Người dân Trung Phi tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới. Nauru có nhiều người béo nhất thế giới. Nga có diện tích lớn và tiếp giáp 14 nước, tuy nhiên vẫn xếp sau nước Pháp về số lượng múi giờ trên lãnh thổ.
Trung Quốc và Nga có lãnh thổ trải dài nên tiếp giáp nhiều quốc gia nhất, cả hai đều chung biên giới với 14 nước. Bratislava (Slovakia) là thủ đô duy nhất tiếp giáp với hai quốc gia là Áo và Hungary.
Tuy nhiên Pháp mới là nước có nhiều múi giờ nhất. Nếu như tính cả những lãnh thổ hải ngoại thì quốc gia Tây Âu có đến 12 múi giờ. Ở Pháp có một khách sạn nhỏ tên là Hotel Arbez – nhà trọ duy nhất trên thế giới nằm trên hai quốc gia Pháp và Thuỵ Sĩ. Đường biên giới cắt qua căn nhà này, chia cầu thang, phòng nghỉ và thậm chí cả một chiếc giường ngủ thành hai nơi. Đôi khi, du khách tuy ngủ ở Pháp nhưng phải đi vệ sinh ở Thuỵ Sĩ.
Một chiếc giường trong khách sạn Arbez nằm giữa Pháp và Thuỵ Sĩ.
Một quốc gia láng giềng với Pháp sở hữu cái tên dài nhất trong số các nước: The United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland). Hộ chiếu New Zealand đang giữ vị trí "quyền lực" nhất thế giới, được miễn thị thực hoặc cấp thị thực khi nhập cảnh tới 129 quốc gia. Trong khi đó đứng bét bảng là hộ chiếu Afghanistan, chỉ có 26 quốc gia cho phép công dân nước này nhập cảnh mà không cần thị thực.
Mexico là nơi mức tiêu thụ đồ uống có ga trên đầu người cao nhất thế giới, tuy nhiên nơi nhiều người béo nhất thế giới lại là Nauru. Tại châu Âu, quốc gia nhiều người béo nhất là Malta – nơi mọi người rất thích ăn bánh. Bỉ là nước nổi tiếng nhất về chất lượng sô cô la và lượng sô cô la được bán ra ở sân bay Brussels thường cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới – khoảng 2 tấn mỗi ngày. Không đón đông khách như Bỉ, Tuvalu là quốc gia ít được du khách ghé thăm nhất, chỉ khoảng 2.000 lượt người mỗi năm.
Ở Papua New Guinea có tới 820 ngôn ngữ bản địa. Nguồn: Getty Images
Không như Tuvalu, Papua New Guinea là điểm đến du lịch rất hấp dẫn du khách nhờ sự đa dạng văn hoá. Ở đây có tới 820 ngôn ngữ bản địa, nhiều nhất trên thế giới. Cũng liên quan tới những bộ lạc, hiện nay chỉ ở Brasil mới còn những nhóm người sống cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, trong rừng rậm Amazon. Tuy nhiên số lượng này đang giảm dần, vì diện tích sống của họ bị thu hẹp và rừng bị tàn phá.
Cuộc sống ở Amazon xem ra nguy hiểm hơn ở Tokyo. Đây được đánh giá là thành phố an toàn nhất thế giới, dựa trên hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, y tế và an ninh. Nhưng Nhật Bản lại là nơi chịu nhiều thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, còn Qatar thì rất an toàn theo phương diện này. Hiện nay, núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới nằm tại Hawaii, nó phun trào liên tục kể từ năm 1983.
Qatar là quốc gia an toàn và người dân có mức lương tháng trung bình cao nhất thế giới. Nguồn: Wikimedia
Nói về sự nguy hiểm, nếu không tính những vùng chiến sự thì những thành phố chết chóc nhất là Tijuana và Acapulco (Mexico), vì các băng đảng ma tuý thống trị ở 2 thành phố này. Ở Ấn Độ cũng không an toàn hơn là bao, đặc biệt là khi lái xe trên đường. Năm 2019 quốc gia này ghi nhận gần 150.000 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông. Còn nơi giao thông an toàn nhất là Na Uy, chỉ có 110 người chết vì tai nạn năm 2019.
Ở Cộng hoà Trung Phi không nhiều phương tiện giao thông đến vậy, nhưng người dân lại có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới, chỉ trung bình 53 tuổi. Dù vậy cũng đã có sự tiến bộ, khi con số năm 2007 của quốc gia này chỉ là 43, vì sự bất ổn chính trị và bạo lực kéo dài. Người dân Hồng Kông có độ tuổi trung bình cao nhất, lên tới 85,29 tuổi. Cũng liên quan đến sức khoẻ, Cuba là quốc gia kiếm được nhiều tiền nhất nhờ dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và cho thuê ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của Cuba làm việc tại quốc gia khác.
Cuba có nguồn thu lớn nhất từ việc cho thuê nhân viên y tế. Ảnh: AFP
Người dân ở Cộng hoà Dân chủ Congo không kiếm được nhiều tiền như người Cuba. Đây là quốc gia nghèo nhất hành tinh: hơn 80% dân số sống với mức thu nhập dưới 1,25USD/ngày mặc dù quốc gia này không thiếu tài nguyên thiên nhiên. Ở Qatar, người dân có mức lương tháng trung bình cao nhất thế giới - hơn 5.400USD/tháng. Cư dân Tokyo tuy không nhận lương cao đến vậy, nhưng lại sống ở nơi đắt đỏ bậc nhất hành tinh. Ở đây nổi tiếng với cước taxi sân bay đắt nhất thế giới, khoảng 200USD để di chuyển từ sân bay Narita vào trung tâm Tokyo. Thật may là Leigh Purnell, Paul Archer và Johno Ellison không sử dụng dịch vụ này. Đây là những người đã lập kỷ lục Guiness về vòng quanh thế giới bằng taxi, với quãng đường gần 70.000km. Bắt đầu từ London, họ trở về điểm xuẩt phát với mức phí theo đồng hồ khoảng 79.000GBP, sau hành trình dài 15 tháng./.
Taxi ở sân bay Narita (Nhật Bản) có cước phí đắt nhất thế giới. Nguồn: Shutterstock
Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/nhung-quoc-gia-doc-dao-nhat-tren-ban-do-du-lich-the-gioi-816899.vov