Trả lời bạn xem truyền hình ngày 21/4/2020

Thứ 3, 21.04.2020 | 09:50:51
853 lượt xem

Câu 1. Ông Nguyễn Minh Sâm trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi: những hành vi vi phạm khi sử dụng mạng xã hội sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời:       

Những hành vi vi phạm khi sử dụng mạng xã hội sẽ bị xử phạt là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội nhưng chưa được sự đồng ý của cá nhân.

- Hành vi không cung cấp thông tin của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hành vi lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

- Hành vi chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội...

- Hành vi đăng, phát, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia.

- Hành vi quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ cấm.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

- Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

- Đặc biệt, hành vi cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

- Riêng hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt 20-30 triệu đồng.

Câu 2: Ông Nông Thế Thành trú tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn hỏi: Những đối tượng nào được hỗ trợ khi gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 gây ra theo Nghị Quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ?

Trả lời:

Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ thì đối tượng được hỗ trợ khi gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 gây ra bao gồm:

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.

Câu 3. Ông Hứa Văn Khoa trú tại xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình hỏi: tôi đã ly hôn vợ, nhưng bị gia đình vợ ngăn cản không cho gặp con, thăm nom con của mình, việc gia đình bên vợ làm như vậy có đúng quy định của pháp luật không, nếu sai sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ của trẻ em được quy định tại Điều 23 Luật trẻ em năm 2016, theo đó:

Trẻ em có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

Đồng thời, Điều 81, Luật Hôn nhân gia đình 2014 cũng quy định: Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ về nhân thân, mang tính bắt buộc của bậc làm cha mẹ.

Theo đó, người trực tiếp nuôi con nếu gây khó, cản trở người kia đến thăm con; hoặc người không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến con đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, việc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau cũng là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. (Điều 53)

  • Từ khóa