Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay, việc bán hàng online vẫn là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp, HTX và người dân vừa tiết kiệm được chi phí vừa quảng bá sản phẩm của mình tới đông đảo người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi.
Gian hàng bày bán các sản phẩm OCOP Hà Nội tai Trung tân Xúc tiến thương mại nông nghiệp. (Ảnh: PHÚC LÂM)
Trong khuôn khổ AgroViet online 2021, chiều 9/12 diễn ra “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nông đặc sản trong tình hình mới” với hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng zoom .
Kết nối nông sản qua nền tảng internet, hướng đi nhiều tiềm năng
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng, tình trạng được mùa rớt giá vẫn xảy ra tạo khó khăn, thách thức không nhỏ đối với người sản xuất. Điều này được nhìn nhận do chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại, việc tìm kiếm và nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu, mẫu mã sản phẩm và sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ.
Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết: Những năm gần đây, Hải Dương đặc biệt quan tâm tới công tác xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, chủ động tiếp cận với các doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử... Nhờ đó, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Hải Dương đã đạt được những kết quả rất khả quan.
Theo ông Thăng, sản xuất nông, lâm, thủy sản Hải Dương đã và đang hình thành, phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Hằng năm, Hải Dương sản xuất trên 700.000 tấn rau, củ, quả các loại; 55.000 tấn vải quả; hành, tỏi 100.000 tấn; cá 61.000 tấn; cà rốt 75.000 tấn... Gía trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2020 đạt hơn 19.000 tỷ đồng, năm 2021 ước đạt hơn 20.700 tỷ đồng (tăng 6,8% so với năm 2020).
Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nông đặc sản trong tình hình mới chiều 9/12.
Ông Thăng cũng bày tỏ mong muốn, thông qua hội nghị lần này, Hải Dương sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, giải pháp từ các tỉnh thành, doanh nghiệp... trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, nguồn cung của hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu tiêu dùng của trên 10 triệu dân. Hoạt động sản xuất nông nghiệp mới cơ bản đáp ứng nhu cầu các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng. Một số sản phẩm khác như gạo mới đáp ứng được 60%, thịt bò đáp ứng 20%, thực phẩm chế biến 19%, rau củ quả 58%, trái cây 29%, thủy sản 53% so với nhu cầu.
Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của thành phố tăng từ 10-20%. Ngoài lượng nông sản thực phẩm do thành phố tự sản xuất, cần một lượng lớn sản phẩm nhập từ các tỉnh, dự kiến trên 110.000 tấn gạo; 130.000 tấn rau, củ; 112.000 tấn trái cây, 28.000 tấn thủy sản; hơn 12.000 tấn thịt bò; hơn 12.000 tấn thực phẩm chế biến...
Trên cơ sở đó, ông Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố xác định các sản phẩm chủ lực, OCOP, tập trung nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cấp thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tích cực đồng hành, hỗ trợ sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành trong cả nước đi vào các kênh phân phối, tiêu thụ của Hà Nội nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô...
Vẫn còn nhiều rào cản từ hệ thống nền tảng
Bà Nguyễn Thị Lê Na, Sáng lập và điều hành Công ty cổ phần nông nghiệp sinh thái EcoVi cho rằng, kinh doanh online với nông sản vẫn là hướng đi đầy tiềm năng nhưng còn nhiều rào cản từ hệ thống nền tảng, thiết bị, hệ thống kết nối internet cũng như các dịch vụ hậu cần từ vận chuyển, kho bãi, lưu thông hàng hóa cho tới xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, phân phối. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kinh doanh nông sản online càng trở nên nóng bỏng và được quan tâm hơn bao giờ hết. Đây được coi là giải pháp mới, cách đi mới cho đầu ra của nông sản. Tuy nhiên, làm thế nào để kinh doanh nông sản online hiệu quả, chuyên nghiệp thì rất cần sự vận dụng kinh nghiệm từ chuỗi kinh doanh truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ để phát triển thành giải pháp kinh doanh nông sản online theo chuỗi.
Ký kết thỏa thuận ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa doanh nghiệp với nhà sản xuất.
Về phía các hiệp hội, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: Việc xúc tiến thương mại theo hình thức online không hề bị hạn chế về hiệu quả. Ngược lại, kết nối tiêu thụ bằng hình thức này sẽ giúp các đơn vị vừa tiết kiệm được chi phí vừa quảng bá sản phẩm của mình tới đông đảo người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay, việc bán hàng online vẫn là giải pháp tối ưu trong thời gian tới.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mặc dù triển khai hình thức bán hàng trực tiếp, vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các địa phương, đưa sản phẩm của mình đến với đông đảo người tiêu dùng của cả nước.
Trao đổi thẳng thắn, tích cực tại Hội nghị, các đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý, thậm chí là các doanh nghiệp và trực tiếp người nông dân sản xuất cũng nhất trí cao rằng, để phát huy lợi thế, tiềm năng thế mạnh với những sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cần thống nhất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thu mua, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu đặc biệt sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc...
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa doanh nghiệp với nhà sản xuất, lễ ký kết hợp tác hỗ trợ nông sản lên các sàn thương mại điện tử.
PHÚC LÂM/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/ket-noi-tieu-thu-nong-san-dac-san-trong-tinh-hinh-moi-677611/