Người rời khu cách ly, ân tình không quên

Thứ 3, 07.04.2020 | 10:04:44
612 lượt xem

Những kỷ niệm đẹp và tình cảm đối với nhân viên y tế, những người làm nhiệm vụ chống dịch là những ký ức không thể nào quên.

TPHCM những ngày tháng 4 nắng như đổ lửa, hàng ngàn người được rời khỏi các khu cách ly sau 14 ngày với kết quả 2 lần âm tính với  virusSARS-CoV-2. Họ sẽ về bên gia đình, quay lại với cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, những kỷ niệm đẹp trong suốt thời gian cách ly và tình cảm đối với nhân viên y tế, những người làm nhiệm vụ chống dịch là những ký ức không thể nào quên. Nhiều người sau khi rời khu cách ly đã làm những công việc ý nghĩa để đáp đền ân tình ấy.

nguoi roi khu cach ly, an tinh khong quen hinh 1
Thử nghiệm tấm chắn bảo vệ mặt chống tụ hơi nước mà nhóm của chị Lê Thị Thanh Nhàn thiết kế tặng nhân viên y tế.

Đêm trước ngày được ra khỏi khu cách ly của quận Bình Thạnh (TPHCM), chị Lê Thị Thanh Nhàn, 34 tuổi trằn trọc không ngủ. Cầm tấm giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly trên tay, chị Nhàn vừa vui mừng vì đã có kết quả âm tính, vừa trăn trở về những việc còn dang dở để góp phần cùng các nhân viên y tế chống dịch Covid-19.

Chị Nhàn là một kiến trúc sư, từ Malaysia trở về cách đây 17 ngày. Chị tự cách ly tại nhà vài ngày và sau đó được Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đưa đi cách ly tập trung. Vào đến khu cách ly, chị mới thấy hết sự vất vả và cả nguy hiểm của nhân viên y tế. Có người hai tháng nay chưa về thăm nhà, làm việc liên tục trong điều kiện có thể bị lây nhiễm. Chị Nhàn suy nghĩ và cùng các đồng nghiệp thành lập 1 nhóm làm việc nhỏ có tên “Kỹ sư Việt chống Covid 19”.  

nguoi roi khu cach ly, an tinh khong quen hinh 2
Chiến sĩ bộ đội hỗ trợ xách vali cho du học sinh rời khu cách ly.

Nhóm tập hợp các kiến trúc sư, kỹ sư có khả năng thiết kế, những chủ doanh nghiệp nhỏ có thiết bị sản xuất và nguyên liệu để làm thiết bị y tế. Trong nhóm này, chị Nhàn phụ trách đội nghiên cứu tấm chắn y tế bảo hộ vùng mặt để gửi tặng các y bác sĩ, điều dưỡng: "Chính dịp đi cách ly vừa qua, em ý thức được rõ đây đúng là một cuộc chiến, người đang chiến đấu chính là những y bác sĩ. Chính họ đang bảo vệ người dân cho nên những đồ mà bảo vệ họ sẽ phải được miễn phí. Tụi em vẫn đang làm những chiếc mặt nạ bảo vệ, lắng nghe phản hồi từ các bác sĩ để chỉnh sửa thiết kế".

Còn với Lục Cá Hùng, ngụ quận Tân Bình, là du học sinh trở về từ Trung Quốc, thời gian cách ly là những trải nghiệm đáng nhớ với nhiều kỷ niệm đẹp. Trước khi vào khu cách ly, Hùng từng lo lắng về cơ sở vật chất thiếu thốn, không quen với không khí nắng nóng. Thế nhưng sự quan tâm, chăm lo tận tình chu đáo của các nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong khu cách ly đã xua tan tất cả. 14 ngày cách ly tập trung trôi qua khá nhanh với Hùng. 

Rời khỏi khu cách ly, trở về thực hiện cách ly tại nhà, Hùng vẫn giữ liên lạc với các nhân viên y tế, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe của họ, kêu gọi gia đình, các mạnh thường quân ủng hộ công tác phòng chống dịch của thành phố. Hùng còn mong mỏi được làm một tình nguyện viên trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, như hỗ trợ làm phiên dịch viên cho các nhân viên y tế chẳng hạn.

nguoi roi khu cach ly, an tinh khong quen hinh 3
Phun xịt khử khuẩn trước khi lên xe rời khu cách ly.

"Em cũng muốn quay trở lại để làm một tình nguyện tham gia vào để ngăn chặn sự lây lan bệnh truyền nhiễm này. Cho dù em chưa biết một tình nguyện viên đòi hỏi kiến thức kỹ năng như thế nào. Em nghĩ là nếu được tham gia thì tất cả các anh/chị đó sẽ hướng dẫn mình", Hùng chia sẻ.

Với du học sinh Trần Thị Mỹ Hạnh cũng như nhiều người trong khu cách ly tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng và an ninh, ĐH Quốc gia TPHCM, ngày được gia đình đến đón về nhà, họ muốn gởi gắm lời cảm ơn đến toàn bộ cán bộ chiến sĩ và đội ngũ nhân viên y tế khi ngày đêm tận tâm và tận tình với công việc. Đối với Hạnh, thời gian ở khu cách ly, cô luôn cảm thấy an tâm và còn rèn luyện được thực hiện thời gian biểu khoa học trong sinh hoạt hàng ngày, giữ gìn và nâng cao sức khỏe.

"Bộ đội rồi nhân viên y tế chăm sóc em rất tận tình. Sáng thì có nhân viên y tế vào kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ, xong rồi có các anh bộ đội này đến mang đồ ăn sáng. Sau đó ai muốn tập thể dục thì tập mà không thì nói chuyện. Còn buổi chiều vui hơn, cùng tập thể dục, đi bộ", Hạnh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trang - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Bình cho biết, để gắn bó tình cảm mật thiết với những người cách ly, Trung tâm tạo group chat Zalo, gọi là "Diễn đàn khu cách ly", kết nối những người lạ từ phương xa và nhân viên y tế trở thành một gia đình. 

Ngoài việc thăm hỏi, kiểm tra và chăm sóc sức khỏe người cách ly thì những cán bộ y tế còn phải hướng dẫn quy trình cách ly, hướng dẫn các bước rửa tay, giữ gìn vệ sinh bản thân và phòng cách ly một cách tận tình và dễ hiểu nhất. Người cách ly cũng động viên nhau cùng thực hiện theo nhân viên y tế hướng dẫn và thường xuyên động viên cán bộ y tế cùng giữ gìn sức khỏe.

 Trên "Diễn đàn khu cách ly" là không khí lạc quan, nồng ấm tình người, mọi người cùng nhắc nhở nhau luôn lạc quan, cảnh giác nhưng không hoảng loạn, không để bị chi phối bởi những tin đồn thất thiệt, tin tưởng cùng phối hợp chống dịch.

"Qua zalo đã tuyên truyền được rất là nhiều. Share được những bài, hình ảnh đúng quy định trong công tác phòng chống dịch cũng như các chủ trương của ngành y tế. Các bạn ấy cũng share những thông tin và hỏi bác ơi như thế này có đúng không, bác ơi như thế kia có phải không, thì ngay lập tức mình dập tắt ngay, mà không phải đến trực tiếp tuyên truyền", Bác sĩ Trang chia sẻ.

Kết thúc thời hạn 14 ngày cách ly, người dân trở về gia đình, còn nhân viên y tế, bộ đội, dân quân tự vệ vẫn tiếp tục chống dịch. Quãng thời gian đeo khẩu trang bên nhau đã trở thành những kỷ niệm khó phai đối với nhiều người. Họ  vẫn giữ liên lạc với nhau, trở thành bạn bè trong mùa dịch căng thẳng. Những tin nhắn vẫn được gửi đi mỗi ngày, sự chia sẻ, hỗ trợ là nguồn động viên những cán bộ y tế, những “chiến sĩ thầm lặng” đang ngày đêm chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19./.


Kim Dung/VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/nguoi-roi-khu-cach-ly-an-tinh-khong-quen-1033458.vov

  • Từ khóa