Muốn giáo dục, dạy bảo hiệu quả và có sức thuyết phục đối với trẻ, không chỉ các bậc phụ huynh trong gia đình mà trước hết bản thân các thầy, cô giáo ở trường cũng phải chú ý rèn luyện, tu dưỡng, nêu gương từ những việc nhỏ nhất để các em học tập, noi theo.
Bạn tôi có đứa con trai đang học lớp 4 tên Dũng. Cháu khá thông minh, nhanh nhẹn, thích tìm hiểu và hay hỏi bố những câu hỏi “trên trời dưới đất”. Do cả hai con tôi đều đã lớn, lễ phép và học hành tiến bộ nên anh thường chia sẻ, hỏi ý kiến tôi về phương pháp giáo dục cũng như chuyện học tập của con mình.
Buổi sáng đầu tuần vừa qua, anh tìm gặp tôi, giọng đầy tâm trạng: “Mệt quá cậu ạ. Tối qua thằng cu hỏi một câu mà tôi không biết trả lời ra sao, đành tìm cách hoãn binh, nói bố đang bận sẽ trả lời sau. Cậu xem có “cao kiến” gì giúp tôi không?”.
Nhà giáo cần nêu gương từ những việc nhỏ. Ảnh minh họa: VGP |
Qua trò chuyện với bạn, tôi được biết ở trường của cháu Dũng, nhằm tiết kiệm điện trong mùa hè, cô hiệu trưởng ban hành quy định các lớp không bật máy điều hòa khi nhiệt độ ngoài trời dưới 30 độ C. Để việc thực hiện được nghiêm túc, cô hiệu trưởng trực tiếp thông báo, quán triệt quy định này trong giờ chào cờ, đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp nhắc nhở học sinh trong giờ sinh hoạt lớp. Cô hiệu trưởng còn nhấn mạnh, các trường hợp không chấp hành tốt sẽ bị kiểm điểm, hạ thi đua...
Thế nhưng hôm vừa rồi trời mát, trong lúc ra chơi, Dũng vô tình đi qua phòng cô hiệu trưởng thì thấy điều hòa vẫn bật, thậm chí cửa ra vào còn mở toang, trong khi các lớp đều chấp hành quy định không bật điều hòa vì hôm đó nhiệt độ thấp hơn 30 độ C. Điều này khiến cu cậu rất ngạc nhiên nên tối về thắc mắc với bố: “Bố ơi, tại sao các lớp không được bật điều hòa còn cô hiệu trưởng lại được bật hả bố? Có phải do cô hiệu trưởng “to” nhất trường không bố?”.
Câu hỏi vô tư, có vẻ đơn giản của cậu học sinh lớp 4 nhưng quả thực khó trả lời. Nếu đồng ý với cu cậu rằng vì cô hiệu trưởng “to” nhất trường nên được “ưu tiên” bật điều hòa thì khác nào dạy cho cháu bài học về sự “đứng trên” nội quy, quy định của người có chức có quyền. Ngược lại, nếu trả lời cô vi phạm quy định thì chắc chắn hình ảnh một cô hiệu trưởng tận tụy, hết lòng vì học sinh trong tâm trí cháu bấy lâu nay sẽ không còn nguyên vẹn...
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, trao đổi kỹ, tôi và anh bạn thống nhất phương án trả lời Dũng rằng trong trường hợp này cô hiệu trưởng đã thực hiện chưa đúng quy định của nhà trường, đồng thời hứa sẽ cùng các bác phụ huynh góp ý để cô rút kinh nghiệm.
“Đó là cách dạy cháu về lòng trung thực, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh dạn góp ý phê bình để xây dựng tập thể”, bạn tôi vừa nói vừa thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng...
Câu chuyện của học trò Dũng nói trên khiến bố cậu bé cũng như tôi càng thêm thấm thía bài học về sự gương mẫu của người lớn. Muốn giáo dục, dạy bảo hiệu quả và có sức thuyết phục đối với trẻ, không chỉ các bậc phụ huynh trong gia đình mà trước hết bản thân các thầy, cô giáo ở trường cũng phải chú ý rèn luyện, tu dưỡng, nêu gương từ những việc nhỏ nhất để các em học tập, noi theo. Phải thấm nhuần và thực hiện đến nơi đến chốn câu khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” được treo trang trọng ở các nhà trường phổ thông.
Theo qdnd.vn