Together cam kết không thu thập dữ liệu cá nhân người dùng. Ảnh: Goodyfeed.

Trace Together cam kết không thu thập dữ liệu cá nhân người dùng. Ảnh: Goodyfeed.

Đài Loan

Đài Loan đã kích hoạt "hàng rào điện tử" từ rất sớm. Việc theo dõi dữ liệu di động sẽ cảnh báo cho cơ quan chức năng khi ai đó rời khỏi nhà khi đang tự cách ly.

"Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn người bệnh đi lại và lây nhiễm ra cộng đồng", Jyan Hong-wei, người đứng đầu Bộ An ninh mạng của Đài Loan cho biết. Jyan nói chính quyền và cảnh sát địa phương sẽ có thể phản ứng nhanh trong vòng 15 phút khi nhận được cảnh báo.

Áo

Ngày 17/3, đại diện nhà mạng viễn thông lớn nhất của Áo Telekom Austria AG cho biết, họ đang chia sẻ dữ liệu vị trí ẩn danh của người dùng với chính phủ.

Công nghệ này được phát triển bởi một công ty khởi nghiệp ở đại học Graz. Telekom Austria cho biết ứng dụng này thường được dùng để theo dõi lượng khách tại các điểm du lịch nổi tiếng. Các chuyên gia công nghệ nước này cũng lo lắng về việc liệu dữ liệu này có được sử dụng trong tương lai.

Bỉ

Chính phủ Bỉ đã sớm sử dụng dữ liệu ẩn danh từ các công ty địa phương từ ngày 11/3 để theo dõi vị trí những người có nguy cơ lây nhiễm và kiểm soát dịch bệnh.

Đức

Ngày 18/3, Deutsche Telekom cho biết họ sẽ chia sẻ dữ liệu vị trí người dùng với chính phủ.

"Với dữ liệu có được, chúng tôi có thể mô hình hóa cách mọi người di chuyển trên toàn quốc, ở cấp tiểu bang và thậm chí ở cấp độ cộng đồng", người phát ngôn của Deutsche Telekom nói với Die Welt.

Tại các quốc gia châu Âu, việc truy cập vào dữ liệu cá nhân vấp phải nhiều chỉ trích hơn. Ảnh: Reuters.

Tại các quốc gia châu Âu, việc truy cập vào dữ liệu cá nhân vấp phải nhiều chỉ trích hơn. Ảnh: Reuters.

Italy

Italy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề khi Covid-19 bùng phát. Chính phủ nước này cũng bắt tay với các cơ quan viễn thông để theo dõi vị trí ẩn danh của công dân. Theo The Guaridan, tính đến 18/3, Italy đã buộc tội 40.000 người vì không tuân thủ các biện pháp theo dõi, cách ly.

Anh

Mặc dù chưa có thông tin chính thức nào được công bố, nhưng chính phủ Anh đang đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như O2, EE để sử dụng dữ liệu ẩn danh, theo dõi công dân. Giống nhiều quốc gia châu Âu, việc xâm phạm quyền riêng tư không phải lựa chọn ưu tiên. Họ đang xem xét đến việc sử dụng dữ liệu tổng hợp để theo dõi sự di chuyển của người dân.

Nga

Ngày 23/3, chính phủ Nga đưa ra thông báo yêu cầu Bộ truyền thông nước này phát triển một hệ thống theo dõi, liên lạc mới để giúp giám sát các công dân được cho là tiếp xúc với những người có virus corona. Theo Meduza, hệ thống sẽ phân tích dữ liệu định vị của từng cá nhân cụ thể theo số liệu từ các công ty viễn thông. 

Pakistan

Theo Dawn, này 24/3 nhiều người tại Pakistan nhận được tin nhắn cảnh báo họ có thể đã tiếp xúc với những người nhiễm virus corona. "Bạn có thể đã tiếp xúc với một trường hợp đã được xác nhận nhiễm nCov trong 14 ngày. Do đó, bạn được yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết bằng cách tự cách ly", tin nhắn có đoạn. 

Các chuyên gia cho rằng chính phủ đã sử dụng thông tin vị trí trang web CSLI và phương pháp thu nhập bản ghi chi tiết cuộc gọi CDR. Từ đó, vị trí các số thuê bao ở gần bệnh nhân Covid-19 sẽ được xác nhận và gửi tin nhắn cảnh báo. 

Bulgaria

Theo Top10vpn, chính quyền Bulgaria cuối tuần trước đã được quyền truy cập vào lưu lượng dữ liệu của điện thoại di động cũng như các danh bạ trực tuyến mà không cần đến lệnh của tòa án. Công cụ cho phép theo dõi những người bị cách ly nhằm ngăn chặn lây lan ra cộng đồng. 

Nam Phi

Bộ trưởng truyền thông Nam Phi, bà Stella Ngobeni-Abrahams nói điều quan trọng là khoanh vùng được những người bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với những người đã bị nhiễm bệnh. Các công ty viễn thông tại đây đã đồng ý cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu để giúp chính phủ đạt được điều này. 

Ấn Độ

Theo Reuter, tất cả những người nghi nghiễm virus corona mới đều bị đóng dấu tem trên tay và không thể tự xóa. Những người này còn bị theo dõi dữ liệu cá nhân cũng như vị trí hiện tại để tiện quản lý. Các nhà chức trách sử dụng danh sách cuộc gọi, camera quan sát và GPS trên điện thoại di động để theo dõi và liên lạc với các người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus. 

Ba Lan

Bộ kỹ thuật số của Ba Lan ra mắt ứng dụng mới dành cho người dân bị cách ly với tính năng nhắc người dùng phải gửi ảnh selfie cùng với thông tin vị trí địa lý tại các thời điểm ngẫn nhiên trong suốt một ngày. Điều này giúp nhà chức trách đảm bảo họ đang tuẩn thủ các biện pháp kiểm dịch. Việc không tuân thủ lệnh cách ly, mỗi người có thể bị phạt 5.000 PLN (hơn 1.200 USD). 

Hong Kong

Tất cả khách quốc tế đến Hong Kong đều phải ở nhà trong 14 ngày để tự cách ly. Nhằm theo dõi những người mới đến, các nhà chức trách cung cấp một vòng đeo cổ tay điện tử ghi lại vị trí và chia sẻ đến các cơ quan chức năng. Bất cứ ai vi phạm lệnh cách ly đều phải đối mặt với án tù 6 tháng và phạt tiền 25.000 HKD (hơn 3.200 USD). 

Xem thêm: Người Trung Quốc căng thẳng vì mã vạch kiểm soát Covid-19.

Tuấn Hưng - Văn Khương/vnexpress.net

https://vnexpress.net/so-hoa/gan-20-quoc-gia-dung-cong-nghe-kiem-soat-nguoi-nhiem-ncov-4072979.html

  • Từ khóa