Năm nay, từng thành viên ban lãnh đạo ở các tòa án thuộc TP HCM đích thân kiểm tra cũng như chịu trách nhiệm về việc giải quyết vụ án của từng thẩm phán
Theo Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022, Ban Cán sự Đảng TAND TP HCM đưa ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; trọng tâm là án tạm đình chỉ, án hành chính, xét xử trực tuyến.
Nổi bật, TAND TP đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp xét xử án hình sự và án hành chính.
Thu hồi tài sản khi xét xử
Đối với án hình sự, TAND hai cấp TP HCM đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội. Cơ quan xét xử không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; cũng như không vi phạm thời hạn tạm giam quá hạn luật định.
Tại TP HCM, cơ quan xét xử chủ động đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, TP về phòng, chống tham theo dõi. TAND TP HCM tăng cường phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thu hồi tài sản suốt quá trình xét xử.
Năm nay, TAND hai cấp TP HCM đẩy nhanh xét xử những vụ án xâm phạm trật tự an ninh chính trị cùng vụ án phức tạp và vụ án mà dư luận xã hội quan tâm.
Năm ngoái, TAND TP HCM thụ lý 12 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với 86 bị cáo. TAND TP đưa ra xét xử 8 vụ án, gồm: Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; bị cáo Bùi Minh Chính và đồng phạm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"…
Quá trình xét xử, tòa án thu hồi 4.157 tỉ đồng (nộp tại tòa và tạm tính giá trị tài sản kê biên, phong tỏa.
TAND TP HCM xét xử bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) cùng đồng phạm
"Truy" trách nhiệm lãnh đạo, thẩm phán
Nghị quyết đề ra nhiệm vụ giải quyết án hành chính. Cụ thể, cơ quan xét xử thuộc TP HCM tiếp tục rà soát vụ án hành chính tồn đọng; đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan, ban-ngành thu thập chứng cứ để nhanh chóng đưa những vụ án trên ra xét xử.
Đặc biệt, mỗi thẩm phán phải xây dựng kế hoạch, thời gian giải quyết cụ thể vụ việc tồn đọng. Lãnh đạo tòa án chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thẩm phán triển khai kế hoạch.
Bên cạnh đó, cơ quan xét xử vụ án hành chính trên địa bàn TP HCM đẩy nhanh tiến độ cũng như nâng cao chất lượng đối thoại trực tuyến khi giải quyết án hành chính. TAND TP xác định đây là một trong những tiêu chí thi đua cuối năm.
Năm 2021, TAND hai cấp TP HCM giải quyết 344/1.346 vụ án hành chính. Cơ quan xét xử vụ án hành chính thuộc TP vướng 80 bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy, sửa.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2022, ban lãnh đạo tòa án hai cấp thuộc TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra việc giải quyết án của từng thẩm phán, ở từng vụ án cụ thể. TAND TP phân công cụ thể trách nhiệm từng thành viên ban lãnh đạo trong kiểm tra, giám sát thẩm phán. Từng lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về hiệu quả giải quyết án của thẩm phán mà lãnh đạo đó nhận nhiệm vụ theo dõi.
Cơ quan xét xử tổ chức họp thẩm phán hàng tháng để nghe từng thẩm phán trình bày khó khăn, vướng mắc khi xét xử vụ án phức tạp; từ đó tìm hướng tháo gỡ.
Lãnh đạo các tòa án trên địa bàn TP tăng cường kiểm tra án quá hạn, như: kiểm soát chặt chẽ số lượng hồ sơ gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử, báo cáo tiến trình giải quyết những hồ sơ này.
Nếu không thực hiện đúng tiến trình đã báo cáo mà không có lí do chính đáng, thẩm phán phải chịu trách nhiệm.
Tính từ tháng 5 đến tháng 9-2021, TAND hai cấp TP HCM có 30 công chức, người lao động mắc Covid-19. Bên cạnh đó, 49 thân nhân công chức, người lao động ngành tòa án TP mắc bệnh, tử vong vì Covid-19.
TAND TP HCM đã lập danh sách những trường hợp tử vong, đề nghị Quỹ Tình nghĩa TAND xem xét hỗ trợ đúng luật định.
Di Lâm/nld.com.vn
https://nld.com.vn/phap-luat/ke-hoach-lon-cua-nganh-toa-an-tp-hcm-20220131151950898.htm