Ngày 18/3, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các cơ quan đối tác phía Việt Nam (Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) tổ chức Hội nghị xác định các vấn đề ưu tiên Dự án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam", giai đoạn 2021-2025 do JICA hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và đối tác chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các chuyên gia thuộc các cơ quan pháp luật của Nhật Bản trong việc phối hợp với các đối tác Việt Nam triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án.
Thứ trưởng đánh giá cao việc các cơ quan có thẩm quyền của hai bên đã vượt qua nhiều khó khăn và trở ngại khách quan do đại dịch COVID-19 trong năm 2021 để cơ bản hoàn thành giai đoạn I của Dự án với nhiều kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, đại diện lãnh đạo các cơ quan đối tác của Dự án đã ký và thông qua Bộ Quy tắc và hướng dẫn thực hiện Dự án (Guidelines) tại Phiên họp Uỷ ban điều phối chung Dự án-JCC lần thứ nhất vào ngày 30/9/2021; hoàn thành gần trọn vẹn Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Dự án và chỉ còn duy nhất một hội thảo của Ban Nội chính Trung ương chưa được tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, việc triển khai hoạt động năm 2021 đã đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện Kế hoạch năm 2021 là hoàn thành trước 30/3/2022 như cam kết của hai bên tại JCC lần thứ nhất.
Thứ trưởng đề nghị, tại Hội nghị, cả hai phía cùng chủ động, thẳng thắn thảo luận về những đề xuất định hướng các vấn đề ưu tiên làm cơ sở để thành lập các Nhóm công tác tại các cơ quan đối tác.
Những đề xuất cần có tính tổng thể, có sự gắn kết lẫn nhau và bám sát các mục tiêu đã đề ra trong dự án, một mặt gắn liền với chức năng, thẩm quyền của cơ quan đối tác, mặt khác phải bám sát các chủ trương, định hướng cơ bản của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Giáo sư Morishima Akio, Đại học Nagoya - người định hình các chương trình hợp tác pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan đối tác tham gia Dự án với đội ngũ chuyên gia dài hạn của Dự án nói riêng cũng như các cơ quan pháp luật và tư pháp của Nhật Bản để hoàn thành có hiệu quả và có chất lượng Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Dự án.
Bên cạnh đó, hai bên cũng bước đầu tổ chức một số cuộc họp để trao đổi về những định hướng ưu tiên làm cơ sở để thành lập các Nhóm công tác tại các cơ quan đối tác của Dự án.
Giáo sư Morishima Akio mong muốn hai bên sẽ tiếp tục cùng nhau triển khai thực hiện các hoạt động năm 2022, sớm thống nhất và phê duyệt những định hướng ưu tiên, đảm bảo tiến độ theo Văn kiện Dự án cũng như cam kết của hai bên tại các văn bản đã ký kết.
Bên cạnh việc thống nhất các định hướng ưu tiên, Giáo sư cũng rất kỳ vọng đội ngũ cán bộ tham gia các Nhóm công tác tại các cơ quan đối tác sẽ là nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp Việt Nam có chuyên môn sâu, là hạt nhân nòng cốt trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan đối tác tham gia Dự án và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã nêu một số đề xuất về các định hướng ưu tiên của bộ, ngành mình trong giai đoạn II của Dự án cũng như dự kiến đội ngũ cán bộ, chuyên gia tham gia các Nhóm công tác tại các cơ quan để triển khai, thực hiện các định hướng ưu tiên.
Kết thúc Hội nghị, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi chuyên sâu về những đề xuất định hướng tại Phiên họp Uỷ ban điều phối chung Việt Nam - Nhật Bản lần thứ hai, dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 3/2022 tại Hà Nội.
Lê Sơn/baochinhphu.vn