Đánh thức tiềm năng “viên ngọc xanh Ba Bể”

Thứ 6, 13.11.2020 | 14:09:29
895 lượt xem

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2020-2025, đưa du lịch Ba Bể trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của địa phương, Bắc Kạn sẽ làm gì để “đánh thức” tiềm năng, phát huy lợi thế?

Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn được ví như “viên ngọc xanh” giữa núi rừng Việt Bắc. Thế nhưng, nhiều năm qua tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đúng mức. 

Hồ Ba Bể được ví như "Viên ngọc xanh" giữa núi rừng nhưng chưa được "đánh thức" tiềm năng du lịch.

Dịch Covid-19 mới tạm lắng xuống, chị Nguyễn Mỹ Dung và anh Hoàng Anh Quyết từ tỉnh Hưng Yên đã quyết định cùng một số người bạn lựa chọn một tour du lịch đến hồ Ba Bể. Ấn tượng với phong cảnh mây núi nên thơ, lãng mạn cũng đầy hoang sơ của một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới giữa đại ngàn, nhưng anh chị vẫn không khỏi băn khoăn: "Ở đây phong cảnh phải nói là rất đẹp, nhưng đi lại khó quá. Tôi đi từ thành phố Bắc Kạn lên có 70 cây số mà khoảng gần 2 tiếng mới đến bờ hồ. Còn từ cổng chào theo quanh hồ, đến bản du lịch Pác Ngòi có mấy km cũng mất tận 40 phút mà có chỗ ổ gà, ổ trâu xe ô tô gầm thấp còn không qua được".

Công nhận là phong cảnh ở đây thì rất ấn tượng, nhưng mà các điểm vui chơi, ăn nghỉ còn ít. Bọn tôi cũng chỉ ngắm cảnh quanh hồ, đi thuyền trên sông rồi quay về luôn. Như thế thì hơi đơn điệu.

Tỉnh Bắc Kạn quyết tâm đến 2025 sẽ hoàn thiện việc nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ du lịch Ba Bể.

Phong cảnh đẹp nhưng hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn nghỉ, giải trí hạn chế. Đó cũng là ý kiến chung của hầu hết du khách khi đến với khu du lịch hồ Ba Bể. Năm 2019, năm Ba Bể đón lượng khách du lịch lớn nhất cũng chỉ đạt hơn 530 nghìn lượt người.  

Tháo gỡ khó khăn về giao thông được ưu tiên đầu tiên. Ông Trịnh Đình Sính, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dồn lực để mở mới và nâng cấp, cải tạo 3 tuyến đường phục vụ du lịch. Trong đó, mở mới đường từ thành phố Bắc Kạn lên thẳng hồ Ba Bể với vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng. Khi hoàn thành, con đường đến hồ Ba Bể sẽ rút ngắn một nửa so với trước đây. 

"Tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể đã được UBND tỉnh phê duyệt với quy mô cấp III miền núi. Tuy nhiên, sau khi tuyến này hoàn thành việc kết nối với hệ thống đường quanh hồ Ba Bể vẫn chưa tốt, do đó, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục xây dựng thêm 2 tuyến đường. Thứ nhất là tuyến xung quanh hồ Ba Bể (vốn đầu tư khoảng 145 tỉ đồng). Thứ hai là tuyến từ xã Quảng Khê (huyện Ba Bể) đến xã Khang Ninh (huyện Ba Bể) chiều dài 16km, mức đầu tư 439 tỉ đồng. Sau khi các tuyến này hoàn thành việc đi lại từ địa phương khác đến Ba Bể thuận tiện và đảm bảo thông suốt", ông Trịnh Đình Sính cho biết. 

Khai thác các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống sẽ là một hướng đi được xác định nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch

Ngoài cảnh đẹp hữu tình, Ba Bể còn có các bản làng người Tày, Mông nằm ven hồ với truyền thống văn hóa lâu đời. Đến Ba Bể du khách có thể thưởng thức ẩm thực với các món ăn như xôi nếp cẩm, bánh dầy, cơm lam, cá hồ, tép chua, măng khô hay hay hòa mình vào các tiết mục văn nghệ như múa khèn, điệu then, tiếng tính…Các hoạt động này còn mang tính tự phát, du khách chưa thực sự được được trải nghiệm các hoạt động như chế biến ẩm thực, dệt thổ cẩm, trồng ngô, thu hoạch lúa hay đánh cá bằng thuyền độc mộc…vốn là những đặc trưng trong đời sống người dân nơi này. Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết, du lịch sinh thái gắn trải nghiệm văn hóa đặc thù sẽ là một trong những hướng đi chủ đạo của du lịch Ba Bể: "Bắc Kạn đã phê duyệt đề án du lịch đặc trưng của tỉnh và huyện Ba Bể sẽ có kế hoạch xây dựng đề án khai thác, bảo quản các di sản văn hóa ở hồ Ba Bể phục vụ du lịch. Đặc biệt là Bắc Kạn đang nỗ lực phối hợp cùng tỉnh Tuyên Quang để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản Ba Bể - Na Hang thành di sản thiên nhiên thế giới".

Tuy vậy, trước mắt Bắc Kạn cần sớm có giải pháp giải quyết tình trạng người dân tự ý xây dựng các công trình nhà ở, khách sạn làm phá vỡ cảnh quan môi trường cũng như các giá trị văn hóa truyền thống vùng hồ Ba Bể

Lợi thế của Ba Bể chính là nằm trong quần thể Vườn Quốc gia với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Ngoài hồ Ba Bể, Sông Năng, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, động Hua Mạ, mới đây, hang Thẳm Phầy mới phát hiện tại xã Hoàng Trĩ được ví như một Sơn Đoòng mới của Việt Nam, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho du khách ưa thích khám phá. Bên cạnh đó, việc tỉnh lộ 254 từ vùng ATK Chợ Đồn đến hồ Ba Bể mới hoàn thành cũng đã tạo ra kết nối giữa 2 vùng này với du lịch ATK các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Để đón các nhà đầu tư, tỉnh Bắc Kạn đang gấp rút hoàn thiện quy hoạch chi tiết xây dựng du lịch Ba Bể tỉ lệ 1/500. Đầu tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn cũng đã chính thức ra mắt. Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Với trọng tâm là du lịch Ba Bể, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thêm cơ chế chính sách để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng, phát triển du lịch, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, dịch vụ để phục du du khách tốt hơn. Thứ hai nữa là đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, quê hương, cảnh đẹp Bắc Kạn với du khách trong nước và quốc tế".

Với một cơ chế thu hút đầu tư rõ ràng, Bắc Kạn đang đánh thức tiềm năng của “Viên ngọc xanh Ba Bể”, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần 12- biến du lịch Ba Bể thành mũi nhọn kinh tế trong thời gian tới./.


Công Luận - Thành Nam/VOV.VN

https://vov.vn/du-lich/danh-thuc-tiem-nang-vien-ngoc-xanh-ba-be-817061.vov

  • Từ khóa