Ngày xưa, nếu làm ăn nhỏ thì chỉ có cách liên kết với nhau để thành lớn và phải bán cho công ty trung gian. Các công ty này được hưởng lợi nhiều nhất. Trong thời gian tới, với sự trợ giúp của các nền tảng số, các hộ kinh doanh dù vẫn nhỏ nhưng không lẻ vì nếu liên kết lại với nhau sẽ xóa bớt trung gian và tạo sự kết nối trực tiếp. Đây sẽ là mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại trong thời gian tới.
TS Vũ Tiến Lộc: Các hộ nông dân nhỏ cần liên kết lại thành nền tảng, kết nối với thị trường, kết nối với các đầu cung ứng và các đầu tiêu thụ - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Đây là ý kiến của TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” vừa được Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức.
Thay đổi tư duy, kết hợp quy nhỏ và lớn
Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc phân tích, người Việt Nam phần lớn sinh ra từ nông thôn, đây là nền tảng gốc rễ xã hội Việt Nam. Quá trình công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin…
Trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn, tuy vậy cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp cần phải có tinh thần doanh nhân trong doanh nghiệp (DN), phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp, đó là lưu ý quan trọng nhất.
Hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ, chúng ta biết tác động của kinh tế số bây giờ, một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk cũng có thể vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp.
“Phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ, nhỏ nhưng không lẻ, phải liên kết lại với nhau. Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, như những giọt nước kết nối với nhau thành biển cả, chứ không phải thủ tiêu cái nhỏ, cái nhỏ kết nối sẽ thành chuỗi lớn”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Không đặt nặng vấn đề quy mô, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các hộ nông dân nhỏ cũng rất đẹp nhưng với điều kiện phải liên kết lại thành nền tảng, kết nối với thị trường, kết nối với các đầu cung ứng và các đầu tiêu thụ. Ví dụ, một hộ nông dân có thể kết nối với một nhà khoa học đang ngồi ở viện nghiên cứu, người nông dân có thể tiếp thu lời khuyên từ công thức của các nhà khoa học để triển khai và bán ra thị trường thế giới.
“Trong thời gian tới, với sự trợ giúp của các nền tảng số, các hộ kinh doanh dù vẫn nhỏ nhưng không lẻ vì nếu liên kết lại với nhau sẽ xóa bớt trung gian và tạo sự kết nối trực tiếp. Đây sẽ là mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại trong thời gian tới”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ thay đổi thường xuyên, thì người làm kinh tế nông nghiệp cần cần nhanh nhạy trong việc nắm bắt các nhu cầu mới |
Tận dụng sức mạnh từ kết nối
Về thực trạng nền nông nghiệp, Chủ tịch VIAC phân tích, nền nông nghiệp nước ta có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công và phải nhập khẩu giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, có một số ngành nhập khẩu 80-90% từ nước ngoài nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh và chưa vào được phân khúc cao của thị trường.
Điều kiện tự nhiên nước ta có các vùng khí hậu, thổ nhưỡng, nên cần phát triển đúng theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao hơn.
Hiện tại, các DN FDI chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, nhưng lĩnh vực sữa thì các DN Việt chiếm lĩnh thị trường khá tốt. Vấn đề là tương quan với các DN FDI. Các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp trọng yếu phải chăng người Việt phải giữ vị trí tương xứng, thậm chí chủ đạo, mang lại giá trị tăng cao hơn cho Việt Nam.
“Về xuất khẩu ra thế giới, công tác truyền thông tương đối tốt nhưng không nên chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ mà ảo tưởng là ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới với phẩm cấp cao”, ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn nhận định.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, tất cả nông dân bây giờ cũng đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp. Khi chúng ta quan niệm rằng nền nông nghiệp không chỉ là làm nông mà là làm kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể phải có tinh thần của người kinh doanh.
Đại diện VIAC cho rằng, người nông dân bây giờ cũng phải tính đầu tư vào đâu, sản xuất kinh doanh cái gì, bán đi đâu mới hiệu quả? Vì vậy, người nông dân cần phải có tinh thần của người kinh doanh. Hộ nông dân cũng phải tiến hành sản xuất kinh doanh trên tinh thần của doanh nhân, bản chất là đầu tư để tìm lợi nhuận, để làm giàu cho mình, đó mới là tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.
“Chúng ta có thể làm chương trình “Nông dân khởi nghiệp” trên mạng Internet, hoạt động thường xuyên để người nông dân ở vùng xa, vùng sâu có thể tiếp cận được và nghe những bài giảng, thông tin, trao đổi kinh nghiệm. Chúng ta tập trung vào những nền tảng như vậy để hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận được với kiến thức, thông tin; được đào tạo; được tư vấn, hỗ trợ… Bằng cách đó, chúng ta có thể đào tạo cấp tập, nâng cao kiến thức của nông dân”, ông Vũ Tiến Lộc gợi ý về cách nâng cao nhân lực nông nghiệp.
Đại diện VIAC cho biết, đã có những dấu hiệu bước đầu của xu hướng mới khi có ngày càng nhiều những sinh viên sau khi ra trường đã không vào làm thuê cho công ty nào đó thành phố mà về quê để lập một trang trại nhỏ.
“Đó là tín hiệu theo tôi là quan trọng, hãy về nông thôn, hãy làm nông nghiệp, nhưng với tinh thần của một DN và làm với kiến thức, với trình độ khoa học, với chuyển đổi số…”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ với những bạn trẻ có ước vọng làm giàu từ nông nghiệp.
Đại diện VIAC gợi ý, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ thay đổi thường xuyên, thì người làm kinh tế nông nghiệp cần cần nhanh nhạy trong việc nắm bắt các nhu cầu mới. Trong đó, ngoài một sản phẩm cụ thể, người tiêu dùng còn có xu hướng muốn kết nối giữa người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp với các hộ nông dân. Thậm chí giao tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng cũng quan trọng với giao tiếp xã hội, tạo lên một cộng đồng mới, giá trị nhân văn, giá trị con người mới…
Đó chính là cơ hội cho kinh tế hộ, cơ hội cho các cở sở sản xuất nhỏ trong nông nghiệp có thể kết nối với thị trường trong nước và thế giới.
“Tôi có thể ví hình ảnh “một gia đình châu Âu có thể mua một bó hoa vẫn còn đẫm sương trong công viên của Đà Lạt” được mua và chuyển về bằng máy bay… Đây là kết nối nền tảng kinh tế số. Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển một nền nông nghiệp mà quy mô các cơ sở sản xuất dù nhỏ nhưng vẫn đạt được giá trị gia tăng lớn, tạo ra sản lượng lớn”, ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng.
Anh Minh/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tan-dung-kinh-te-so-DN-nong-nghiep-du-nho-nhung-khong-le/451253.vgp