Lữ hành vượt bão Covid-19: Cả đoàn tàu phải cùng đi

Chủ nhật, 15.11.2020 | 15:36:16
616 lượt xem

Các doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng vào vai trò đầu tàu và sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, sau khi đã nỗ lực "xoay sở" mọi phương pháp, nguồn lực để tồn tại.

Hữu Liên (Lạng Sơn) là điểm đến mới của năm 2020.

"Một đồng cũng quý, một khách cũng quý"

Gánh nặng chi phí vận hành và biên độ lợi nhuận thấp khiến cho nhiều đơn vị phải "nằm im chờ thời" - tức là dừng hoạt động để bảo toàn vốn, chờ khi thị trường phục hồi sẽ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều công ty lữ hành lựa chọn thích nghi và chuyển đổi để tiếp tục được làm nghề. 

Ông Phùng Gia Tuấn, Giám đốc công ty Khám phá Mỹ cho biết: "Với công ty lữ hành trong thời điểm này thì một đồng cũng quý, một khách cũng quý, không lãi nhiều thì lãi ít. Cả lãnh đạo và nhân viên công ty đều muốn tiếp tục làm nghề bởi nếu đóng cửa thì rất khó quay lại. Hiện nay công ty hoạt động cầm chừng để duy trì đội ngũ nhân viên, đồng thời xây dựng các sản phẩm cho những năm tiếp theo để thị trường mở đến đâu là đánh đến đấy. Đến khi thị trường phục hồi thì công ty có thể bung ra một cách nhanh nhất vì đã có sẵn sản phẩm và nhân lực; vì nhiều sản cao cấp cần mất 6 tháng đến 1 năm để xây dựng và đào tạo nhân viên".

Du khách nội địa trở thành thị trường chính của các công ty lữ hành tại Việt Nam. Ảnh: Rubicon Tous

Trong khi nhiều công ty cắt giảm nhân sự, công ty Rubicon Tours lại tuyển thêm người để làm việc. Lý giải về việc "kỳ lạ" này, Giám đốc Phạm Minh Khuê chia sẻ: "Công ty phải thay đổi và thích nghi. Trước đây công ty đón khách inbound thông qua các đối tác (B2B) nên đội ngũ nhân viên cũ rất ít kinh nghiệm làm việc trực tiếp với khách lẻ nội địa (B2C). Chính vì vậy, công ty phải tuyển thêm các nhân sự mới, song song với việc đào tạo lại nhân lực cũ để thích nghi với thị trường nội địa. Ngoài ra công ty cũng thực hiện chuyển đổi số để vận hành các kênh bán lẻ trực tiếp, đặc biệt chú trọng vào những điểm đến tại Hà Giang, Yên Bái, Ninh Bình".

Thử sức với những sản phẩm mới

Đóng cửa du lịch quốc tế vô tình giúp cho thị trường nội địa sôi động hơn với nhiều dịch vụ và điểm đến du lịch mới được khai thác. Nhiều điểm du lịch vốn ít được biết đến đã được phát hiện để mang đến trải nghiệm mới, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước. Nhiều doanh nghiệp cũng nhân dịp này thử sức với những sản phẩm "chưa từng làm".

Flytravel (Hà Nội) – một công ty chuyên làm outbound (đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài) đã tìm kiếm những điểm đến du lịch mới lạ gần Hà Nội để khai thác thị trường khách tại Thủ đô. Những địa danh như Hữu Liên (Lạng Sơn), Lục Ngạn (Bắc Giang), Quỳnh Nhai, Ngọc Chiến (Sơn La) đã biết đến nhiều hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu du khách tìm về thiên nhiên, tránh những nơi đông đúc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một số công ty lữ hành kết hợp thêm du lịch với giới thiệu nông sản địa phương. Nguồn: Mr Linh’s Adventures

Ông Nguyễn Tuấn Linh - Giám đốc công ty lữ hành Mr Linh’s Adventures (Bắc Kạn) cho biết, trong bối cảnh khó khăn thì kết hợp làm du lịch với quảng bá các mặt hàng nông sản là hướng đi mới để duy trì hoạt động công ty, góp phần hỗ trợ bà con miền núi tiêu thụ nông sản địa phương. “Chúng tôi cố gắng kết nối du khách đến các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để làm sao đưa các sản vật địa phương như trà xanh, mật ong rừng, bí thơm Ba Bể, dong riềng Na Rì…đến với khách du lịch trước tiên, sau đó là đến người tiêu dùng trên cả nước” – ông Linh chia sẻ.

Trong thời điểm không thể đón khách nước ngoài, công ty Tuan Thi Travel (Quảng Nam) bắt tay khởi động dự án du lịch thiện nguyện tại làng du lịch cộng đồng người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây vốn là sản phẩm chủ yếu dành cho khách quốc tế, nhưng được điều chỉnh lại để phục vụ khách nội địa. “Dịch Covid-19 giúp công ty có thêm thời gian để vận động bà con làm du lịch, hướng dẫn người dân cách phục vụ, nói tiếng Anh và khảo sát thêm các dịch vụ phụ trợ. Một tuần công ty chỉ phục vụ tối đa 60 khách. Giai đoạn này là thời gian chuẩn bị và truyền thông, hoàn thiện sản phẩm chờ hết dịch là bung ra đón khách” – ông Trương Anh Tùng, Giám đốc Tuan Thi Travel cho biết.

Làng du lịch cộng đồng người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nguồn: Tuan Thi Travel

Tại Buôn Ma Thuột, chàng trai 9x Phạm Hoài Nguyên Anh mạnh dạn thay đổi từ xuất khẩu cà phê sang đón khách du lịch. “Đặc sản của Đắk Lắk chính là cà phê. Du khách sẽ được thăm vùng nguyên liệu, trải nghiệm quy trình sản xuất hữu cơ, học cách phân biệt, cách pha các loại cà phê và cách thưởng thức ly cà phê đúng điệu. Cảm nhận cà phê bằng nhiều giác quan khác nhau sẽ là trải nghiệm mới lạ chỉ có ở Đắk Lắk”.

Mô hình mới về tham quan quy trình sản xuất và pha chế cà phê tại Đắk Lắk.

Mong muốn nhà nước là đầu tàu

Xu hướng liên minh, liên kết cũng được các công ty lữ hành đẩy mạnh để vượt qua khó khăn. Đây là mô hình không mới, nhưng trong giai đoạn này vì sự tồn tại nên chất lượng, giá thành sản phẩm được giám sát chặt chẽ hơn. "Việc liên kết, liên minh nhiều hơn để ghép khách, giảm thiểu chi phí phát sinh và giảm khó khăn. Các công ty cùng bán một sản phẩm, đưa ra khung chất lượng chung và có cơ chế quản lý, đảm bảo giá thành, uy tín và ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau để đảm bảo quyền lợi cho du khách" – ông Phùng Gia Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, khi các công ty lữ hành đã kết thành "một đoàn tàu" thì nhà nước phải đóng vai trò là đầu tàu. "Doanh nghiệp lữ hành rất cần sự hỗ trợ và dẫn dắt của nhà nước. Những chính sách như giãn đóng bảo hiểm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá xăng cho đơn vị vận chuyển hay giảm vé tham quan, dịch vụ…sẽ thực sự "cứu" doanh nghiệp trong thời điểm này. Ngoài ra, những kiến nghị của doanh nghiệp cần phải được giải đáp, đặc biệt là làm sao để chính sách từ Trung ương có tác dụng và lan toả đến các cấp địa phương. Khi các bên đồng lòng và chính sách đồng bộ thì cả đoàn tàu mới cùng đi được" – ông Phùng Xuân Khánh – Giám đốc Tiên Phong Travel chia sẻ.

Sau Covid-19, du khách có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, tìm đến thiên nhiên. Ảnh: Rubicon Tous

Giám đốc Rubicon Tours – ông Phạm Minh Khuê kỳ vọng sự hỗ trợ nhiều hơn của cơ quan quản lý: “Các doanh nghiệp sẽ đi vững hơn, nhanh hơn khi có sự đồng hành của chính quyền địa phương". Nếu các điểm đến được truyền thông tốt, du khách sẽ quay trở lại và doanh nghiệp du lịch có nhiều cơ hội để phục hồi và tồn tại đến khi hết dịch, thay vì phải đóng cửa tạm thời, hoặc thậm chí đóng cửa vĩnh viễn để làm những công việc khác. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Phùng Xuân Khánh đề nghị Tổng cục Du lịch phải phát huy vai trò, cùng với các địa phương tạo thêm nhiều sự kiện để du khách quan tâm, đi du lịch, kích thích hoạt động du lịch sôi động trên cả nước. "Không chỉ thúc đẩy khách nội địa, cần khuyến khích mạnh những chuyên gia, người nước ngoài làm việc ở Việt Nam đi du lịch, trải nghiệm các điểm đến trong nước; đặc biệt là đại diện các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán. Đây chính là kênh truyền thông hữu hiệu, lan toả tới người dân quốc gia của họ về hình ảnh Việt Nam an toàn, hấp dẫn; thu hút khách quốc tế quay lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh" – ông Khánh đề xuất./.

Các doanh nghiệp lữ hành khảo sát sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Đắk Lắk.


Hải Nam/VOV.VN

https://vov.vn/du-lich/lu-hanh-vuot-bao-covid-19-ca-doan-tau-phai-cung-di-817401.vov

  • Từ khóa