Công ty Điện lực Lạng Sơn: Tăng cường bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp

Thứ 2, 09.05.2022 | 14:42:36
1,006 lượt xem

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp của tỉnh, chỉ tính riêng năm 2021 đã có 131 sự cố về điện do vi phạm hành lang lưới điện cao áp (HLLĐCA). Trong đó, hơn 50% là do người dân chặt cây đổ vào đường dây hoặc người dân trồng cây vi phạm HLLĐCA gây chập điện. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cung cấp điện của Công ty Điện lực Lạng Sơn và tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn về điện cho người dân tại những khu vực đó.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Ninh, Giám đốc Điện lực Hữu Lũng cho biết: Trên địa bàn do đơn vị quản lý vẫn còn một số tuyến đường dây điện cao áp (hơn 59 km) đi qua khu vực đồi có nhiều cây cao. Vì thế, thời gian qua, đã xảy ra một số vụ việc vi phạm HLLĐ gây ra sự cố chập, mất điện. Những vi phạm trên địa bàn chủ yếu là do cây rừng va quệt, nghiêng đổ vào đường dây khi có gió bão, người dân khai thác cây gây đổ vào đường dây điện…

Cán bộ Điện lực Hữu Lũng xử lý sự cố đứt dây điện do cây gẫy đỗ vào lưới điện

Không chỉ trên địa bàn huyện Hữu Lũng, do đặc thù của tỉnh miền núi, hệ thống lưới điện cao áp trên địa bàn toàn tỉnh đa phần đi qua khu vực địa hình đồi, núi, rừng. Nhiều khu vực đường dây đi qua, người dân canh tác trồng và khai thác cây công nghiệp như bạch đàn, keo và một số cây tự nhiên nhưng chưa quan tâm đến việc đảm bảo an toàn HLLĐCA.

Ông Vũ Đình Toản, Trưởng Phòng An toàn, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Trên địa bàn tỉnh còn nhiều nhánh, lộ đường dây điện cao áp có nguy cơ bị sự cố do người dân trồng cây cao, khai thác cây cao với chiều dài hơn 160 km. Thực tế, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, đã xảy ra 6 vụ vi phạm HLLĐCA từ những nguyên nhân như vậy. “Việc vi phạm HLLĐCA đã gây tổn thất cho công ty hàng trăm triệu đồng để khắc phục. Hơn nữa, việc vi phạm HLLĐCA còn gây khó khăn cho công tác sửa chữa, khắc phục sự cố…” – Trưởng Phòng An toàn, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết.

Tìm hiểu được biết, việc vi phạm HLLĐCA chủ yếu là do ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định về bảo vệ an toàn HLLĐCA chưa cao. Đặc biệt, có nhiều chủ rừng chưa hợp tác với ngành điện trong công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện nói chung, cũng như HLLĐCA nói riêng. Nhiều hộ dân vẫn trồng cây gỗ lớn ngay dưới lưới điện cao áp, cùng đó, cũng không tuân thủ quy định trong qua trình khai thác rừng, vì thế, sự cố cây đổ vào đường điện cao áp vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ an toàn HLLĐCA của chính quyền một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa chính quyền với cơ quan quản lý Nhà nước và ngành điện chưa chặt chẽ.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra do vi phạm HLLĐCA, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc công ty cho biết: Nhằm hạn chế sự cố, thời gian qua, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo điện lực các huyện, thành phố triển khai những giải pháp mang tính lâu dài như: thường xuyên kiểm tra, xử lý các vị trí cột điện, dây điện chùng, võng không đạt tiêu chuẩn quy định về khoảng cách an toàn; xử lý các công trình vi phạm HLLĐCA. Bên cạnh đó, hiện công ty cũng đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để tuyên truyền sâu rộng tới người dân về sự nguy hiểm và các nguy cơ tiềm ẩn khi thực hiện khai thác cây rừng gần HLLĐCA; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những quy định xử phạt đối với những trường hợp vi phạm… Đồng thời, thường xuyên phối hợp với chính quyền cấp huyện, cấp xã tổ chức bảo vệ hành lang lưới điện và tổ chức diễn tập xử lý những sự cố về điện trong trường hợp cây đổ vào tuyến đường điện cao áp…

Qua trao đổi với lãnh đạo Công ty Điện lực Lạng Sơn, được biết, để chủ động ứng phó, khắc phục những sự cố do vi phạm HLLĐCA có thể xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão năm 2022, đến nay, 100% đơn vị điện lực đã thống kê chi tiết các điểm vi phạm HLLĐCA trên địa bàn quản lý để phối hợp xử lý ngay trong tháng 5/2022. Song song với đó, các đơn vị điện lực tổ chức cho các hộ dân có cây trong, ngoài HLLĐ có nguy cơ đổ vào đường dây dẫn điện gây sự cố ký cam kết đảm bảo an toàn HLLĐCA (từ tháng 3/2022 đến nay, đã tổ chức cho hơn 1 nghìn hộ dân ký cam kết). Đặc biệt, việc ký cam kết với người dân được thực hiện ngay tại hiện trường để từ đó làm căn cứ cho đơn vị quản lý xử lý hành chính sau đó khi người dân vi phạm.

Ngày 31/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2014/NĐ-CP về “Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện”). Mức xử phạt theo Nghị định 17 đối với người dân vi phạm HLLĐCA đã tăng cao hơn nhiều so với Nghị định 14.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/498167-cong-ty-dien-luc-lang-son-tang-cuong-bao-ve-an-toan-hanh-lang-luoi-dien-cao-ap.html

  • Từ khóa