Gần đây, ở nhiều địa phương trong cả nước xảy ra các vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Đặc điểm chung trong những vụ án này là hung thủ ra tay sát hại nhiều người với hành vi dã man, tàn độc và nguyên nhân của các vụ việc đều là do các mâu thuẫn xã hội tưởng chừng như rất “nhỏ nhặt” như: vay nợ tiền, tranh chấp đất đai, say rượu, ghen tuông, gây tiếng ồn, không bằng lòng với “lời ăn tiếng nói”…
Ảnh minh họa: Bắt giữ đối tượng giả danh công an. (Nguồn: CAND)
Mới đây nhất, một vụ án mạng đau lòng xảy ra tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) làm hai người chết và một người bị thương nặng. Trước đó, tháng 7/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1962, trú tại quận Hà Đông) mức án 15 năm tù vì tội giết người. Do bất đồng trong sinh hoạt cho nên hai gia đình đã có mâu thuẫn nhỏ với nhau dẫn đến việc Chung đã dùng dao chém hai người hàng xóm, khiến cả hai thương tích nặng phải đi cấp cứu.
Thống kê của Bộ Công an từ năm 2014 đến 2019 cho thấy, toàn quốc xảy ra 6.850 vụ án giết người, trong đó có 6.571 vụ do nguyên nhân xã hội (chiếm 95,9%). Số vụ án giết người có năm tăng, năm giảm, nhưng luôn ở mức cao, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.140 vụ, trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng ba vụ án giết người. Nguyên nhân sâu xa của những vụ trọng án là do có sự tác động lớn của mặt trái kinh tế thị trường, vì lợi ích vật chất có thể làm bất cứ việc gì kể cả hành vi phạm pháp.
Bên cạnh đó, sự tác động của văn hóa phẩm độc hại, phim ảnh bạo lực trên mạng xã hội cũng làm một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ bị ảnh hưởng dẫn đến những hành vi phạm tội nguy hiểm. Ngoài ra, công tác xã hội tại từng thôn, xóm, tổ dân phố của các đoàn thể, chính quyền, lực lượng công an có nơi còn chưa sâu, chưa sát. Bởi lẽ, trước khi xảy ra các vụ trọng án có nguyên nhân xã hội, thường giữa hung thủ và nạn nhân đã xuất hiện những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày. Nếu nắm được thông tin kịp thời thì chỉ cần tổ trưởng tổ dân phố hoặc chi hội trưởng hội phụ nữ cũng có thể làm công tác hòa giải, ngăn chặn, tránh để mâu thuẫn bị đẩy cao lên tới mức gây ra tranh chấp, xô xát.
Đặc biệt, lực lượng cảnh sát khu vực, công an viên tại các xã, phường đóng vai trò cực kỳ quan trọng tại mỗi cấp cơ sở. Để ngăn chặn hiệu quả những vụ trọng án, cảnh sát khu vực, công an viên phải làm tốt công tác quản lý địa bàn, di biến động dân cư, nắm tình hình, phát hiện, tiếp nhận, giải quyết sớm, triệt để các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay từ ban đầu. Có mặt kịp thời tại hiện trường khi nhận tin báo dù chỉ là vụ việc nhỏ như: hàng xóm cãi nhau, hát karaoke, mở nhạc âm thanh lớn gây ồn, vứt rác gây ảnh hưởng hàng xóm, khu dân cư… để có phương án phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm an ninh, trật tự cho người dân.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức phòng ngừa tội phạm; kết hợp giữa tuyên truyền chung và tuyên truyền cá biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người. Về phía người dân, cũng cần phải nâng cao ý thức tự giác, có lối sống văn minh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, trong sinh hoạt đời sống cùng nhau vận động người dân sống hòa bình, bác ái và kịp thời phản ánh những vụ việc mâu thuẫn trong khu dân cư tới cơ quan chức năng để lực lượng chức năng tại cơ sở kịp thời xử lý.
LÊ TÚ/nhandan.vn