Người viêm gan B, viêm gan C mạn tính, xơ gan, lạm dụng rượu, thuộc nhóm nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan.
Ung thư gan là bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới, hơn 782.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Hệ thống Ghi nhận Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 ghi nhận thế giới khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, số ca ung thư gan tăng vọt trong vòng 20 năm qua, vượt ung thư phổi, trở thành bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất. Tỷ lệ tử vong tương đương số người mắc bệnh.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam ghi nhận khoảng 20 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan do virus viêm gan C.
"Đây là lý do hàng đầu khiến người Việt mắc ung thư gan", giáo sư Hùng cho biết.
Bác sĩ Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh việc tầm soát ung thư gan cần tập trung vào nhóm có nguy cơ cao, là những người tiền sử viêm gan B, viêm gan C mạn tính, xơ gan do viêm gan hoặc do sử dụng rượu.
Cụ thể, ở nhóm nguy cơ cao, cần khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần, bao gồm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm như siêu âm gan, chất chỉ điểm u (AFP, AFP L3, PIVKAII). Nếu bị viêm gan phải điều trị triệt để, ngăn chặn tiến triển thành ung thư gan.
Trường hợp phát hiện khối u bất thường, cần làm các xét nghiệm chuyên sâu như chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ và sinh thiết tổn thưởng trong trường hợp hình ảnh không điển hình, chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán xác định.
Nhóm không có nguy cơ cũng cần khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có có dấu hiệu bất thường cần đi đến các cơ sở y tế chuyên khoa được khám và xét nghiệm cần thiết. Nếu xét nghiệm HbSAg âm tính thì nên tiêm phòng viêm gan B. Theo bác sĩ, một người bình thường tiêm vaccine viêm gan B, có kháng thể bảo vệ chống lại sự xâm nhập của virus viêm gan B có thể ngăn ngừa viêm gan B mạn tính và hạn chế nguy cơ ung thư gan.
Không nên sử dụng rượu bia và thuốc lá. Không ăn các thực phẩm bị mốc. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì lối sống lành mạnh, tinh thần thoải mải, lạc quan, tập thể dục thường xuyên. Trong gia đình, một người mắc viêm gan B, những người còn lại cần đến viện kiểm tra, theo dõi và nên đi chủng ngừa.
Mọi người nên đo khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có có dấu hiệu bất thường cần đi đến các cơ sở y tế chuyên khoa được khám và xét nghiệm cần thiết. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo bác sĩ Thái, ung thư gan tiến triển thầm lặng, ban đầu không có triệu chứng. Sau đó, các triệu chứng xuất hiện khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn như cảm giác ăn không ngon, khó tiêu, mệt, nặng ở dưới bờ sườn bên phải. Bệnh nhân thường phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, có các triệu chứng như bụng chướng nước, mất cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, vàng da... Khoảng 90% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này các biện pháp can thiệp, điều trị rất hạn chế. Đó là lý do khiến bệnh nhân ung thư gan dễ tử vong.
Thời gian sống của bệnh nhân ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, mức độ tiến triển, tình trạng sức khỏe và khả năng dung nạp của cơ thể. Cách tốt nhất để kéo dài thời gian sống là tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, chăm sóc về thể chất, tinh thần thật tốt.
Để điều trị ung thư gan, ngoài phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dùng thuốc đích, hiện có các phương pháp nút mạch, đốt sóng cao tần, tiêm cồn tuyệt đối qua da, ghép gan... Lựa chọn phương pháp điều trị nào tùy thuộc vào vị trí, kích thước, giai đoạn của bệnh.
Thùy An/Vnexpress.net
https://vnexpress.net/viem-gan-b-c-am-tham-tien-trien-ung-thu-gan-4212803.html