Giống tốt cho vụ đông xuân 2021-2022

Thứ 2, 08.11.2021 | 14:47:03
918 lượt xem

Năm 2021, sản xuất lúa ở các địa phương phía bắc mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và điều kiện thời tiết bất thuận, nhưng do chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy nên năng suất, sản lượng, giá trị vẫn đạt kết quả tốt.

Bà con nông dân xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) thu hoạch lúa. (Ảnh Ngô Tuấn)

Theo thống kê, năm 2021 toàn miền bắc gieo cấy ước đạt 2,3 triệu ha, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng 969 nghìn ha, Bắc Trung Bộ 672 nghìn ha, trung du miền núi phía bắc 662 nghìn ha.

Năng suất, sản lượng tăng

Cục Trồng trọt cho biết, mặc dù sản xuất lúa trong năm diện tích giảm hơn 18 nghìn ha do hạn hán, chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn quả và một phần chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp… Mặc dù vậy, sản xuất lúa năm 2021 ở phía bắc vẫn được đánh giá là thắng lợi cả về năng suất, sản lượng, giá trị khi năng suất trung bình cả năm ước đạt 58,2 tạ/ha (tăng 1,5 tạ/ha so năm 2020); sản lượng ước đạt 13,418 triệu tấn (tăng 233 nghìn tấn so năm 2020).

Vụ đông xuân 2020-2021, mặc dù diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thường, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của nhân dân, sản xuất vẫn đạt kết quả tốt do diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng được mở rộng, chi phí đầu vào giảm hơn so năm trước.

Trong đó, diện tích gieo cấy trong vụ này khoảng hơn một triệu ha, năng suất đạt khoảng 64,2 tạ/ha (tăng 1,6 tạ/ha so vụ đông xuân trước), sản lượng đạt gần 7 triệu tấn. Một số tỉnh có năng suất lúa tăng cao so vụ trước, như: Thừa Thiên Huế đạt 67,6 tạ/ha, tăng 7,7 tạ/ha; Nghệ An đạt 68,85 tạ/ha, tăng 2,32 tạ/ha...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, vụ đông xuân 2020-2021, trên địa bàn gieo cấy hơn 55,7 nghìn ha lúa, năng suất bình quân đạt 65,6 tạ/ha, cao hơn 2,54 tạ/ha so vụ đông xuân trước, sản lượng hơn 366 nghìn tấn.

Để có được kết quả này, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất sớm; nhận thức của nhân dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được nâng lên; đa số vùng sản xuất đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch.

Bước vào vụ hè thu, mùa, mặc dù ảnh hưởng của bão, lũ nhưng kết quả sản xuất vẫn đạt kết quả cao. Trong vụ hè thu, mùa, các địa phương phía bắc gieo cấy khoảng 1,217 triệu ha, năng suất trung bình ước đạt 52,9 tạ/ha (tăng 1,4 tạ/ha so năm 2020), sản lượng đạt 6,4 triệu tấn, tăng 129 nghìn tấn.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cho biết, do ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nhân dân tập trung thu hoạch lúa đông xuân sớm dành đất gieo cấy vụ mùa cộng với thời tiết thuận lợi, nguồn nước bảo đảm nên năng suất đạt cao. Theo đó, vụ mùa bà con nông dân gieo cấy khoảng 22,1 nghìn ha, năng suất đạt hơn 53 tạ/ha, sản lượng gần 118 nghìn tấn.

Đặc biệt, trong vụ mùa vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc có diện tích gieo giống lúa chất lượng cao khoảng 435 nghìn ha, tăng khoảng 10 nghìn ha so năm 2020. Một số tỉnh có diện tích gieo cấy cao là: Nam Định, hơn 62 nghìn ha, chiếm tỷ lệ hơn 87,8% diện tích; Hưng Yên, hơn 19 nghìn ha, chiếm 70,7% diện tích gieo cấy.

Ở vùng Bắc Trung Bộ, giống lúa chất lượng giá trị hàng hóa cao đã được các địa phương quan tâm và tiếp tục mở rộng. Trong đó, vụ hè thu diện tích đạt khoảng 78 nghìn (chiếm 44,8%). Ngoài ra, diện tích gieo cấy lúa lai thương phẩm ở phía bắc cũng đạt khoảng 165 nghìn ha.

Chủ động nguồn nước cho sản xuất

Vụ đông xuân 2021-2022, toàn miền bắc dự kiến gieo cấy hơn 1 triệu ha lúa, phấn đấu năng suất trung bình đạt 64,4 tạ/ha tăng khoảng 0,2 tạ/ha so năm trước, sản lượng gần 7 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, vụ đông xuân này khả năng thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt nguồn nước tới các hồ chứa lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra từ tháng 11/2021 đến 4/2022.

Ngoài ra, do các đợt mưa lớn, kéo dài trong tháng 10 và các tháng cuối năm, nguồn nước phục vụ đổ ải có xu hướng khó khăn hơn nhiều so các vụ trước. Hơn nữa, vụ đông xuân 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn có diễn biến khó lường...

Vì vậy, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ  đông xuân tới phù hợp điều kiện nguồn nước, khả năng vận hành lấy nước của công trình thủy lợi, lịch thời vụ; rà soát, khoanh vùng các diện tích khó khăn về cấp nước tưới để có phương án cấp nguồn nước bổ sung hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế tối đa diện tích gieo sạ nhằm giảm áp lực nguồn nước tưới.

Mặt khác, thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2021-2022.

Tăng cường nạo vét hệ thống kênh mương, cửa lấy nước các trạm bơm, cống; thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, bảo đảm khả năng dẫn, tích trữ nước. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các công trình lấy nước đang đầu tư, kịp đưa vào vận hành lấy nước phục vụ lấy nước ngay từ vụ đông xuân 2021-2022; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Còn theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, để bảo đảm sản xuất và hướng đến một vụ đông xuân thắng lợi, các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực để gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch; hạn chế tối đa trà xuân sớm (chỉ gieo trồng ở những nơi có điều kiện đặc thù); mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận; khuyến cáo mở rộng diện tích lúa lai, ưu tiên giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, gạo ngon, hạt dài để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, các địa phương khuyến cáo nhân dân tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như: SRI, “3 giảm, 3 tăng”, áp dụng biện pháp phòng dịch hại tổng hợp IPM, ICM... Thực hiện mạnh việc chuyển đổi những diện tích trồng lúa ở khu vực cao, khó khăn về nước tưới sang cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu gieo, cấy, thu hoạch, mở rộng mô hình mạ khay, máy cấy, bảo đảm thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo phương thức cánh đồng lớn…

NGUYÊN PHÚC/nhandan.vn

https://nhandan.vn/chuyen-lam-an/giong-tot-cho-vu-dong-xuan-2021-2022-673018/

  • Từ khóa