Dạy môn Lịch sử trong bậc học phổ thông là để nâng cao nhân cách, lòng yêu nước

Thứ 5, 05.05.2022 | 15:14:16
460 lượt xem

Từ năm học 2022-2023, ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử trở thành môn học lựa chọn thay vì là môn bắt buộc; còn ở trung học cơ sở, môn Lịch sử không đứng riêng mà là một phân môn trong môn Lịch sử và Địa lý.

Thực sự Bộ Giáo dục và Đào tạo đã coi nhẹ môn Lịch sử và nói đúng hơn đã "khai tử" môn Lịch sử. Tôi xin có một số lời bàn về việc này như sau:

Dân ta phải biết sử ta

Ngay từ thời phong kiến, khi dạy người, ông cha ta đã rất coi trọng giáo dục môn Lịch sử. Thời kỳ đó, các nho sinh từ 6 tuổi trở lên đã phải ngày đêm đèn sách, gắng sức học cho thông kinh sử, bởi không thông sử thì khó mà đỗ đạt làm quan để phụng sự dân tộc, quản lý đất nước, sau nữa là rạng rỡ tổ tông. Sinh thời, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dạy Nguyễn Tất Thành thời còn niên thiếu nhiều kiến thức, nhưng nhiều nhất vẫn là những bài học về lịch sử; thông qua những trang sử nước nhà đã giúp người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm hun đúc lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, cường quyền của bọn đế quốc, phong kiến.

Thấm thía rõ điều ấy, ngay từ năm 1942, khi lãnh đạo Mặt trận Việt Minh và nhân dân Việt Nam chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã soạn một tài liệu có tên: "Lịch sử nước ta" để tuyên truyền, vận động nhân dân. Mở đầu tài liệu, Người viết: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" (1). Câu thơ giản dị ấy đã nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của lịch sử dân tộc đối với mỗi người dân đất Việt. Tất cả giá trị lịch sử, văn hóa của người Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước thường được đúc kết bằng những trang sử, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm vô cùng kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.

Dạy môn Lịch sử trong bậc học phổ thông là để nâng cao nhân cách, lòng yêu nước

Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) học lịch sử bằng trải nghiệm tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19).Ảnh: TRÀ MY .

Dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu biết những phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam, góp phần nâng cao “phông” văn hóa cho học sinh, qua đó giúp các em hiểu biết quá khứ hào hùng của dân tộc và những giá trị của ngày hôm nay. Nếu chúng ta không dạy cho thế hệ trẻ môn Lịch sử thì chẳng khác nào làm cho cuộc sống của họ như “cây không có gốc”, “suối không có nguồn”, khó có thể phát triển toàn diện và bền vững. 

Nhìn xa ra quốc tế cũng chưa thấy quốc gia nào coi nhẹ việc dạy môn Lịch sử, thậm chí các quốc gia tiên tiến khi xét cấp quốc tịch, họ đều bắt buộc thi hai môn là Lịch sử và ngôn ngữ của quốc gia ấy.

Ngành giáo dục phải coi trọng các môn tiếng Việt, văn hóa và lịch sử dân tộc, địa lý Việt Nam

Sử học hay khoa học lịch sử là một trong những ngành khoa học xuất hiện sớm giúp cho con người nhận thức và cải tạo thế giới khách quan. Lịch sử sẽ giúp cho thế hệ hiện tại và tương lai tiếp cận chân lý một cách nhanh nhất và hành động một cách hiệu quả nhất. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Nghiên cứu lịch sử không phải chỉ với mục đích giải thích quá khứ mà còn cả ý nghĩa mạnh dạn tiên đoán tương lai và mạnh dạn kiến nghị thực hiện các tiên đoán đó”(2). Mặt khác, lịch sử sẽ giải thích cho mỗi người hiểu được mình sinh ra và lớn lên từ đâu với quá khứ như thế nào. Chúng ta không thể hình dung được sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người nếu bị tách ra khỏi quá khứ hoặc sống trong một quá khứ mịt mù. 

Các nước phương Tây và Mỹ cũng không bỏ môn Lịch sử, không chỉ bắt buộc học sinh học môn Lịch sử ở bậc học phổ thông mà còn bắt buộc học ở giai đoạn đại học đại cương. Ở nước ta từ trước đến nay cũng chưa bao giờ bỏ môn Lịch sử, ngay cả thời kỳ trước năm 1975 ở miền Nam, mặc dù cấp 3 học phân ban A, B, C nhưng môn Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc, sau đó mới học sâu hơn ở phân ban. Trên thế giới không có nước nào đưa môn Lịch sử vào môn tự chọn như nước ta.

Khi bước vào thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để tiếp tục phát huy vai trò và tầm quan trọng của các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung, môn Lịch sử nói riêng, Đảng ta đã có những nghị quyết định hướng và chỉ đạo dạy-học môn Lịch sử cho bậc học phổ thông. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), tháng 12-1996 đã đề ra yêu cầu ngành giáo dục phải “coi trọng các môn tiếng Việt, văn hóa và lịch sử dân tộc, địa lý Việt Nam"(3). Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) đã chỉ rõ: “Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội”(4). Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng là nhất quán, định hướng rất rõ về giáo dục môn Lịch sử cho bậc học phổ thông. Mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo ra những con người có trí tuệ, bản lĩnh vững vàng và năng lực hành động sáng tạo. Suy nghĩ về vấn đề này, trong Điện chúc mừng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 16-8-2012, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: “Giáo dục khoa học Lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam là vấn đề vô cùng quan trọng đối với tương lai và sự trường tồn phát triển dân tộc”. 

Với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao thăng trầm. Các thế lực xâm lược nước ta đã dùng trăm phương, nghìn kế để xóa bỏ lịch sử và văn hóa dân tộc ta, hòng đồng hóa dân tộc nhưng chúng đều thất bại.

Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ hiện nay, nhất là công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, các thế lực thù địch đang lợi dụng những phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet, thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Twitter; trang web hay blog... để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen, bóp méo lịch sử dân tộc, phủ nhận giá trị của những sự kiện, nhân vật lịch sử đích thực trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Thủ đoạn của chúng là triệt để khai thác, cắt xén, nhào nặn những thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng, làm cho thật-giả lẫn lộn, tạo ra sự tò mò, hoài nghi trong dư luận. Đối tượng chủ yếu mà chúng nhắm đến là thế hệ trẻ. Vì vậy, giáo dục lịch sử dân tộc ở bậc học phổ thông lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu như môn Lịch sử không được đối xử và lựa chọn đúng với vị trí, vai trò của nó, không trở thành môn học bắt buộc cho học sinh trung học phổ thông thì rất nguy hại cho quốc gia, dân tộc, vô tình tiếp tay cho kẻ thù.

Hiện nay, tình hình chính trị-an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến hết sức phức tạp. Đối với Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đang đặt ra ngày càng nặng nề và phức tạp hơn. Nếu chúng ta không có sự giáo dục đúng mức thì nhiều thế hệ người Việt không thể hiểu biết đầy đủ về lịch sử chủ quyền quốc gia. Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không nắm chắc, hiểu rõ lịch sử dân tộc, không có niềm tin dân tộc, không kế thừa các truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc thì làm sao có thể yêu nước và bảo vệ đất nước một cách chân chính nhất.

Nêu cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, người dạy và người học môn Lịch sử

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉnh sửa lại Chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa môn Lịch sử về đúng với vị trí, vai trò của nó; xác định Lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta. Tiếp tục làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy-học môn Lịch sử, không coi đó là môn học lựa chọn.

Học sinh cần được tiếp cận môn học bằng phương pháp, tư duy khoa học lịch sử sao cho các bài học trở nên dễ nhớ, dễ hiểu, đi vào trọng tâm, làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử... thành các bài học để bồi dưỡng nhân cách, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho học sinh.

Đổi mới phương pháp dạy-học môn Lịch sử và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử cho ngang tầm với yêu cầu mới. Người thầy sẽ hỗ trợ học sinh hiểu và đánh giá đúng ý nghĩa, giá trị của các sự kiện lịch sử đối với tiến trình phát triển của một đất nước, một dân tộc.

Làm cho học sinh khi học môn Lịch sử phải hiểu rõ giá trị các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, từ đó các em sẽ tự hào với truyền thống của dân tộc, có ý thức trách nhiệm với tương lai, tiền đồ của đất nước. Dạy-học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó tạo ra nguồn cảm hứng, thích thú để học sinh nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử, từ đó hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đối với đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử, chú ý cải thiện điều kiện làm việc của họ, có chính sách đãi ngộ hợp lý để họ không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tướng, PGS, TS VÕ TIẾN TRUNG, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, tr.221

(2) Lênin, Toàn tập (tiếng Việt), Nhà xuất bản Tiến bộ, Mat-xcơva, 1979, tập 26, tr.75

(3) Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) của Đảng (dành cho báo viên), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. H.1997, tr.42

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. H.2011, tr.216


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/day-mon-lich-su-trong-bac-hoc-pho-thong-la-de-nang-cao-nhan-cach-long-yeu-nuoc-693476

  • Từ khóa