Điều dưỡng Lương Thị Minh đưa cho người phụ nữ rối loạn tâm thần một tờ giấy, hy vọng bà biết chữ và ghi ra được địa chỉ nhà.
Từ manh mối này, điều dưỡng Minh lần tìm gia đình cho bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân 50 tuổi, được chuyển đến khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn từ ngày 8/12, có biểu hiện rối loạn tâm thần. Bà là một trong những người được cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả do cư trú bất hợp pháp trong chiến dịch kiểm soát, phòng chống Covid-19.
"Bệnh nhân không có người thân, lưu lạc xứ người hơn 20 năm nhưng luôn miệng nói mình chỉ mới 18 tuổi", điều dưỡng Minh kể lại.
Theo điều dưỡng trưởng Lưu Hải Châu, Khoa Truyền nhiễm, trong thời gian điều trị, bệnh nhân này nhút nhát, e dè, thường nói nhảm, không nhớ tên tuổi, địa chỉ nhà. Hằng ngày, các điều dưỡng thay nhau mang cơm đến tận giường và thường xuyên theo dõi, quan sát để biết được thói quen, sở thích người bệnh.
"Riêng bệnh nhân này phải dành nhiều thời gian để gần gũi, nói chuyện, nhưng 10 ngày trôi qua vẫn không có thêm thông tin nào", điều dưỡng Minh, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nói. "Chẳng may bị kẻ xấu làm hại thì thiệt thòi quá".
Hồi tháng 7, điều dưỡng Minh từng tìm được người nhà cho một bệnh nhân trong khu cách ly, bị thất lạc gia đình 17 năm. Bệnh nhân lần này hoàn cảnh tương tự, nữ điều dưỡng tự nhủ phải nỗ lực hơn trước khi thời hạn 14 ngày kết thúc.
Đêm 22/12, cô điều dưỡng "đánh liều" đưa bệnh nhân một tờ giấy. "Bệnh nhân bị tâm thần nhưng biết viết chữ thì tốt quá", chị nghĩ. Rồi chị lần lượt hỏi bà tên, tuổi, địa chỉ, có nhớ tên ai trong gia đình, nhớ nhà ở vùng nào, và đề nghị bà ghi vào tờ giấy. Kết quả, bà chỉ ghi được vài dòng chữ lắt nhắt, lại sai chính tả, không có đầu cuối.
Điều dưỡng Minh sau đó ngồi đọc lại từng chữ, xâu chuỗi các từ với nhau rồi tìm kiếm thông tin trên mạng. "Vì lý do bảo mật nên tôi không muốn tiết lộ, nhưng tôi vừa đoán vừa tìm được tên của một thôn giống với thông tin bệnh nhân ghi", nữ điều dưỡng kể. Rồi chị liên hệ với công an ở địa phương có thôn này nhờ hỗ trợ để tìm kiếm gia đình cho bệnh nhân.
Trưa hôm sau, công an thông báo có gia đình tìm người mất tích 24 năm, chị Hương mừng rỡ vì thấy có tia hy vọng. Chị chủ động gọi điện thoại cho gia đình này, gửi hình ảnh bệnh nhân và xác thực thông tin trước khi gặp gia đình tại bệnh viện.
Bệnh nhân nữ (áo hồng) ôm lấy chị tại bệnh viện sau 24 năm lưu lạc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Một ngày sau khi nhận được thông tin, anh trai và chị gái của bệnh nhân đến bệnh viện. Gặp lại gia đình, tinh thần người bệnh dần tỉnh táo hơn, đã kể được tên bố mẹ và các anh em của mình. Riêng quãng thời gian ở Trung Quốc thì không có thông tin nào.
Người nhà cho biết, bệnh nhân là người con gái thứ bảy trong gia đình có chín người con. Cuối năm 1991, một người bạn gần nhà rủ đi chơi và lừa bán bà sang Trung Quốc. Sau đó, người thân tích cực tìm kiếm bà nhưng không có kết quả. Anh trai bệnh nhân cũng sang Trung Quốc làm việc để mong tìm lại em gái nhưng không tìm được.
Năm 1996, bà trở về thăm nhà và kể lại cuộc sống trong thời gian lưu lạc. Tại Trung Quốc, bà bị bán làm vợ một người đàn ông với giá 5 triệu đồng và sinh hai người con. Về thăm nhà được khoảng hai tuần, vì quá nhớ con nên bà quyết định quay lại Trung Quốc. Từ đó đến nay, sau 24 năm bà mới được về đoàn tụ với gia đình.
"Tìm được gia đình cho bệnh nhân, người nhà vui một thì tôi vui 10, giúp các y bác sĩ có thêm động lực để thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng", điều dưỡng Minh chia sẻ.
Điều dưỡng Minh chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thùy An/vnexpress.net
https://vnexpress.net/nu-dieu-duong-tim-duoc-nguoi-nha-cho-benh-nhan-cach-ly-4212082.html