Nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản

Thứ 4, 23.03.2022 | 08:26:52
363 lượt xem

Năm 2022, ngành thủy sản cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng, gia tăng giá trị với sản phẩm thủy sản; tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC). Đó là những trọng tâm của Hội nghị trực tuyến “Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2022” được Tổng cục Thủy sản tổ chức sáng 22/3 tại Thanh Hóa...

Tàu khai thác thủy sản cập cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Bứt phá ngay từ đầu năm

Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản mặc dù bị đình trệ trong các tháng đầu năm 2021, nhưng đến các tháng cuối năm đã có bước đột phá, tạo thành công về tăng trưởng xuất khẩu đạt 6,7% so với năm 2020. Tiếp đà này, chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2022 tăng trưởng xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng ở mức cao, sản lượng khai thác đạt 566,7 nghìn tấn, tăng 0,1% so cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu đạt 1,508 tỷ USD, tăng 51,1% so cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, thời gian qua, chuỗi khai thác, chế biến và tiêu thụ thủy, hải sản Việt Nam tiếp tục gặp những vướng mắc cả từ những nguyên nhân cũ cũng như những phát sinh mới. Trước hết, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện năng lực khai thác thủy sản đã được cắt giảm theo lộ trình nhưng cường lực khai thác vẫn ở mức cao, sản lượng khai thác tăng, vượt quá khả năng tái tạo nguồn lợi. Các sản phẩm từ tàu khai thác mang hàm lượng công nghệ chưa cao làm cho năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch và giá thành cao ảnh hưởng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; công tác bảo quản sản phẩm trên tàu cá, cảng cá chưa cải thiện đáng kể, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn ở mức cao, gây lãng phí nguồn lợi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất.

Đáng chú ý, giá xăng dầu từ đầu năm 2022 tăng cao, gây khó khăn lớn đến hoạt động khai thác thủy sản. Theo phản ánh của các chủ tàu cá và các địa phương, với giá dầu như hiện nay thì sau khi tàu về bờ kết thúc chuyến biển đầu năm, sẽ có nhiều tàu phải tạm ngưng hoạt động do giá thu mua các mặt hàng thủy sản khai thác từ đầu năm đến nay không tăng, có loài hải sản giá lại thấp hơn cùng kỳ năm 2021.

Nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản -0

Trung chuyển hải sản xuất khẩu tại Công ty xuất, nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa.

Việc kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu nước ngoài và triển khai Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng chưa có tiến triển do chưa được đầu tư; mới chỉ tập trung làm tốt công tác kiểm dịch, chưa đáp ứng yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của Hiệp định để bảo đảm kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là sản phẩm hợp pháp.

Tăng nuôi trồng, giảm khai thác

Năm 2022 được xem là năm bản lề cho phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, khi một loạt các quy hoạch, chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản được Chính phủ phê duyệt. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên đặt ra mục tiêu tăng trưởng âm về sản lượng khai thác nhưng vẫn phải bảo đảm mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản phẩm và hiệu quả của ngư dân nên việc nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành là yêu cầu cấp thiết cần giải quyết.

Với định hướng như vậy, ngành thủy sản đề ra một loạt giải pháp cần tập trung. Thứ nhất, triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật và các khuyến nghị của EC. Thứ hai, điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác, tiếp tục điều tra nghề cá thương phẩm phục vụ công tác đánh giá, xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép trên các vùng biển, nghề một cách hợp lý và bền vững. Tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương. Thứ ba, quản lý tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản trên biển, theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Thứ tư, công tác quản lý hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá: Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của các cảng cá; đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu sửa chữa các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Tổng cục Thủy sản phải tính toán cơ cấu lại đội tàu, nghề cá, giấy phép khai thác; quản lý đội tàu gắn với truy xuất nguồn gốc hải sản, tập trung xây dựng đề án chuyển đổi nghề. Hạ tầng nghề cá là nhiệm vụ cốt lõi, với 152 cảng cá, 146 khu neo đậu tránh trú bão đã phân loại cụ thể, gắn với phân cấp đầu tư. Nguồn đầu tư công trung hạn đã phân bổ hết, vấn đề còn lại là ngành thủy sản tích cực tham mưu cho tỉnh dành kinh phí, huy động vốn xây dựng cảng cá loại 2, loại 3.

Với lĩnh vực chế biến, cần chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, xúc tiến thương mại, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm thất thoát sau thu hoạch. Ngành thú y phải kiểm soát đầy đủ, đúng theo quy định các sản phẩm thủy sản khai thác, nhập khẩu qua các cảng chỉ định; phối hợp Tổng cục Thủy sản xử lý các lô hàng vi phạm, khai thác bất hợp pháp. Với hiệp hội ngành hàng tuyên truyền, vận động doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tham gia, đứng đầu các chuỗi liên kết, đặc biệt là chuỗi liên kết khi ngư dân đi khai thác tại vùng biển nước ngoài.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các địa phương biển trong vấn đề phát triển khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy, hải sản khi cho rằng các địa phương cần tập trung thể chế hóa các chỉ đạo, chiến lược của Trung ương, vận dụng phù hợp điều kiện mỗi địa phương bảo đảm phát triển thủy sản bền vững. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường-Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tỉnh Thanh Hóa đã thành lập được 389 tổ đoàn kết trên biển với 1.975 tàu cá, thu hút 14.294 lao động tham gia.

 Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ 310 máy thông tin liên lạc tầm xa HF tích hợp định vị vệ tinh GPS lắp đặt cho các tàu cá thuộc tổ đoàn kết. Trong tỉnh hiện có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở, đại lý thu mua đã đầu tư cho hơn 200 tàu cá, mức từ 100 triệu đến 600 triệu đồng/phương tiện; tiêu thụ hơn 30.000 tấn thủy sản/năm, tạo việc làm cho gần 4.000 ngư dân, người lao động. Các tổ đoàn kết lao động trên biển là hạt nhân để tiếp tục nhân rộng, hướng tới hình thành các hợp tác xã khai thác với quy mô lớn. Liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở, đại lý thu mua góp phần thay đổi hình thức sản xuất manh mún trong khai thác thủy sản...


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/nang-cao-hieu-qua-khai-thac-che-bien-tieu-thu-thuy-san-690273/

  • Từ khóa