Đại biểu Quốc hội chỉ rõ hệ thống thang, bảng lương và nguồn thu hợp pháp không cho phép cơ sở giáo dục đại học công lập xây dựng mức thu nhập vượt trội và chế độ ưu đãi đặc biệt.
Đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn chưa tương xứng
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cho biết, thành quả về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của giáo dục đại học vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khi đội ngũ nhân lực nghiên cứu chiếm tới hơn 50% tổng nhân lực nghiên cứu ở Việt Nam.
Lý giải về thực trạng này, đại biểu nêu 5 nguyên nhân. Thứ nhất, Luật Khoa học và Công nghệ quy định nhà nước bảo đảm chi cho khoa học - công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách hằng năm.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2023 chi sự nghiệp cho khoa học - công nghệ là 12.091 tỷ đồng, chiếm 0,58% tổng chi ngân sách. Trong đó, việc phân bổ ngân sách vẫn còn dàn trải, chưa vận hành tốt cơ chế đặt hàng, đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ trung bình trên cán bộ còn thấp và chưa tương xứng.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Ảnh: Quốc hội).
Thứ hai, theo đại biểu Vương Quốc Thắng, vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế quản lý về đề tài, dự án sử dụng nguồn ngân sách. Đặc biệt, việc thiếu cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, thiếu cơ chế giao cho đơn vị chủ trì sở hữu và định giá sản phẩm hình thành từ các nhiệm vụ khoa học.
Thứ ba, với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, kinh phí nghiên cứu từ nguồn ngân sách chỉ được cấp thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu đơn lẻ.
Thứ tư, trong các cơ sở giáo dục đại học, chức năng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa lấy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo làm động lực cho phát triển và làm nền tảng cho nguồn thu bền vững, vẫn còn thiếu công cụ đánh giá về hiệu quả thực hiện hoạt động khoa học - công nghệ của đội ngũ giảng viên.
Thứ năm, chưa có cơ chế đột phá để các cơ sở giáo dục đại học thu hút và sử dụng nhân tài là các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học lớn.
"Một mặt, hệ thống thang, bảng lương và nguồn thu hợp pháp hạn hẹp, không cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập xây dựng những vị trí việc làm với mức thu nhập vượt trội và chế độ ưu đãi đặc biệt", đại biểu Vương Quốc Thắng nêu.
Mặt khác, nhân tài được thu hút vào cơ sở giáo dục đại học công lập phải tuân thủ Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nên bị gò bó về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thiếu tính chủ động và tính sáng tạo của đội ngũ này.
Đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ sở giáo dục đại học
Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao trong trường đại học, đại biểu cũng kiến nghị 3 giải pháp.
Một là, đầu tư từ nguồn ngân sách cho khoa học, công nghệ cần dựa trên quan điểm đầu tư để phát triển nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực sản phẩm sáng tạo.
Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đa dạng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục đại học thay vì phụ thuộc vào học phí như hiện nay. Nguồn thu có thể bằng các nguồn thu chủ động huy động từ nguồn lực xã hội, từ doanh nghiệp và từ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao thông qua cơ chế hợp tác công - tư trong xây dựng các trung tâm nghiên cứu...
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (Ảnh: Quốc hội).
Ba là, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng quy định khung đánh giá cơ sở giáo dục đại học và giảng viên dựa trên năng lực cả về đào tạo và nghiên cứu, cần coi đào tạo sau đại học là sản phẩm đầu ra bắt buộc và được trả chi phí hợp lý đối với nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hay sử dụng nguồn tài chính hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, Luật Nhà giáo cần sớm trình Quốc hội ban hành để tháo nút thắt về thu hút nhân tài và phát triển đội ngũ người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học.
Theo dantri.com.vn