Bất chấp Covid-19 hoành hành với các biến chủng và tác động nghiêm trọng lên kinh tế nhưng tài sản của 5/6 tỷ phú USD của Việt Nam vẫn tăng mạnh, thậm chí có người còn tăng tài sản gần gấp đôi.
Theo ghi nhận của hãng xếp hạng Forbes, tính đến ngày 26/12, Việt Nam vẫn giữ nguyên số lượng tỷ phú USD là 6 người, không thay đổi so với thời điểm tháng 4 khi Forbes công bố danh sách người giàu năm 2021. Tuy nhiên, tài sản của các tỷ phú thì đã có sự biến động đáng kể so với đầu năm.
6 tỷ phú USD của Việt Nam năm 2021 (Ảnh tổng hợp).
Cụ thể, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - hiện là 7,5 tỷ USD, xếp thứ 366 thế giới về mức độ giàu có. Hồi tháng 4, tài sản ròng của ông Vượng được công bố là 7,3 tỷ USD, xếp thứ 344 thế giới.
Như vậy, xét về tài sản thì người giàu nhất Việt Nam đã có thêm khoảng 200 triệu USD nhưng vị trí xếp hạng đã sụt 22 bậc.
Nếu như hồi đầu năm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico, CEO hãng bay Vietjet Air - vẫn là người giàu thứ hai cả nước với khối tài sản 2,8 tỷ USD thì vị trí này hiện tại thuộc về ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát.
Ông Long hiện có 3,1 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 2,2 tỷ USD hồi đầu năm. Ngược lại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo bị giảm khoảng 300 triệu USD tài sản, còn khoảng 2,5 tỷ USD, rớt xuống vị trí thứ 4 trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam, đứng sau ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank.
Tài sản của ông Hồ Hùng Anh hồi đầu năm ở mức 1,6 tỷ USD nhưng hiện tại đã tăng thêm 1 tỷ USD lên 2,6 tỷ USD.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - cũng tăng mạnh tài sản, vượt qua ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco (Trường Hải) và gia đình.
Cụ thể, tài sản của ông Quang đã tăng từ 1,2 tỷ USD từ đầu năm lên 2,2 tỷ USD ở thời điểm hiện tại (tăng 1 tỷ USD, tương đương mức tăng tài sản của ông Hồ Hùng Anh).
Tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình cũng tăng thêm 400 triệu USD từ mức 1,2 tỷ USD đầu năm lên 1,6 tỷ USD hiện tại.
Như vậy, trong số 6 tỷ phú USD của Việt Nam thì năm qua chỉ có duy nhất bà Nguyễn Thị Phương Thảo bị giảm tài sản. Nguyên nhân chủ yếu do giá cổ phiếu VJC bị ảnh hưởng bởi triển vọng ngành hàng không trong đại dịch Covid-19.
Thống kê tài sản của các tỷ phú USD Việt thời điểm hiện tại (Nguồn: Forbes).
Giá trị tài sản các tỷ phú USD Việt hồi đầu năm do Forbes công bố, giá trị chốt sổ sách ngày 5/3.
Forbes cho biết tài sản của các tỷ phú USD công bố hồi tháng 4 nhưng lại tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu và tỷ giá hối đoái từ ngày 5/3.
Cổ phiếu VJC của Vietjet Air có 4 phiên liên tục tăng giá trong tuần vừa qua lên 124.000 đồng nhưng vẫn giảm 12.800 đồng trên mỗi cổ phiếu tương ứng giảm 9,36% so với mức giá đóng cửa 5/3, thời điểm mà Forbes "chốt sổ" để tính toán tài sản. Dù vậy, HDB của HDBank nơi bà Thảo làm Phó Chủ tịch lại tăng 8.012 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng 38,73%.
Bà Thảo sở hữu gần 75 triệu cổ phiếu HDB và trực tiếp nắm giữ gần 47,5 triệu cổ phiếu VJC cùng 193,4 triệu cổ phiếu JVC gián tiếp qua công ty riêng Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Cổ phiếu MSN của Masan Group so với thời điểm nói trên tăng mạnh 82.633 đồng tương ứng tăng 93,51%. Đồng thời, TCB của Techcombank cũng tăng mạnh 9.700 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng 24,74%.
Ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 9,4 triệu cổ phiếu TCB, chỉ có 15 cổ phiếu MSN nhưng lại gián tiếp nắm giữ tới 255,7 triệu cổ phiếu MSN. Ông Hồ Hùng Anh có 39,3 triệu cổ phiếu TCB, không trực tiếp nắm cổ phiếu MSN nhưng gián tiếp sở hữu tới 250,74 triệu cổ phiếu MSN.
VIC của Vingroup do tuần vừa rồi điều chỉnh giảm 5,39% nên so với thời điểm cuối ngày 5/3, giá cổ phiếu chỉ tăng 2.022 đồng tương ứng tăng 2,14%. Ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp nắm giữ 1,17 tỷ cổ phiếu này thông qua Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát dù có diễn biến bất lợi trong 3 tháng gần đây (giảm 9,35%) nhưng nếu so với phiên 5/3 vẫn tăng 12.253 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng 36,25%. Hiện tại, ông Trần Đình Long đang có gần 1,17 tỷ cổ phiếu HPG trong tay.
Mai Chi/dantri.com.vn