Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tình trạng sân Mỹ Đình khi nói về hợp tác công tư

Thứ 4, 04.01.2023 | 14:52:27
938 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng công tác quản lý công viên, bảo tàng hay sân vận động đều có thể triển khai hợp tác công tư

Ngày 4-1, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến vấn đề đẩy mạnh hợp tác công tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác công tư có thể triển khai trên nhiều lĩnh vực, không phải chỉ gói gọn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. "Hợp tác công tư rất là rộng, có thể là hợp tác trong quản lý công viên, quản lý nhà khách, quản lý sân vận động, quản lý bảo tàng, các lĩnh vực này đều có thể hợp tác công tư được"- Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về tình trạng sân Mỹ Đình - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh hạ tầng cho phát triển kinh tế, hạ tầng cho phát triển văn hoá, đặc biệt là hạ tầng giao thông cần nguồn lực rất lớn, nếu không hợp tác công tư thì chúng ta không huy động đủ được nguồn lực để triển khai, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng lấy dẫn chứng về Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội) có hàng trăm người tham gia vào các khâu các nhau trong quản lý công viên nhưng vẫn xập xệ. Thủ tướng đặt vấn đề đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp quản lý, nếu làm tốt thì để doanh nghiệp làm, nếu không tốt thì thu hồi.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến tình trạng của sân vận động quốc gia Mỹ Đình đang được dư luận quan tâm thời gian qua. Thủ tướng cho biết tối 3-1 theo dõi trận đấu của đội tuyển quốc gia Việt Nam trên sân Mỹ Đình.

"Tôi đã nói anh Hổ (Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình - PV) làm đề án đi"- Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề tại sao cả sân vận động lớn như vậy mà không khai thác được, lại chỉ trông chờ vào tiền nhà nước. Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu kỹ để triển khai hợp tác công tư.

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT thời gian tới cần làm tốt nhiệm vụ của mình, phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu của Đảng, nhà nước, Chính phủ. Tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô, theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới.

Bộ KH-ĐT cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt toàn bộ các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo tinh thần Quy hoạch phải đi trước một bước và mở ra không gian phát triển mới, có tính đồng bộ, liên kết cao.

Về phía Bộ KH-ĐT, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết năm 2023, Bộ tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.

Theo ông Trần Quốc Phương, năm 2023 Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật.


Cùng với đó, phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh Bộ KH-ĐT sẽ nghiên cứu, tham mưu các mô hình kinh tế mới và xây dựng các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế này trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về tình trạng sân Mỹ Đình - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương báo cáo tại hội nghị

Trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2023 được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ KH-ĐT xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nội dung và chủ trì tổ chức các cuộc họp Tổ điều phối kinh tế vĩ mô nhằm kịp thời phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới như tăng trưởng, tỉ giá, giá cả, lạm phát, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, các đối tác chủ yếu, cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước.

"Đồng thời, đánh giá các tác động cũng như triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và đề xuất, kiến nghị các kịch bản ứng phó, các giải pháp kịp thời trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ"- Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Về một số kết quả nổi bật của năm 2022, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết với chức năng là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, Bộ KH-ĐT đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Trong năm 2022, Bộ KH-ĐT đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê; thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; tập trung tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp lớn.

"Bộ đã soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng giúp Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ kịp thời chỉ đạo, điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới..."- ông Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp.

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...


Minh Chiến/nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/thu-tuong-pham-minh-chinh-neu-tinh-trang-san-my-dinh-khi-noi-ve-hop-tac-cong-tu-20230104114454044.htm

  • Từ khóa