Tìm lại nhộn nhịp Phố Hiến xưa

Thứ 7, 14.11.2020 | 10:21:22
585 lượt xem

Nhiều tiềm năng về du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, lại có lợi thế là gần các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, nhưng du lịch của Hưng Yên đến nay vẫn chưa thể bứt phá.

Nhiều doanh nghiệp du lịch đã góp ý để vùng đất của thương cảng Phố Hiến xưa có thể vươn mình khỏi “giấc ngủ đông” và trở thành một điểm đến lý tưởng xứng đáng với tiềm năng vốn có, tại Hội nghị xúc tiến điểm đến và kích cầu du lịch Hưng Yên 2020.

Du khách tham quan đền Chử Đồng Tử.

Du khách tham quan đền Chử Đồng Tử.

Giàu tiềm năng nhưng chưa khai phá hết

So với nhiều địa phương khác, Hưng Yên có số lượng di tích dày đặc, với rất nhiều di tích quan trọng, được đánh giá cao cả về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật…

Toàn tỉnh có 1.802 di tích, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, di tích quốc gia đặc biệt chùa Thái Lạc), ba bảo vật quốc gia, 172 di tích cấp quốc gia, 250 di tích, cụm di tích cấp tỉnh.

Hưng Yên còn sở hữu cụm di tích độc đáo liên quan đến tín ngưỡng thờ Tứ Bất Tử của Việt Nam. Đó là cụm đền Đa Hòa, đền Chử Đồng Tử và bãi Dạ Trạch, liên quan đến truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử mà cho đến nay vẫn còn thu hút rất đông du khách đến tham quan. 

Đón du khách bằng làn điệu trống quân ở đền Đa Hòa.

Đón du khách bằng làn điệu trống quân ở đền Đa Hòa.

Cùng với hệ thống di tích phong phú và còn được giữ khá nguyên vẹn, Hưng Yên còn có tiềm năng lớn về du lịch nông nghiệp. Với nhiều vùng trồng cây chuyên canh từ rau, cây ăn quả đến dược liệu, với nhiều sản phẩm tên tuổi như cam Hưng Yên, gà Đông Tảo, dược liệu Nghĩa Trai, cây cảnh Văn Giang…, Hưng Yên vẫn thường đón những nhóm du khách nhỏ lẻ đến tham quan, mua sắm, chụp ảnh check-in ở quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, chưa một địa điểm chuyên canh nông nghiệp nào nào chính thức ký kết hay hợp tác với các đơn vị lữ hành, du lịch để xây dựng thành một điểm đến chính thức, có mặt trong tour - tuyến liên quan đến Hưng Yên. 

Đây là điều khá đáng tiếc khi Hưng Yên sở hữu “vị trí vàng” trong giao thông tới các tỉnh, thành phố phía bắc như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình… Thuận lợi trong cả loại hình nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, thậm chí là du lịch chữa bệnh… 

Tuy nhiên, một trong những điểm yếu mà Hưng Yên vẫn chưa khắc phục được, là thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng du lịch, về đội ngũ lao động du lịch chuyên nghiệp, điều mà các doanh nghiệp cần hơn cả, nhất là trong bối cảnh người dân đi du lịch trong nước nhiều hơn do Covid-19, và yêu cầu của du khách hiện nay ngày càng cao hơn trước.

Hướng dẫn viên thuyết minh tại đền thờ Mẫu.

Hướng dẫn viên thuyết minh tại đền thờ Mẫu.

Chính vì vậy, du lịch Hưng Yên đến nay vẫn chưa thể bứt phá lên mạnh mẽ, giống như thương cảng Phố Hiến xưa nay chỉ còn là cái tên lặng lẽ. 

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hưng Yên, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 10-15%. Năm 2019, Hưng Yên đón khoảng 1 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 220 tỷ đồng. Trong số hơn 1 triệu khách này, chỉ có hơn 20.000 khách quốc tế, chưa xứng với tiềm năng.

Tìm cách vực dậy du lịch Hưng Yên

Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã đóng góp ý kiến chân thành về những việc mà Hưng Yên cần làm, cần sửa để có thể đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. 

Một số doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, Hưng Yên thiếu các sản phẩm du lịch chủ chốt. Có “bột”, nhưng chưa “gột nên hồ”. Ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho biết, ở một số điểm đến, như đền Đa Hòa, đã có giới thiệu hát trống quân nhưng lại chưa chuẩn bị kỹ, chưa cho khách thưởng thức phần hay nhất là chơi trống, các sản phẩm liên quan đến du lịch nông nghiệp chưa phong phú. Thí dụ, đến vườn cam thì chỉ mua cam, hái cam, ăn cam…, ngoài ra không có bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào khác cho khách trải nghiệm. Ở trại gà Đông Tảo, ngoài ngắm gà và ăn thịt gà ra, du khách cũng không có thêm trải nghiệm gì. 

Du khách tham quan vườn cam.

Du khách tham quan vườn cam.

Chung ý kiến này, một đại diện doanh nghiệp du lịch khác là ông Ngô Quốc Vinh chia sẻ, Hưng Yên thiếu cả về dịch vụ lưu trú lẫn giải trí cho du khách nếu muốn ở lại. “Năm nào chúng tôi cũng có đoàn khách đến đây đi lễ, nhưng xong rồi lại về vì không có nhà hàng và cơ sở lưu trú. Thiếu cả nơi để tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể như gala hay team building. Thậm chí, khi khách đông, chất lượng phục vụ lại giảm. Vườn cam cũng vậy, khách chỉ có thể đến ngắm cam, ăn cam, không có gì hấp dẫn. Trong khi đó nhiều địa phương khác tổ chức các hoạt động quảng bá liên quan đến cam hoặc trái cây lại rất hấp dẫn, thí dụ như Hà Giang, Bắc Giang…”

Thiếu thông tin cũng là một điểm yếu mà du lịch Hưng Yên cần khắc phục. Đại diện của một công ty du lịch “sân nhà” là anh Trần Văn Mạnh, công ty du lịch Xuyên Việt cho rằng, nên có cổng thông tin du lịch để cung cấp cho du khác và các đơn vị lữ hành khác những thông tin hết sức cụ thể như nên đi những điểm nào, đi như thế nào, nếu cần thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống thì nên đến đâu…Anh Trần Văn Mạnh cũng cho rằng, cần có những điểm đặc sắc, điểm nhấn để làm hình ảnh cho du lịch Hưng Yên. 

Ông Vũ Văn Tuyên (Travelogy Việt Nam) cũng chung quan điểm này khi cho rằng, thông tin về du lịch Hưng Yên không được cập nhật. Nên cung cấp cho doanh nghiệp đầy đủ thông tin, hình ảnh để các doanh nghiệp có thể tương tác, hợp tác, tạo ra sản phẩm…

Với những lợi thế sẵn có về giao thông, hạ tầng, khả năng phát triển du lịch xanh, du lịch tâm linh…, nếu biết cách khai thác, thì việc trở thành một địa chỉ quen thuộc cho du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần của du khách không chỉ Hà Nội, Hải Phòng, mà còn cả các tỉnh lân cận khác sẽ trong tầm tay của du lịch Hưng Yên./.


Theo VOV.VN

https://vov.vn/du-lich/tim-lai-nhon-nhip-pho-hien-xua-817204.vov

  • Từ khóa