Quản lý tài sản số cần chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường

Thứ 7, 23.11.2024 | 14:55:29
65 lượt xem

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, sáng 23-11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bố cục của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 chương với 73 điều. Theo đó, dự thảo luật khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; trung tâm/viện nghiên cứu phát triển; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương.

Dự thảo luật cũng đưa ra khái niệm về tài sản số, theo đó, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ. Tài sản mã hóa cũng được xác định là một loại tài sản số.

Việc quản lý tài sản số được quy định theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững.

Quản lý tài sản số cần chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường

Quang cảnh phiên họp tại hội trường. Ảnh: TRỌNG HẢI

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, việc quy định về tài sản số trong Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị làm rõ nội hàm, bổ sung một số quy định về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, phát triển cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ số, thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, khung năng lực công nghệ số. Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định để phát triển thế mạnh, lợi thế của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/quan-ly-tai-san-so-can-chat-che-chong-rua-tien-va-minh-bach-hoa-thi-truong-804197

  • Từ khóa