Làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh

Thứ 2, 09.12.2024 | 09:44:39
316 lượt xem

Ðược phát hiện từ năm 1973 với tên gọi ban đầu sâm K5, đến nay, sau hơn 50 năm, sâm Ngọc Linh đã phát triển được hàng nghìn héc-ta trên dãy núi Ngọc Linh thuộc địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Qua bao thăng trầm, sâm Ngọc Linh từ một "cây thuốc giấu" của đồng bào Xê Ðăng, giờ đã vươn mình trở thành cây chủ lực làm giàu của bà con dân tộc thiểu số, giúp đời sống của người dân nơi đây thay đổi rõ rệt.

Người dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh trên dãy núi Ngọc Linh.

Từ chỗ huyện nghèo diện 30A phải nhận trợ cấp, người dân ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nâng cao đời sống kinh tế từ cây sâm Ngọc Linh

Gần mười năm trở lại đây, vợ chồng anh Hồ Văn Bôi, ở thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) luôn miệt mài chăm sóc những gốc sâm Ngọc Linh quý giá của gia đình. Từ khoảng vài chục cây sâm giống có được nhờ đổi công, vợ chồng anh đã kiên trì chăm sóc, vay vốn mua thêm hạt, cây giống về ươm trồng. Ðến nay, vườn sâm của vợ chồng anh gần 2.000 gốc, nhờ đó đã thoát được nghèo và hiện thực hóa ước mơ làm giàu. Anh Hồ Văn Bôi chia sẻ, nhờ cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao nên gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định.

Từ khi gắn bó với cây sâm Ngọc Linh, đời sống đồng bào Xê Ðăng ở núi Ngọc Linh dần được nâng cao, nhiều mô hình giúp nhau thoát nghèo được lan tỏa mạnh mẽ như: Ðảng viên giúp nhau trồng sâm thoát nghèo; tổ hợp tác trồng sâm; thanh niên cùng nhau làm giàu từ sâm Ngọc Linh... đã từng bước thay đổi thói quen canh tác, sản xuất truyền thống. Riêng xã Trà Linh, huyện Nam Trà My số hộ nghèo qua các năm giảm rõ rệt, từ 229 hộ năm 2021 đến nay chỉ còn 88 hộ.

Làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh ảnh 1

Người dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh trên dãy núi Ngọc Linh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng chia sẻ, sâm Ngọc Linh là loại sâm quý, chỉ sống tốt ở độ cao từ 1.500 m trở lên ở núi Ngọc Linh, phát triển dưới các tán rừng nên người trồng sâm phải được giao khoán, bảo vệ khu vực rừng nguyên sinh để trồng sâm. Việc này không những góp phần bảo vệ tài nguyên rừng mà còn giúp người dân phát triển kinh tế từ rừng. "Trồng sâm để làm giàu giờ không còn là chuyện lạ ở vùng cao Nam Trà My. Có những gia đình trồng sâm Ngọc Linh thu nhập đến hàng trăm tỷ đồng", đồng chí Trần Duy Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) Nguyễn Trung Mạnh cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã từng bước xây dựng hồ sơ pháp lý của vùng trồng; trong đó xác định mỗi hộ, mỗi doanh nghiệp phải có hồ sơ của cây sâm Ngọc Linh. "Người dân phải là người chủ sở hữu thật sự của rừng liên kết, kêu gọi doanh nghiệp vào hỗ trợ, dẫn dắt để phát triển, mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh và làm cho sâm Ngọc Linh trở thành sinh kế, hướng tới làm giàu, thoát nghèo bền vững", đồng chí Nguyễn Trung Mạnh chia sẻ.

Ðáng ghi nhận hơn khi Tu Mơ Rông, Nam Trà My là những huyện khó khăn nhất nhì của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nơi có 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Rõ ràng, định hướng đúng đắn của Chính phủ, hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam về sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong việc bảo tồn và trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đã hình thành được một giải pháp hết sức quý báu, giúp bà con làm giàu trên núi, trong khi vẫn giữ được rừng. Ðặc biệt, người dân đều được giao dịch sản phẩm qua phiên chợ diễn ra vào đầu mỗi tháng. Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử để vừa mở rộng thị trường, vừa để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, hiện nay, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My đã tạo ra hệ sinh thái thương mại trên miền núi như phiên chợ sâm, lễ hội sâm giúp người dân có hệ sinh thái thương mại, được giao thương. Tuy nhiên, lợi nhuận lớn từ cây sâm Ngọc Linh và việc quản lý chưa hiệu quả đã làm nảy sinh nhiều vấn nạn như: trộm cắp sâm, trà trộn sâm, giả dạng sâm Ngọc Linh… ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân trồng sâm, người thu mua, buôn bán sâm, hay những doanh nghiệp đầu tư trồng sâm. Ðáng lo ngại hơn là uy tín, thương hiệu của cây sâm Ngọc Linh trên thị trường trong nước và quốc tế đã phần nào bị giảm sút.

Đẩy mạnh phát triển vùng trồng

Làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh ảnh 2

Người dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh trên dãy núi Ngọc Linh.

Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra bảy xã của huyện Nam Trà My, với tổng diện tích 30.000 ha, mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Ngày 18/6/2016, sâm củ Ngọc Linh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 theo Quyết định số 3235/QÐ-SHTT. Theo quyết định này, sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý nằm trên ngọn núi Ngọc Linh trong khu vực địa lý thuộc xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tiếp đó, ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Những năm gần đây, với định hướng phát triển của tỉnh, người dân ở Kon Tum đã trồng hàng nghìn héc-ta sâm Ngọc Linh, giúp cho diện tích có sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum lớn nhất nước với hơn 1.800 ha. Mỗi năm, Kon Tum có khả năng cung ứng hơn một triệu cây giống cho người dân, Tu Mơ Rông là địa phương có nhiều diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhất của tỉnh Kon Tum với khoảng 1.700 ha, riêng người dân trồng 100 ha với khoảng 600 hộ tham gia.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Nam cho biết, thực hiện Ðề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, người dân và hệ thống chính trị tỉnh Kon Tum xác định tập trung phát triển dược liệu nói chung, trong đó sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. "Phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ðến năm 2030, phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum với diện tích khoảng 25.000 ha các loài dược liệu; trong đó, 10.000 ha sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông và Ðắk Glei; 4.900 ha Ðẳng sâm", ông Nam thông tin.

Làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh ảnh 3

Một góc trung tâm huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) nhìn từ trên cao.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, từ năm 2017, khi cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ xác định là sản phẩm quốc gia, tỉnh đã khuyến khích và hỗ trợ giống cho người dân trồng sâm. Ðến nay, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định hơn 15.000 ha (trong đó từ độ cao 2.000 m trở lên hơn 2.200 ha, ở độ cao từ 1.200-2.000 m hơn 13.300 ha) chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, toàn huyện hiện có khoảng 2.000 hộ tham gia trồng cây dược liệu các loại, bình quân mỗi năm trồng 60-70 ha. Ðối với cây sâm Ngọc Linh, huyện tập trung phát triển tại bảy xã thuộc vùng quy hoạch. Năm 2014, số hộ trồng sâm chỉ vào khoảng 110 hộ, với 65 ha trồng sâm, đến nay có hơn 1.500 hộ dân và hơn 1.650 ha đã được người dân đăng ký trồng sâm Ngọc Linh. Nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, đã thu hút được 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký hơn 340 ha.

Hướng đến mục tiêu sớm đưa sâm Ngọc Linh thành cây trồng chủ lực dẫn dắt nhiều ngành kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh và vươn tầm thế giới, ngày 18/11/2024, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Cụ thể, đến năm 2030 phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400 ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm Công nghiệp dược liệu và phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm khai thác khoảng 300-350 ha, với tổng sản lượng đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên, đồng thời xây dựng các khu bảo tồn nguyên vị và vườn sưu tập nguồn gen cây sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình này. Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước để chế biến sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/lam-giau-tren-dinh-ngoc-linh-post849313.html

  • Từ khóa