Đại dịch COVID-19 càng cho thấy nhu cầu cấp thiết phải sớm đưa ra các biện pháp chống lại những bệnh lý mãn tính này.
Một báo cáo đăng trên tạp chí khoa học The Lancet cho thấy, chỉ có 6 quốc gia có thu nhập cao đang đưa ra biện pháp đủ mạnh để giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh tim. Đại dịch COVID-19 càng cho thấy nhu cầu cấp thiết phải sớm đưa ra các biện pháp chống lại những bệnh lý mãn tính này.
Trong số các quốc gia có thu nhập cao, chỉ có Đan Mạch, Luxembourg, New Zealand, Na Uy, Singapore và Hàn Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu giảm 1/3 tỷ lệ tử vong ở cả phụ nữ và nam giới vào năm 2030. Các bệnh không lây nhiễm(NCDs) đang cướp đi mạng sống của hơn 40 triệu người/năm trên thế giới. Trong số này có 17 triệu trường hợp tử vong dưới 70 tuổi.
Trong khi nguy cơ tử vong do một số bệnh mãn tính - như đột quỵ, bệnh tim và ung thư dạ dày, giảm đều đặn trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do tiểu đường, ung thư phổi, ung thư ruột kết và ung thư gan lại giảm quá chậm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều quốc gia.
Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London, Tổ chức Y tế thế giới và tổ chức NCD Alliance là đánh giá thứ hai về những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm 1/3 số ca tử vong sớm do các bệnh lý này vào năm 2030 - một mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Nhóm nghiên cứu cho rằng, không quốc gia nào có thể đạt được mục tiêu chỉ bằng cách xóa bỏ một căn bệnh duy nhất. Đây phải là một chuỗi các kế hoạch hành động cũng như đảm bảo một hệ thống y tế đủ mạnh để giải quyết vấn đề phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm, phù hợp với tình hình mỗi quốc gia.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, những người có bệnh lý nền khi mắc COVID-19 sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn. Điều này cho thấy sự cấp thiết của chính phủ các nước cần phải thực hiện chính sách để ngăn chặn các trường hợp tử vong có thể phòng ngừa được do những bệnh lý mãn tính.
Ông Bente Mikkelsen, Giám đốc Cơ quan phụ trách các bệnh lý không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, cần phải ngăn nguy cơ các bệnh không lây nhiễm trở thành một thảm họa thế hệ. Báo cáo khuyến nghị một loạt các biện pháp, bao gồm đưa ra các hạn chế sử dụng thuốc lá và rượu, thúc đẩy việc tiếp cận với những chương trình tầm soát ung thư, các loại thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường và hen suyễn, cũng như giúp những bệnh nhân về tim mạch có được phương pháp điều trị hiệu quả./.
CTV Hoàng Danh/VOV.VN