Những năm gần đây, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng các giải pháp như: tập trung tháo gỡ nút thắt về quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính… Nhờ đó, Lạng Sơn đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực hàng đầu Việt Nam đến thực hiện các dự án.
Lạng Sơn là điểm nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng (Việt Nam), cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước và các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ, cùng với hệ thống giao thông có tính kết nối cao đang được hoàn thiện, có thế mạnh lớn về phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ logistic. Không những vậy, tỉnh còn có tiềm năng rất lớn về du lịch nhờ cảnh quan thiên nhiên và văn hoá đa dạng, con người hài hoà, mến khách…
Sản xuất xe máy điện tại Công ty TNHH MTV DK Việt Nhật. Ảnh: BÙI DŨNG
Với những tiềm năng, lợi thế đó, nhiều năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tích cực xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư; chú trọng phát triển nguồn nhân lực…
Qua đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng từ 56,29 điểm (năm 2016) lên 63,79 điểm vào năm 2019. Các chỉ số khác cũng có sự tăng điểm và thứ hạng như: chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI) tăng từ 34,6 (năm 2016) lên 44,07 vào năm 2019 (xếp hạng tăng từ 51/63 lên 24/63); chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) tăng vọt từ 0,2144 điểm vào năm 2016 (xếp hạng 58/63 tỉnh, thành) lên 0,4611 điểm vào năm 2020 (xếp hạng 21/63 tỉnh, thành)… Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Vy Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu xây dựng Tam Phát, huyện Cao Lộc cho biết: Doanh nghiệp mới được thành lập vào cuối tháng 8/2021. Quá trình làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp, tôi rất hài lòng vì được cán bộ hướng dẫn tận tình, có thái độ cởi mở thân thiện, giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nhằm thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư. Các hoạt động xúc tiến đầu tư đã được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như: lồng ghép trong các hoạt động đối ngoại; tổ chức hội chợ, triển lãm, tiếp xúc trực tiếp doanh nghiệp; hội thảo; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm, liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Thi công trên dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (ảnh chụp tháng 7/2019)
Điểm nổi bật trong công tác thu hút đầu tư thời gian qua là tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư cuối tháng 9/2019 với chủ đề “Lạng Sơn, điểm đến thành công của nhà đầu tư”. Hội nghị đã thu hút gần 500 đại biểu là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và các tổ chức quốc tế tham dự và ký kết hợp tác thực hiện 102 dự án với tổng vốn đăng ký 105 nghìn tỷ đồng. Sau hội nghị, đến đầu năm 2021, các nhà đầu tư đã triển khai thực hiện 70 dự án, một số dự án đang được đẩy nhanh tiến độ như: dự án khu trung chuyển hàng hoá có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; dự án hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng Phúc Khang hơn 700 tỷ đồng…
Bà Đặng Thị Hiền Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hữu nghị Phúc Khang cho biết: Khi triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang, doanh nghiệp được các sở, ngành, UBND huyện Văn Lãng tích cực hướng dẫn kịp thời trong việc hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng dự án. Đây là động lực rất lớn để công ty yên tâm đầu tư, đảm bảo đúng tiến độ, đáp ứng kỳ vọng của UBND tỉnh.
Để hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ chế, chính sách… Hàng loạt dự án lớn, có sức lan toả cao như: khu trung chuyển hàng hoá Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; quần thể Khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn; khu đô thị Bến Bắc… đã và đang được triển khai.
Với sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành, giai đoạn 2016 -2020, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2010 – 2015, đạt gần 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn; thu hút đầu tư 144 dự án với tổng vốn đầu tư trên 54.000 tỷ đồng. Trong 11 tháng của năm 2021, cấp có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư cho 22 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.236 tỷ đồng…
Ngay trong năm 2021, nhiều nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam cũng đang nghiên cứu lập dự án đầu tư vào tỉnh như: Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico… Qua đó, giúp môi trường đầu tư của tỉnh Lạng Sơn ngày càng sôi động.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết: Chúng tôi đánh giá cao về sự cầu thị cũng như những định hướng thu hút đầu tư mà tỉnh Lạng Sơn đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 cũng như những cam kết của tỉnh về sự đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc lập, triển khai các dự án. Trên tinh thần đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cam kết triển khai tích cực các dự án của tập đoàn, đồng hành cùng tỉnh để phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tới.
Từ những kết quả đã đạt được, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, trong giai đoạn 2021-2025, ngày 23/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 166 – 168 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đạt khoảng 115 – 120 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 70% – 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Để thể hiện quyết tâm, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-UBND ngày 13/11/2021 về việc phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 với tổng số 68 dự án, tổng vốn đầu tư trên 113.000 tỷ đồng.
Thực hiện mục tiêu của tỉnh, hiện nay, các sở, ngành, các huyện, thành phố đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng quy hoạch tỉnh, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất. Hiện việc xây dựng quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030 định hướng đến 2050 đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đây là khung quy hoạch đặc biệt quan trọng để thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong nhiều năm tới.
Bà Phùng Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sở đang xây dựng bộ tài liệu xúc tiến đầu tư bao gồm những thông tin về địa lý tự nhiên, dân cư, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; cơ chế chính sách, các lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi đầu tư. Đồng thời, chủ động gửi thư mời, tổ chức tiếp xúc với khoảng 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam để giới thiệu những lĩnh vực ưu tiên, kêu gọi thu hút đầu tư. Gắn với đó là tăng cường truyền thông, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh hình ảnh tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư khi đến với Lạng Sơn.
Với những định hướng rõ ràng, quyết tâm của các cấp, ngành, Lạng Sơn đã và đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước
THANH PHONG - TRANG NINH/baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/467621-trai-tham-don-nha-dau-tu.html