Là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất trong ngành với việc nộp ngân sách gần 32.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về di động và là nhà mạng có chất lượng tốt nhất Việt Nam.
Tại Việt Nam, Viettel vẫn duy trì vị thế dẫn đầu và là nhà mạng có chất lượng tốt nhất Việt Nam. Ảnh: VGP/Lê Nguyễn
Ngày 7/1/2022, Viettel tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021.
Theo báo cáo, Viettel đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất trong ngành, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Doanh thu Tập đoàn đạt 274.000 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3%, lợi nhuận đạt 40.100 tỷ đồng, tăng trưởng 2,0%. Nộp ngân sách gần 32.000 tỷ đồng.
Năm qua, giá trị thương hiệu Viettel tăng 32 bậc với giá trị 6,061 tỷ USD, đứng thứ 325 toàn cầu. Viettel lần thứ 6 liên tiếp giữ vị trí số 1 trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Viettel cũng tiếp tục được vinh danh là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ phần cứng - Hạ tầng - Viễn thông.
Ở lĩnh vực viễn thông, tại Việt Nam, Viettel vẫn duy trì vị thế dẫn đầu và là nhà mạng có chất lượng tốt nhất Việt Nam. Đến nay, Viettel là nhà cung cấp phủ sóng 5G lớn nhất với 150 trạm tại 16 tỉnh/thành phố.
Các thị trường Châu Phi cũng đạt kỷ lục về tăng trưởng (37%); Mytel xuất sắc vươn lên vị trí số 1 về thị phần (31,5% với 11,2 triệu thuê bao). Đến nay, có 5 thị trường đứng vị trí số 1.
Ở lĩnh vực giải pháp số, Viettel đã triển khai thần tốc các giải pháp, nền tảng số phục vụ công tác điều hành phòng chống dịch của Chính phủ. Nền tảng quản lý tiêm chủng với 31 triệu người tải App, quản lý hơn 88 triệu người dùng với 130 triệu mũi tiêm và là nền tảng y tế có người dùng lớn nhất tại Việt Nam. Telehealth tiếp tục là giải pháp khám chữa bệnh từ xa lớn nhất, phủ 100% các trung tâm y tế quận/huyện trên toàn quốc.
Trợ lý ảo CyberBot được đánh giá là hệ thống xử lý giọng nói tiếng Việt tốt nhất hiện nay. Với năng lực thực hiện đến 1 triệu cuộc gọi tự động/ngày, Cyberbot đang được nhiều chính quyền địa phương lựa chọn để giúp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
Mô hình thành phố thông minh của Viettel được vinh danh là hiệu quả và sáng tạo nhất WCA 2021. Hiện tại, 30 tỉnh, thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel trong việc ứng dụng công nghệ xây dựng thành phố thông minh.
Dịch vụ thu phí không dừng ePass đạt 1 triệu khách hàng sau 11 tháng vận hành – tương đương con số phát triển trong 5 năm, nâng tỉ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí tự động từ 25% lên gần 50%. Đây cũng là bước khởi đầu phát triển giao thông thông minh trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số của Viettel.
Năm 2021 cũng đánh dấu Viettel cung cấp dịch vụ Viettel Money. Viettel cũng ra mắt hệ sinh thái tài chính số với 300 tiện ích từ những dịch vụ cơ bản như chuyển tiền, mua bán cho đến các dịch vụ tài chính đặc thù như vay, gửi tiết kiệm, đầu tư số,... Mọi khách hàng ở bất kỳ đâu và với mọi dòng điện thoại đều có thể sử dụng dịch vụ mà không cần tải ứng dụng hoặc kết nối Internet.
Ở lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và công nghiệp công nghệ cao, năm 2021, Viettel đã triển khai thử nghiệm mạng 5G hoàn chỉnh gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng vô tuyến trên mạng lưới của Viettel đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái hạ tầng viễn thông 5G. Viettel trở thành nhà mạng duy nhất trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công mạng 5G, phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Các tổ chức quốc tế ghi nhận Viettel là doanh nghiệp công nghệ có số lượng đơn đăng ký và số bằng sáng chế được cấp hàng năm nhiều nhất tại Việt Nam (đăng ký 386, đã cấp 51), trong đó có 9 sáng chế được cấp tại Mỹ. Viettel cũng được công nhận là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo năm 2021 khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Lĩnh vực chuyển phát, logistics và thương mại điện tử của Viettel có nhiều chuyển biến tích cực. Viettel đã đưa hơn 25.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, góp phần vào thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Viettel cũng tích cực chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19 với hơn 31.000 tấn hàng hóa được hỗ trợ vận chuyển và cung ứng đến người dân vùng dịch.
Kinh doanh bán lẻ của Viettel tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt (DT tăng 30%, LN tăng 43%).
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển của Viettel 5 năm giai đoạn 2021-2025. Viettel tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao, tập trung xây dựng hạ tầng số, nền tảng số, hoàn thành nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao...
Lê Nguyễn/baochinhphu.vn