Từ đầu năm đến nay, khối lượng thịt lợn nhập khẩu từ các quốc gia về Việt Nam khoảng 50.000 tấn, chủ yếu ở các nước như: Canada, Brazil, Đức...
Mới đây, kiểm tra công tác kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu trước khi thông quan tại cảng Hải Phòng, thành phố Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, thời gian về thủ tục thông quan thịt lợn nhập khẩu được Bộ thực hiện ngắn nhất theo quy trình kiểm tra thủ tục “1 cửa” và chất lượng thịt nhập khẩu đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu.
Từ đầu năm đến nay, khối lượng thịt lợn nhập khẩu từ các quốc gia về Việt Nam khoảng 50.000 tấn, chủ yếu ở các nước như: Canada, Brazil, Đức, Ba Lan, Mỹ và Liên bang Nga.
Thịt lợn nhập khẩu thông quan tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng được kiểm tra qua các công đoạn như: Xuất xứ, thông tin sản phẩm, hồ sơ nộp xin phép nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.
Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu bắt đầu được người tiêu dùng chú ý. (Ảnh minh họa: Báo Đại Đoàn kết) |
Ông Đoàn Thành Lũy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 2 cho biết: "Chỉ đạo của Chính phủ là nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn để bù cho nguồn cung trong nước. 4 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu qua cửa khẩu và cảng biển là 819 lô tương đương hơn 25.000 tấn, tăng 325% gấp 3 lần".
Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra các khâu nhập khẩu thịt từ cảng Việt Nam tới các kho lạnh của doanh nghiệp nhập khẩu nhằm cung cấp thông tin tới người tiêu dùng về thịt đông lạnh nói chung và thịt lợn nhập khẩu nói riêng, để từ đó có thêm thông tin, hiểu biết và yên tâm khi sử dụng các sản phẩm thịt đông lạnh đã được chế biến, đóng gói, vận chuyển đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là giá thành hợp lý hơn.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc công ty xuất khẩu Hương Việt – một trong 21 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn của Tập đoàn Miratorgcủa Liên bang Nga cho biết: "Hiện tại thói quen của người tiêu dùng vẫn thích dùng thịt nóng để chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh cần có thời gian. Trong quá trình phân phối doanh nghiệp cũng giải thích với khách hàng về tiêu chuẩn chất lượng. Tại Việt Nam là kiểm dịch theo quy định, còn thịt lợn nhập khẩu cũng được thực hiện theo quy trình xuất khẩu và đạt tiêu chuẩn quốc tế, việc lựa chọn tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu là do người tiêu dùng".
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hậu quả sau dịch tả lợn châu Phi xảy ra đến nay đàn lợn vẫn chưa được khôi phục, giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao thì việc nhập khẩu thịt lợn sẽ góp phần gia tăng thêm nguồn cung trong nước và bình ổn giá.
Đến nay Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Giá thịt lợn trung bình nhập khẩu từ các quốc gia này về tới cảng Việt Nam vào khoảng 2,55 USD/kg, tương đương 60.000 đồng/kg, tùy loại sản phẩm. Như vậy, so với giá bán trong nước thì mức giá này đang hết sức cạnh tranh và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cao của châu Âu.
Để đạt khối lượng 100.000 tấn thịt lợn nhập khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ ngành liên quan và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nhập khẩu sớm đưa thịt lợn về Việt Nam. Trong năm 2020, có thể nhập khẩu thịt lợn từ Nga với số lượng lên đến 50.000 tấn, bằng 70% tổng số thịt lợn từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: "Chúng tôi đã tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, giảm thuế vận dụng linh hoạt để giảm thấp hơn chi phí vận chuyển. Các trình tự thủ tục các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Ngoại giao đã tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp.
Riêng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y các thủ tục hành chính về kiểm dịch, kiểm tra chất lượng phải đảm bảo ngắn nhất, nhanh nhất và đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhập 100.000 tấn thịt để tạo điều kiện đưa số lượng thịt lợn nhập khẩu sớm về Việt Nam"./.
Minh Long/VOV.VN