Khi ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm 2021 từ 14 đến 14,5 tỷ USD đã không tính đến những rủi ro bởi dịch Covid-19. Trên thực tế, riêng quý III, do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá trị xuất khẩu của toàn ngành đã giảm từ 17 đến 22%. Ðể hoàn thành mục tiêu, các doanh nghiệp gỗ hiện đang nỗ lực vừa chống dịch vừa tập trung đẩy mạnh sản xuất.
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH gỗ Việt Tín (Bình Dương). Ảnh: QUỲNH HƯƠNG
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên mức tăng trưởng này lại chủ yếu là do kim ngạch từ những tháng nửa đầu của năm mang lại. Kể từ tháng 7, kim ngạch xuất khẩu bắt đầu giảm mạnh và vẫn tiếp tục đà giảm cho đến hết tháng 9. Ðà giảm này xuất hiện ở tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ như đồ gỗ nội thất, ghế ngồi và gỗ dán (trừ dăm gỗ và ván bóc là hai mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đi Trung Quốc, đang tiếp tục tăng). Mức suy giảm trong xuất khẩu diễn ra ở hầu hết các thị trường trọng điểm như Mỹ, Hàn Quốc, Anh và Canada, với mức giảm khoảng 20% hằng tháng. Một số thị trường như Trung Quốc, Nhật, EU và Australia có kim ngạch tiếp tục tăng, nhưng tốc độ chậm lại.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động, trong đó có ngành sản xuất, chế biến gỗ. Sau mấy tháng ròng rã giãn cách để chống dịch, các doanh nghiệp gần như đã cạn lực. Những hỗ trợ thiết thực nhất lúc này là thị trường, việc làm và thanh khoản. Cùng với các ưu đãi mong muốn như giãn, hoãn nợ, thuế, phí… các doanh nghiệp cho rằng, họ cần nhận được nhiều hơn sự ưu đãi về tài chính để có thể phục hồi sản xuất thật nhanh sau giãn cách, trong đó có việc tạo ra những thuận lợi lớn nhất để đưa người lao động trở lại các nhà máy sản xuất.
Có chuyên gia ví von, suốt mấy tháng qua, các doanh nghiệp như bệnh nhân nằm viện, có nhẹ, có nặng, thậm chí tử vong vì bệnh. Bây giờ là lúc cần có tiền để mua đồ ăn, thức uống tẩm bổ, hồi phục sức khỏe chứ chưa thể nói ngay đến việc đi làm kiếm tiền được. Do vậy, giải pháp huy động tiền vốn lúc này là ngân hàng cần nới lỏng các điều kiện cho vay, hoặc Chính phủ phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn lực bên ngoài, tự thân các doanh nghiệp cũng cần phải vực dậy, vượt qua khó khăn, thách thức để tự vươn lên, tìm cơ hội tốt ngay trong nguy khó.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ðỗ Xuân Lập cho rằng, đến thời điểm hiện nay, dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố; nhiều địa phương đã từng bước mở cửa và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Ðặc biệt Chính phủ cũng đã có chủ trương chuyển hình thái phòng, chống dịch từ chiến lược “Zero Covid” ở giai đoạn đầu sang chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó có mục tiêu bảo đảm sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ðây thật sự là một tín hiệu vui, hữu ích cho toàn xã hội, các doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ.
Theo các chủ doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, hiện đã có các phương án để sớm phục hồi sản xuất trong bối cảnh đơn hàng đang rất dồi dào. Cùng với các chính sách về thu hút lao động trở lại làm việc, huy động nguồn lực tài chính, sự chủ động về nguyên liệu, phụ liệu trong bối cảnh giá tăng cao, các doanh nghiệp đã xây dựng các phương án tổ chức sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho rằng, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã có kế hoạch phục hồi sản xuất với việc thay đổi chiến lược kinh doanh; kiểm soát dịch hiệu quả đi đôi với nâng cao năng lực sản xuất. Ðồng thời, áp dụng chủ động các phương án sản xuất tối ưu như, tinh giản bộ máy, giảm chi phí cố định; đầu tư máy móc, giảm phụ thuộc vào lao động, có chính sách tốt để thu hút người lao động. Hiện tại, đã có hơn 67% doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động với hơn 70% công suất; khoảng 13% doanh nghiệp hoạt động từ 50% công suất trở xuống và 20% doanh nghiệp hoạt động từ 50 đến 70% công suất. Các mô hình hoạt động chính của doanh nghiệp là “3 tại chỗ” chiếm 24%; “2 cung đường 1 điểm đến” chiếm 19% và mô hình khác chiếm áp đảo với 56%. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đặt ra lúc này đối với các doanh nghiệp còn nhiều, trong đó vấn đề thiếu người lao động đang là bài toán khó giải quyết nhất.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh, mặc dù gặp khó khăn trong xuất khẩu trong quý III, nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, xuất khẩu ngành gỗ đã có sự tăng trưởng rõ rệt. Với đà phục hồi hiện tại, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành cả năm vượt 14 tỷ USD là khả quan. Những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để cùng các doanh nghiệp ngành gỗ vượt khó đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Trước những tín hiệu lạc quan từ thị trường xuất khẩu, ngành gỗ đang nỗ lực hết mình trong một khoảng thời gian rất ngắn còn lại của năm để hoàn thành mục tiêu đề ra, bảo đảm cung ứng kịp thời các đơn hàng đã ký kết.
VŨ THÀNH/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/nganh-go-no-luc-de-can-dich-thanh-cong-675752/