Từ năm 2020, huyện Chi Lăng triển khai thực hiện mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ tại một số xã trên địa bàn huyện. Sau 2 năm triển khai, đến nay, mô hình này đã đem lại những hiệu quả bước đầu, từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hồi, giúp bà con tăng thu nhập.
Huyện Chi Lăng có điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc trồng và phát triển cây hồi. Trồng hồi đã giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đến nay, bà con đã trồng được hơn 1.500 ha cây hồi, tập trung tại các xã: Bằng Mạc, Thượng Cường, Hòa Bình, Vạn Linh, Bằng Hữu, Gia Lộc. Trong đó, có khoảng 1.300 ha đã cho thu hoạch.
Người dân xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng chăm sóc hồi
Mặc dù cây hồi đã giúp bà con nâng cao thu nhập nhưng thời gian qua, người dân trồng hồi theo tập quán và kinh nghiệm cá nhân. Cùng đó, không ít người dân chưa nắm rõ các quy trình trồng và chăm sóc cây đúng kỹ thuật nên năng suất còng đạt thấp, chất lượng hoa hồi chưa đồng đều. Vì vậy, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Do vậy, để nâng cao chất lượng sản phẩm hồi, giúp nông dân có điều kiện tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ tháng 3/2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng phối hợp với UBND xã Gia Lộc và UBND xã Bằng Mạc triển khai mô hình trồng, chăm sóc hồi hữu cơ với diện tích 150 ha trên địa bàn 2 xã này với hơn 140 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình đều có diện tích rừng hồi đã cho thu hoạch. Theo đó, các hộ dân được tập huấn chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc cây hồi và được hỗ trợ một phần phân bón hữu cơ. Trong năm 2020, huyện đã hỗ trợ hơn 90 tấn phân bón hữu cơ cho các hộ tham gia mô hình. Đến đầu năm 2021, sau 1 năm triển khai mô hình, năng suất hồi hữu cơ thực hiện tại xã Gia Lộc đạt hơn 4,8 tấn/ha; năng suất hồi hữu cơ tại xã Bằng Mạc đạt hơn 6,3 tấn/ha. Năng suất hồi của các hộ sau khi triển khai mô hình đã tăng từ 10 đến 20% so với sản xuất truyền thống trước đây, giá trị đem lại từ mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt trên 25 tỷ đồng (tăng từ 2,5 tỷ đến 5 tỷ đồng trên cùng diện tích so với sản xuất truyền thống).
Từ hiệu quả bước đầu, năm 2021, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 174 ha, nâng tổng diện tích sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ của huyện lên hơn 320 ha với hơn 400 hộ tham gia. Trong 2 năm thực hiện, huyện đã triển khai 24 lớp tập huấn quy trình chăm sóc cây hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ với hơn 1.500 lượt người dân tham gia. Các hộ triển khai mô hình sau khi tham gia tập huấn đã tự nguyện ký cam kết thực hiện đúng quy định, quy trình sản xuất được hướng dẫn. Ngoài ra, thực hiện mô hình, huyện hỗ trợ cây hồi giống cho bà con trồng mới hơn 50 ha.
Ông Triệu Văn Cập, thôn Cầu Bóng, xã Gia Lộc cho biết: Gia đình tôi có hơn 1.000 cây hồi đã trồng được hơn 20 năm. Năm 2020, tôi đã triển khai mô hình sản xuất hồi hữu cơ với 500 cây và được hỗ trợ hơn 8 tạ phân bón hữu cơ để chăm sóc cây. Nhờ thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc cây, đến năm 2021, 500 cây hồi hữu cơ cho thu hoạch hơn 5 tấn hoa hồi (tăng hơn 1 tấn so với trước đây), đem lại thu nhập trên 130 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với cùng diện tích hồi sản xuất truyền thống. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích hồi hữu cơ.
Ông Hoàng Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Gia Lộc cho biết: Toàn xã có trên 700 ha hồi, được trồng tại 9/9 thôn của xã, trong đó, có trên 550 ha đã cho thu hoạch. Từ năm 2020 đến nay, xã thực hiện mô hình trồng hồi hữu cơ với diện tích hơn 150 ha. Qua thời gian triển khai, chúng tôi nhận thấy mô hình trồng hồi hữu cơ đã bước đầu đem lại hiệu quả, năng suất hồi của trên 100 hộ tham gia đều tăng khoảng 15% so với trồng hồi truyền thống. Hiện nay, xã tiếp tục vận động bà con tham gia mô hình trồng hồi hữu cơ, trong năm 2022, chúng tôi dự kiến sẽ đăng ký triển khai nhân rộng diện tích hồi hữu cơ thêm 200 ha.
Qua theo dõi, đánh giá của Phòng NN&PTNT, không chỉ riêng trên địa bàn xã Gia Lộc mà các hộ tham gia mô hình tại các xã còn lại trên địa bàn huyện đều đạt kết quả khả quan. Trên cơ sở đó, để tạo tâm lý yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế từ cây hồi hơn nữa, phòng đã kết nối, kêu gọi 3 doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồi, để góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Trong thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện mô hình và tuyên truyền người dân tham gia mô hình đảm bảo đúng quy trình chăm sóc cây hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ đó, chất lượng hoa hồi được nâng lên, năng suất hồi hữu cơ tăng từ 10 đến 20% so với hồi truyền thống. Với hiệu quả đem lại, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển mô hình trồng hồi hữu cơ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ hồi. Huyện phấn đấu đến năm 2025, sẽ phát triển diện tích hồi hữu cơ lên 1.000 ha.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Chi Lăng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm hồi. Từ đó, giúp bà con tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay tại địa phương.
Theo baolangson.vn