“Chúng ta phải chuẩn bị test kit để đề phòng kịch bản dịch bùng phát trên diện rộng. Bộ Y tế cần chuẩn bị test kit vì thực tế đáng lo ngại là các địa phương đang thiếu test kit".
Liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tính đến ngày 5/1, 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã phát hiện biến chủng virus, trong đó 12 nước có lây nhiễm ra cộng đồng. Hiện có 70 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyên bay đến và đi từ Anh và các quốc gia ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tại cuộc họp sáng 7/1 của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhanh song chưa tăng độc lực và chưa ảnh hưởng tới độ nặng nhẹ của người bệnh. WHO cho rằng, cần cảnh giác với biến chủng virus ở Nam Phi bởi chủng này có dấu hiệu lây lan nhanh hơn biến chủng xuất hiện tại Anh và chủng virus này đang tiếp tục được nghiên cứu.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, các nhà nghiên cứu thế giới cũng đang xem xét việc các test kit hiện nay có phát hiện được chủng virus tại Nam Phi hay không và liệu biến chủng này có ảnh hưởng tới tính hiệu quả của vaccine hay không?
“WHO và các chuyên gia thế giới vẫn đang theo dõi các biến chủng này và chưa có câu trả lời”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Theo ông Phu, khi làm và phát triển vaccine, các nhà nghiên cứu cũng chọn đoạn gene ít bị ảnh hưởng tới vaccine nhất. Tuy nhiên, điều này cũng không thể lường trước, bởi như cúm, hằng năm đều phải làm vaccine khác nhau cho những biến thể khác nhau: “Chúng ta phải chuẩn bị test kit để đề phòng kịch bản dịch bùng phát trên diện rộng. Bộ Y tế cần chuẩn bị test kit vì thực tế đáng lo ngại là các địa phương đang thiếu test kit. Giải pháp của Việt Nam dù với virus cũ hay biến chủng virus là chúng ta cứ ngăn chặn được, phát hiện sớm và cách ly triệt để thì virus không có trong cộng đồng và không thể lây lan được”.
Đề cập diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam, ông Phu trả lời một số vấn đề liên quan đến thời gian ủ bệnh, khi xuất hiện trường hợp mắc bệnh sau 21 ngày. Ông Phu cho biết, theo các nghiên cứu, sau thời gian 1-2 ngày ủ bệnh, bệnh nhân có thể có kết quả xét nghiệm dương tính. Song khoảng thời gian ủ bệnh trung bình là 5-6 ngày. Có rất ít báo cáo nhắc đến trường hợp ủ bệnh 27 ngày và 5 trường hợp ủ bệnh 19 ngày. Tuy nhiên, WHO cho rằng đây là phơi nhiễm kép, nghĩa là đã nhiễm bệnh lần 2.
“Đây mới chỉ là những thông tin từ một số ít bài báo. Và hiện nay, quan điểm của WHO về thời gian ủ bệnh vẫn là 14 ngày và dựa trên đó đưa ra thời gian cách ly”, ông Phu nhấn mạnh.
Với việc tiếp tục xuất hiện xét nghiệm dương tính giả, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính thành âm tính thì có thể là do quá trình lấy mẫu, làm xét nghiệm và hiệu quả của phương pháp xét nghiệm gây ra sai lệch khi cho kết quả. Nhưng âm tính thành dương tính, không thể nói là do lấy mẫu sai hay làm xét nghiệm sai. Đây là thể là xác suất của xét nghiệm hoặc là trường hợp dương tính giả và gặp chủng corona virus khác nên cho kết quả dương tính. Do vậy, kết quả cuối cùng của Viện Pasteur bằng 2 phương pháp xét nghiệm khác nhau là có thể tin tưởng được.
Theo quan sát và đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh lây lan là do người nhập cảnh. Có thể thấy, nhiều nước thời gian cách ly người nhập cảnh ít, phong toả không chặt ổ dịch… Nhiều nước “vỡ trận” trong kiểm soát, ứng phó dịch COVID-19 như tại châu Âu phải thực hiện biện pháp kiểm soát trên diện rộng.
Tính đến ngày 7/1, Việt Nam đã 37 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Cả nước đến nay ghi nhận hơn 1.500 ca mắc COVID-19, trong đó, 1.353 bệnh nhân đã được điều trị khỏi./.
Thiên Bình/VOV.VN