Tìm ra vaccine tạo kháng thể chống nCoV

Thứ 7, 04.04.2020 | 09:24:33
642 lượt xem

Các nhà khoa học Đại học Y Pittsburgh đã nghiên cứu thành công loại vaccine mới, có khả năng tạo ra kháng thể ngừa nCoV.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa EbioMedicine ngày 2/4. Nhóm nghiên cứu cho biết đã phát triển thành công vaccine Covid-19 sau khi nghiên cứu vaccine ngừa virus corona gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).   

Các thử nghiệm ban đầu trên chuột của vaccine Covid-19 cho thấy nó có thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại nCoV.   

"Hai loại virus gây SARS và MERS có liên quan mật thiết đến nCoV, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một loại protein hình gai có vai trò quan trọng trong việc tạo ra khả năng miễn dịch chống lại virus", Andrea Gambotto, giáo sư tại Pittsburgh, cho biết.   

"Chúng tôi biết chính xác cách chống lại loại virus mới này", Gambotto khẳng định.

Khi được thử nghiệm trên chuột, vaccine nguyên mẫu mà các nhà nghiên cứu đặt tên là PittCoVacc giúp tăng lượng kháng thể chống lại nCoV trong vòng hai tuần. Các nhà nghiên cứu Pittsburgh vẫn tiếp tục theo dõi để xem phản ứng miễn dịch chống lại Covid-19 kéo dài bao lâu.   

Các thử nghiệm tương đương ở chuột với vaccine MERS đã tạo ra lượng kháng thể đủ để vô hiệu hóa virus trong ít nhất một năm.

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine này trên người trong một hoặc hai tháng tới.

Một nhà nghiên cứu của Đại học Pittsburgh trong phòng thí nghiệm điều chế vaccine Covid-19 ngày 28/3. Ảnh. UPMC/ Reuters 

Một nhà nghiên cứu của Đại học Pittsburgh trong phòng thí nghiệm điều chế vaccine Covid-19 ngày 28/3. Ảnh. UPMC/ Reuters 

Vaccine đang được thử nghiệm trên người ở Seattle sử dụng công nghệ mới, nhanh hơn nhưng chưa được thử nghiệm, còn loại vaccine ở Pittsburgh sử dụng kỹ thuật của vaccine phòng cúm. Các nhà khoa học sử dụng các protein virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm để giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống nCoV.   

Các protein gai nhú của virus hoạt động giống như một chìa khóa giúp virus dễ dàng xâm nhập vào các tế bào của con người, như tra chìa vào ổ. Vaccine sẽ hoạt động giống như kẹo cao su trong ổ khóa, ngăn không cho chìa khóa hoạt động, giúp virus không thể xâm nhập vào bên trong cơ thể.

Vaccine này sẽ được đưa vào cơ thể thông qua cánh tay, nhưng sẽ không cần tiêm như các loại vaccine thông thường. Các nhà khoa học đã phát triển một miếng dán, có kích thước bằng đầu ngón tay chứa 400 kim siêu nhỏ, mỗi kim chỉ bằng nửa milimet. Họ cho biết nó sẽ có cảm giác giống như dùng khoá dán quần áo (Velcro) áp vào da.

Các mũi kim siêu nhỏ này được tạo ra từ đường và các mảnh protein, thâm nhập vào da, hấp thụ độ ẩm của da và giải phóng các phân tử. Các phân tử sẽ thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công virus.

Vaccine này không cần phải bảo quản đông lạnh khi lưu trữ hoặc vận chuyển. Có thể để ở nhiệt độ phòng giúp dễ dàng vận chuyển đến các nước khó khăn. 

Ông David O'Connor, Giáo sư tại Đại học Y khoa và Sức khỏe Cộng đồng Đại học Wisconsin, nhận xét: "Có rất nhiều, rất nhiều ứng cử viên vaccine trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau. Nhưng việc tạo ra  phản ứng miễn dịch là "bước đầu tiên quan trọng trong việc xác định loại vaccine nào nên tiếp tục phát triển."

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang nỗ lực phát triển các phương pháp điều trị hoặc vaccine tiềm năng giúp ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Sau thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, ngày 18/3 Trung Quốc cũng đã tiến hành thử nghiệm vaccine Ad5-nCoV trên 108 tình nguyện viên.   

Ngày 27/3, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết chính thức thử nghiệm các loại thuốc điều trị Covid-19 trên những bệnh nhân đầu tiên tại Na Uy và Tây Ban Nha. Bốn trong số các loại thuốc tiềm năng nhất được thử nghiệm gồm Remdesivir là hợp chất chống virus; Cloroquine hoặc hydroxychloroquine là thuốc chống sốt rét; Ritonavir và Lopinavir là thuốc ức chế HIV và sự kết hợp của hai loại thuốc này với interferon beta là một hợp chất kháng virus.   

Tính đến 3/4, đại dịch Covid-19 xuất hiện ở hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn một triệu người nhiễm bệnh, gần 53.000 người chết.   


Lê Cầm/vnexpress.net

https://vnexpress.net/suc-khoe/tim-ra-vaccine-tao-khang-the-chong-ncov-4079071.html

  • Từ khóa