Chọn trường phù hợp để rộng cửa nghề nghiệp

Thứ 2, 08.04.2024 | 09:24:38
365 lượt xem

Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chỉ ra rằng nhu cầu vị trí việc làm trên thị trường tương ứng với trình độ đại học-cao đẳng-sơ cấp tương đương với tỷ lệ là 1-3-5. Vì vậy, định hướng đào tạo về lâu dài cần gắn với nhu cầu này.

Nhu cầu tuyển trình độ cao đẳng tăng

 Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng và các nhà tuyển dụng ngày càng siết chặt yêu cầu, việc chọn trường thế nào cho phù hợp và có mức thu nhập tốt sau khi ra trường là băn khoăn của hầu hết thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ (TS) Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, các bậc phụ huynh cần xác định đúng khả năng, mong muốn của con em, các em phát triển tốt về mặt tư duy, học thuyết, hàn lâm hay đi theo hướng thành thạo tay nghề, trở thành những “nghệ nhân” trong lĩnh vực của mình. Hiện nay, nhà tuyển dụng yêu cầu cả kiến thức và trình độ. Tuy nhiên, trình độ từ cao đẳng trở xuống chiếm tỷ trọng lớn hơn và đang tăng mạnh.

“Đây là cơ cấu chung của nhu cầu lao động trên toàn thế giới. Khi chúng ta hướng tới nhu cầu trở thành nước phát triển năm 2045, nền công nghiệp hiện đại năm 2050, nhu cầu lao động ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, 70% trong 52,5 triệu lao động rơi vào người lao động có trình độ cao đẳng trở xuống”, TS Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho hay, bản chất giáo dục nghề nghiệp của hệ cao đẳng là chú trọng kỹ năng, năng lực. Định hướng trong đào tạo của hệ này gắn trực tiếp với vị trí việc làm, thị trường lao động. Theo thống kê Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hơn 80% học sinh, sinh viên học giáo dục nghề nghiệp có việc làm đúng nghề, thậm chí lên tới 100% đối với một số ngành nghề.

Chọn trường phù hợp để rộng cửa nghề nghiệp
 Sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic học thực hành.

Dưới góc nhìn của đơn vị đào tạo, thầy Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, thị trường lao động đã có những tín hiệu rất tích cực trong 5 năm gần đây, dù tỷ lệ phân bố về thầy và thợ vẫn đang lệch về phía đại học và ít hơn ở phía cao đẳng. Sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19, có thể thấy người lao động có tay nghề cao, kỹ năng tốt đều không rơi vào tình trạng thất nghiệp. Dẫn chứng cho việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của thị trường mang lại hiệu quả tích cực, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho hay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tại trường trong vòng 6 tháng tìm được công việc lên tới hơn 97%, đặc biệt cao ở các nhóm ngành như marketing số, thiết kế đồ họa, du lịch-nhà hàng-khách sạn...

Hướng tới vị trí việc làm

 Với tư cách một nhà tuyển dụng, anh Lê Mạnh Cường, Trưởng nhóm lập trình giao diện trang web, Trung tâm akaVerse, Công ty hệ thống thông tin FPT cho rằng, không có quá nhiều sự chênh lệch trình độ giữa ứng viên có bằng tốt nghiệp đại học và những ứng viên học cao đẳng. Thậm chí, ứng viên học cao đẳng còn có phần nhỉnh hơn. Từ kinh nghiệm bản thân, anh Lê Mạnh Cường khuyên các thí sinh cần xác định được đam mê của mình, biết và nắm xu hướng nghề nghiệp sắp tới trong nước và quốc tế để đưa ra định hướng mục tiêu cụ thể. Kế đến là vấn đề tài chính, để gắn bó lâu dài với nghề. Phụ huynh có thể tham khảo các ngành nghề xu hướng hiện nay, có khả năng phát triển mạnh trong tương lai như logistics, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật để cùng định hướng.

Hiện tại, có khoảng 1 triệu nhân sự làm trong ngành công nghệ thông tin và con số này cần tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030, do đó, nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Một ngành khác là marketing số hay digital marketing sẽ tiếp tục là ngành tăng trưởng nóng trong 3-5 năm tới. Một khối ngành ít người chọn nhưng dự đoán trong 3-5 năm tới sẽ thu hút nhiều bạn trẻ theo học là ngành liên quan đến cơ khí, điện, tự động hóa, khi mà các tập đoàn lớn của thế giới chuyển các chi nhánh, công ty và dây chuyền sản xuất tới Việt Nam.

Theo thầy Vũ Chí Thành, nếu các em có năng lực học ở mức trung bình khá, học cao đẳng là sự lựa chọn phù hợp bởi sinh viên sẽ được đào tạo nhiều lần cho đến khi làm thuần thục, trở thành một chuyên gia tại kỹ năng này. Sau đó, sinh viên hoàn toàn có thể học sâu hơn, nâng cao khả năng trình độ của mình ở những cấp bậc cao hơn với những kỹ năng được đào tạo trước đó.

Nhìn nhận thị trường lao động thiếu cả thầy lẫn thợ về cả số lượng và chất lượng, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho hay: “Theo thống kê của chúng tôi, lao động có bằng cấp chỉ chiếm 17,6%. Đối với sự phát triển của nền kinh tế thì con số này rất thấp. Thực tế đặt ra tất cả các ngành nghề hiện tại, các em đều có cơ hội việc làm. Khi tuyển dụng, người ta sẽ nhìn tới vị trí việc làm và lựa chọn người có trình độ, bằng cấp phù hợp. Vị trí việc làm không cần đại học thì sẽ không tuyển đại học.

Nói về đại học, có một số ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế trong hiện tại và tương lai, đó là người học phải đáp ứng được các ngành công nghệ xanh, công nghiệp mới nổi (chip bán dẫn) hay những thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp chất lượng cao và du lịch. Đây là những ngành tương đối bền vững, sẽ tồn tại song song với sự phát triển của nền kinh tế. Khi lựa chọn, thí sinh phải đánh giá được mong muốn của mình. Nếu muốn nhanh ra trường để tìm việc, các em lựa chọn cao đẳng hay trung cấp. Nhưng nếu các em mong muốn các ngành nghề có tính xu hướng của nền kinh tế thì chọn học dài hơn ở bậc đại học.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/chon-truong-phu-hop-de-rong-cua-nghe-nghiep-771743

  • Từ khóa