Giải pháp phát triển nghề truyền thống ở Quảng Nam

Thứ 6, 29.11.2024 | 08:32:56
188 lượt xem

Để giữ vững và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống, tỉnh Quảng Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp và làng nghề.

Các giải pháp đưa ra nhằm đa dạng hóa những sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả các lợi thế của địa phương để vừa phát triển bền vững nghề truyền thống vừa thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

Nguy cơ mai một làng nghề

Đến làng nghề dệt chiếu An Phước, thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên), chúng tôi thấy chỉ còn vài hộ duy trì nghề này. Trao đổi với chúng tôi, giọng bà Nguyễn Thị Phùng (66 tuổi) buồn rầu: “Gia đình tôi có 45 năm mưu sinh bằng nghề dệt chiếu, thế mà nay làng nghề đang dần lụi tàn”.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, nghề dệt chiếu vất vả nhưng thu nhập thấp nên người dân đành phải bỏ nghề. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định thu hồi bằng công nhận làng nghề dệt chiếu An Phước được cấp từ năm 2004 với lý do làng nghề không bảo đảm các tiêu chí quy định. Theo đó, làng nghề truyền thống phải có ít nhất 20% số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động, hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định tối thiểu hai năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận làng nghề. Hơn nữa, làng nghề dệt chiếu An Phước không đạt hiệu quả trong xây dựng và phát triển làng nghề nên đã ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của xã.

Giải pháp phát triển nghề truyền thống ở Quảng Nam

Nghề đan võng ngô đồng tại xã Tân Hiệp, TP Hội An được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024.  

Khi mà nhiều làng nghề truyền thống trên phạm vi cả nước mai một, thất truyền thì những người già tại đảo Cù Lao Chàm (xã Tân hiệp, TP Hội An) vẫn cố gắng giữ nghề đan võng ngô đồng cha ông truyền lại nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, vừa phục vụ du khách tham quan. Được lưu truyền hơn 300 năm nay, dù được xem là nghề thủ công tiêu biểu trong đời sống văn hóa và tri thức dân gian của người dân trên đảo, thế nhưng nghề đan võng ngô đồng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một khi cả đảo chỉ còn vài cụ già thạo nghề. Vừa đan võng, bà Lê Thị Kề (xã Tân Hiệp, TP Hội An) vừa đau đáu: “Tôi cũng động viên và mong lớp con cháu học nghề nhưng vì công đoạn hoàn thành sản phẩm phải mất từ 3 đến 4 tháng, trong khi thu nhập bấp bênh nên mấy đứa không mặn mà theo nghề này”.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người gìn giữ nghề truyền thống như thành lập hợp tác xã, vận động, khuyến khích người dân đa dạng hóa các sản phẩm từ cây ngô đồng phục vụ khách du lịch và nâng cao thu nhập, đồng thời quản lý, kiểm tra để bảo đảm việc khai thác cây ngô đồng phù hợp nhất... Kết quả là tháng 8-2024, nghề đan võng ngô đồng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Gắn phát triển du lịch với giữ nghề truyền thống

Đề cập tới vấn đề phát triển du lịch bền vững, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng: "Xác định kết hợp du lịch cộng đồng với nghề truyền thống là một trong những hướng đi quan trọng của địa phương...". Thực tế hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.

Trong số đó có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông-lâm-thủy sản; 4 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 15 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ... Các làng nghề ngoài tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn không gian, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhiều mô hình du lịch cộng đồng được triển khai thành công đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế nông thôn. Tại làng rau Trà Quế (TP Hội An), các công ty du lịch đã tổ chức các tour tham quan, nơi du khách có thể trải nghiệm việc trồng rau cùng nông dân. Điều này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp người dân quảng bá sản phẩm nông sản. Tương tự, làng mộc Kim Bồng (TP Hội An), một trong những làng nghề nổi tiếng về chế tác đồ gỗ cũng đã thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Du khách được tận tay làm ra các sản phẩm thủ công, được học hỏi về nghệ thuật chế tác và sau đó mua các sản phẩm mộc làm quà lưu niệm.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, du lịch cộng đồng kết hợp với các làng nghề truyền thống tại tỉnh Quảng Nam đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khoảng 15% du khách đến tham quan và trải nghiệm. Tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống.

Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 38/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025. Các nội dung hỗ trợ bao gồm việc di dời cơ sở sản xuất, xây dựng mới hoặc sửa chữa hệ thống xử lý môi trường và hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ... Hiện nay, các địa phương đang triển khai và thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí từ ngân sách cấp huyện, các chương trình, đề án, dự án khác; vốn huy động từ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai các chương trình, đề án nhằm kết nối người dân với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc này không chỉ giúp các cơ sở tại làng nghề duy trì sản xuất mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm truyền thống trên thị trường.

Giải pháp phát triển nghề truyền thống ở Quảng Nam
Các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An) lưu giữ và phát triển nghề truyền thống. 

Để khắc phục những khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các cơ quan liên quan và các địa phương tập trung thu hút khách du lịch đến những làng nghề, trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường và tinh hoa của làng nghề. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan chú trọng công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề, tạo sức hút với du khách. Các địa phương phải xây dựng môi trường du lịch văn hóa tại làng nghề; tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn tại làng nghề nhằm trang bị cho cán bộ địa phương và nhân dân những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng nguồn kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch làng nghề, hỗ trợ kinh phí để các làng nghề tham gia liên hoan làng nghề, festival làng nghề, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; tiếp tục tổ chức lễ hội, sự kiện làng nghề lớn của tỉnh để thu hút khách du lịch. Đồng chí Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, nghề truyền thống có hưng, có thịnh, có phồn vinh và mai một nhưng nếu người dân có tình yêu nghề và nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương kết hợp với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất định những sản phẩm từ làng nghề truyền thống sẽ được gìn giữ và phát huy. 


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-phat-trien-nghe-truyen-thong-o-quang-nam-804930

  • Từ khóa