Những ngày gần đây, số người dương tính với SARS-CoV-2 tại các tỉnh, thành phố phía bắc tăng mạnh, trong đó có nhiều người ở tuổi lao động. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu cần hoàn thành đúng thời hạn.
Lắp ráp xe máy tại Công ty Piaggio (khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). (Ảnh: Hà Hồng Hà)
Theo đại diện Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số ca mắc Covid-19 là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất tăng mạnh, gây thiếu hụt lao động khiến doanh nghiệp phải sắp xếp lại nhân sự, tuyển thêm lao động để duy trì sản xuất, kinh doanh, đáp ứng kịp các đơn hàng đã ký.
Xáo trộn sản xuất do thiếu hụt lao động
Chủ tịch Công đoàn Công ty Ðiện tử ASTI (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) Nguyễn Ðức Nhân cho biết, công ty hiện có khoảng 170 F0 và hơn 200 F1 trong tổng số hơn 1.000 lao động.
Số F0, F1 này được yêu cầu cách ly ở nhà đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Cũng tại Khu công nghiệp Quang Minh, Công ty TNHH Elentec Việt Nam ghi nhận 300 công nhân mắc Covid-19, khiến năng suất lao động giảm mạnh, công ty cần tuyển dụng thêm số lượng lao động lớn. Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Ðông Anh, Hà Nội), Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam mỗi ngày cũng có từ 10 đến 20 ca F0 mới, số công nhân tạm nghỉ chiếm gần 50% số lượng công nhân của doanh nghiệp.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 130 nghìn công nhân lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, có khoảng 98% tổng số công nhân trở lại làm việc, nhưng sau đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều công nhân nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc để điều trị, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Hoạt động trên lĩnh vực may xuất khẩu, Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG) có tổng số 16 nghìn công nhân, là một trong những doanh nghiệp đông công nhân nhất ở Thái Nguyên. Những ngày vừa qua, mặc dù lãnh đạo công ty liên tục quán triệt công nhân hạn chế thấp nhất tiếp xúc với người khác, tổ chức ô-tô đưa đón từ nhà đến nhà máy và ngược lại, nhưng đến nay có 2.000 công nhân là F0. Chưa kể khoảng 500 người đang nghỉ ốm đau, thai sản. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu đã ký, đòi hỏi thời gian giao hàng đúng hạn làm cho Công ty TNG thiếu lao động.
Tương tự, Công ty TNHH RFtech ở Khu công nghiệp Ðiềm Thụy có 2.000 công nhân, đến nay khoảng 1.700 công nhân làm việc, 300 công nhân phải nghỉ do điều trị Covid-19, cách ly y tế. Ðáp ứng đơn hàng đã ký, mở rộng sản xuất cho nên công ty cần tuyển thêm 400 lao động vào làm việc, nhưng đến nay chưa tuyển đủ.
Công ty TNHH Wiha Việt Nam ở Khu công nghiệp Sông Công hiện có gần 40 lao động phải nghỉ việc, mở rộng sản xuất nên cần tuyển thêm 100 lao động, nhưng mới tuyển được 20 người.
Mười ngày qua, số ca mắc mới tại Vĩnh Phúc không ngừng tăng, với gần 3.000 ca/ngày. Hiện nay tổng số bệnh nhân đang điều trị lên hơn 82 nghìn người, số F1 đang cách ly là gần 25 nghìn người. Trong số F0 và F1 có rất nhiều công nhân, người lao động trong doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2022 đến nay, khoảng 6.000 công nhân khu công nghiệp bị mắc Covid-19, hàng chục nghìn công nhân là F1 phải nghỉ làm. Công ty Lâm Viễn Vĩnh Phúc, doanh nghiệp 100% vốn Ðài Loan (Trung Quốc), chuyên sản xuất và kinh doanh các loại ốc, vít, bu-lông tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, đã ghi nhận khoảng 20 công nhân F0 và vài chục người là F1.
Tiêm vaccine cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: HÀ HỒNG HÀ)
Nhiều giải pháp thu hút, giữ chân lao động
Khắc phục tình trạng thiếu lao động trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp đều vận động công nhân tăng ca, tăng giờ làm, hoặc xin giãn tiến độ giao hàng. Nhiều công ty đăng tuyển dụng thêm lao động hoặc sử dụng biện pháp thuê lại lao động từ các công ty cho thuê trong thời gian ngắn để bù vào số lượng thiếu hụt.
Ông Trần Xuân Lấy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Lâm Viễn Vĩnh Phúc cho biết, tại một số bộ phận thiếu người, công nhân phải tăng ca hoặc làm thêm vào chủ nhật. Công ty huy động học viên lớp thực tập của Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại để hỗ trợ các bộ phận đang thiếu người.
Mới đây, tại phiên giao dịch việc làm kết nối bảy tỉnh, thành phố phía bắc gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn đã đăng yêu cầu tuyển dụng hơn 19.300 lao động, trong đó các doanh nghiệp đều có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động phổ thông.
Ðơn cử như Công ty TNHH Elentec Việt Nam đang cần tuyển dụng hơn 1.000 công nhân sản xuất chính thức, làm việc theo ca với mức thu nhập từ 8 đến 11 triệu đồng/tháng/người, đồng thời được thưởng ngay 500 nghìn đồng/người khi nhận việc. Công ty này còn áp dụng chế độ thưởng cho cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại công ty khi giới thiệu được người mới vào làm, mức thưởng từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/người.
Chủ tịch Công ty TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, năm 2022, công ty tăng lương từ 8,3 triệu đồng/tháng lên 9,5 triệu đồng/tháng/công nhân; chi trả 5 triệu đồng/tháng trong thời gian đào tạo nghề ba tháng đối với lao động mới tuyển dụng; tài trợ toàn bộ học phí đối với con em trong tỉnh học Trường đại học công nghệ dệt may để sau khi ra trường làm việc cho công ty.
Do thường xuyên tiếp xúc khách hàng tại các điểm giao dịch, VNPT Vĩnh Phúc cũng có gần 30 người là F0 trên tổng số hơn 200 cán bộ, nhân viên. Ông Nguyễn Tất Sáng, Giám đốc VNPT Vĩnh Phúc cho biết: Một số bộ phận không thể làm việc tại nhà mà phải đến cơ quan. Hiện nay đơn vị phải xây dựng các phương án hoạt động, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp cũng đang tích cực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh Thái Nguyên bố trí tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân khu công nghiệp từ rất sớm, đến nay 72% công nhân được tiêm mũi ba.
Tổ hợp Samsung Thái Nguyên bố trí ở nội trú cho 25 nghìn công nhân, trong đó dành riêng bốn tòa nhà để điều trị F0; tổ chức ô-tô đưa đón công nhân từ nơi ở đến nhà máy và ngược lại.
Công ty TNHH Ðiện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) đã dừng các cuộc họp trực tiếp, chỉ áp dụng hình thức online, đồng thời, yêu cầu các cán bộ, công nhân viên giữ khoảng cách khi làm việc, hạn chế giao tiếp.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nêu thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, vì không đủ nhân lực thực hiện các đơn hàng. Chủ doanh nghiệp và người lao động đều muốn đi làm nhưng vướng quy định về cách ly y tế. Chỉ cần thiếu vài nhân viên kỹ thuật, cả dây chuyền phải ngừng sản xuất. Do đó, Chính phủ và địa phương cần thay đổi cách tiếp cận về dịch bệnh này càng sớm càng tốt, nếu không nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vì không có lao động. Một số doanh nghiệp đề xuất, F1 tiêm đủ ba mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì nên cho đi làm để bảo đảm lao động cho sản xuất.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/kinhte/doanh-nghiep-thich-ung-voi-tinh-trang-thieu-lao-dong-687446/