Nằm kẹp giữa hai dãy núi cao Hoàng Liên Sơn (phía Đông) và Pu Sam Cáp (phía Tây), dọc theo quốc lộ 4D, thành phố Lai Châu mấy năm gần đây trở thành điểm dừng chân thú vị của nhiều du khách.
Thành phố cao nguyên miền Tây Bắc - Lai Châu được thành lập từ ngày 27/12/2013. Tôi đã nhiều lần qua lại vùng đất này, từ khi nó còn là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu cũ (bao gồm cả tỉnh Điện Biên ngày nay). Khi Lai Châu chia làm hai, thị xã tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu mới được chuyển về đây, rồi toà ngang dãy dọc được dựng xây, đường xá phong quang, nhà cửa mọc lên san sát, cũng chỉ lướt qua mà không có dịp nghỉ lại. Cho đến đầu tháng 5/2020, trong chuyến đi Mường Tè (thuộc tỉnh Lai Châu) mới thực sự được hưởng trọn vẹn một đêm yên tĩnh ở thành phố trẻ này.
Bạn bè rủ nhau ra phố, loanh quanh mấy đoạn đường gần khu vực quảng trường lớn và công viên, nơi có hồ nước rộng trong vắt, ban đêm đèn trang trí thắp sáng như ngày hội. Ngồi trên vỉa hè thoáng mát rộng rãi, thong thả thưởng thức các loại mát-cha - sản phẩm của cây chè Lai Châu. Các bạn đồng nghiệp hồ hởi khoe rằng giờ đây thương hiệu chè “Mát-cha Tam Đường” đã trở nên nổi tiếng. Những búp chè sạch sản xuất theo công nghệ Nhật Bản chắp cánh cho hai tiếng “Lai Châu” bay xa.
Đường vào bản Sùng Phài, Lai Châu.
Đêm thành phố thanh bình quá. Xe máy để trên vỉa hè không cần khoá. Những chiếc xe máy, ô tô ngược xuôi trên đường, gặp tín hiệu đèn đỏ là dừng lại dù đoạn đường rộng rãi, vắng tanh. Những camera giao thông đặt ở các ngã tư đường làm thay công việc người cảnh sát. Ngoài những thương hiệu cà phê, nước giải khát nổi tiếng phổ biến ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… thành phố Lai Châu tự hào có thêm các lọai chè và trà chính hiệu Lai Châu, không thua kém bất cứ đất chè nào ở toàn quốc.
Nhưng cái không gian thưởng trà còn là điều quan trọng hơn và không phải ở nơi nào cũng có được. Mà thành phố Lai Châu thì có.
Tối 2/12/2020, thực hiện lời hứa quay trở lại, tôi được bạn bè dẫn lên một không gian thưởng trà thật tuyệt diệu: “Tam Đường TEA” ở lưng chừng dốc Nùng Nàng. Dù trời lạnh và sương rơi ướt vai áo, nhưng ai cũng muốn ngồi ở ngoài trời để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Lai Châu lung linh huyền ảo bên dưới. Nam thanh nữ tú cũng nhiều và quả thật, chỉ khi mấy cô cậu thốt ra thành lời mới biết rằng có không ít con em đồng bào bản địa, người Thái, người Mông… có mặt nơi đây. Và người Thái Bình nữa chứ! Gặp rất nhiều dân Thái Bình, con em của những cư dân Thái Bình lên xây dựng Tây Bắc những năm 60-70 của thế kỷ trước. Rồi người vùng trung du phía Bắc, người miền Trung, và cả dân Nam Bộ thứ thiệt cũng tìm đến vùng đất mới này.
Vậy mà thành phố vẫn vắng, gần 100 km2 chỉ hơn 40.000 dân. Một bạn trẻ thốt lên: "thành phố vắng như Hà Nội sáng mùng một Tết". Hơi ích kỷ, tôi yêu cái thanh vắng của thành phố này và ước ao “Lai Châu phố” sẽ có mật độ cư dân vừa phải, để sống và chia sẻ. Kiểu như khi chúng tôi vào một quán ăn nhỏ, thấy thực khách “ngần ngại” không muốn dùng nguyên một chai rượu, cô chủ quán đon đả rót rượu ra mấy chén con “em mời các bác cho thơm miệng”…
Một đoạn đường vào bản Sin Chải và Sùng Phài (xã Sùng Phài)
Thực sự tôi “yêu” thành phố này. Thành phố với những đường phố và vỉa hè rộng, vắng lặng, cây xanh rợp bóng. Thành phố có những công dân trẻ chăm chỉ với công việc của mình. Đa phần cán bộ, công chức, viên chức làm tại các cơ quan doanh nghiệp… là người trẻ tuổi. Rất ít cảnh người “ăn không ngồi rồi” vào những giờ đáng phải đi làm. Và vì “yêu” nó nên tôi vẫn muốn tìm hiểu rằng bà con các dân tộc thiểu số trong vùng có thực sự được hưởng những “thành quả” này không? Để khỏi bị phê gần phê xa rằng “thành phố chỉ dành cho người dưới xuôi”, còn cư dân bản địa, người Thái, Người Mông, Người Dao, người Giáy… không được sung sướng như thế.
Gặp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Lương Chiến Công, tôi nói thẳng những băn khoăn của mình. Chủ tịch Lương Chiến Công nói ngay rằng bây giờ tìm những bản Thái thật khó, vì người Thái đã sống hoà quyện với người Kinh và thành phố đang lo rằng những sinh hoạt đậm chất văn hoá Thái đang dần mai một đi. Tôi ngỏ ý muốn đi đến mấy bản người Mông thuộc xã Sùng Phài vốn thuộc huyện Tam Đường, mới chuyển về thành phố đầu năm 2020. Đó là các bản Sùng Phài, Sin Chải, Can Câu, Trung Chải, Tả Chải, Suối Thầu A, Suối Thầu B, Củ Nha La. Nghe nói đường đi khó lắm…
“Vậy ta bắt đầu từ nơi đường xá thuận tiện nhé”. Chủ tịch Công mời và giao Đỗ Văn Khoa, một cán bộ trẻ ở Ban quản lý các dự án thành phố Lai Châu, dẫn đi. Theo đường Võ Nguyên Giáp, chúng tôi rẽ vào con đường bê tông, men theo các bản làng, đồng ruộng mà đi, mùa này hoa cúc quỳ vàng rực trên mọi nẻo đường. Đang là mùa khô, lại gặp mấy hôm trời không mưa, nhưng các vệt cây vệt hoa sạch bong. Không khí trong lành quá.
Qua đoạn ngã ba lối rẽ vào tỉnh lộ 129 đi Sìn Hồ, chúng tôi đến bản Gia Khâu 1. Các nhà đều vắng người. Trong sân mỗi nhà đều có những đống củi khô được che đậy cẩn thận. Đó là củi dùng cho mùa đông. Thuận đà, xe chúng tôi chạy tới sát chân núi, nơi có đường lên khu vực hang động thuộc dãy núi Pu Sam Cap và là điểm mà khách du lịch hay lui tới.
Một ngôi nhà nhỏ là nơi làm việc của “Ban quản lý” khu du lịch. Gọi là “ban” cho oai, thực ra chỉ có hai chị em. Lúi húi dọn dẹp ngoài vườn, Dì Thị Lan một trong 2 người trong ban nghe tiếng chúng tôi hỏi, mới tạm dừng công việc, đon đả mời chúng tôi vào nhà. Nghe chừng đã quen với khách lạ, mấy con đà điểu cao to nuôi trong vườn kêu thành tiếng, quanh quẩn gần hàng rào ý chừng mong được cho ăn.
Ngôi nhà của vợ chồng anh Thào A Cá (bản Gia Khâu 1) đón khách du lịch.
Dì Thị Lan kể: bản Gia Khâu 1 chủ yếu là người Mông từ Phong Thổ về định cư ở đây đã lâu, thuộc xã Nậm Loỏng. Nay nhập vào với mấy bản người Mông ở Tam Đường mới về thành phố, mang tên là xã Sùng Phài. Mấy năm gần đây, ngoài làm ruộng, bà con còn phát triển các điểm du lịch cộng đồng, đón khách du lịch tới ăn nghỉ tại nhà. Dĩ nhiên đường xá được đổ bê tông quang đãng sạch sẽ. Chuồng nuôi gia súc phải dời xa nhà ở. Đoạn đường nào cũng có xe đựng rác. Nhà phải có hệ thống nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh. Đỗ Văn Khoa kể: trước kia đường trong bản, hay từ nhà này sang nhà khác ngập ngụa bùn đất lẫn với phân gia súc. Nguyên cái việc vận động dân bỏ rác vào thùng cũng mất không ít công sức.
Giờ thì Gia Khâu 1 đã khá nhiều rồi. Vào thăm gia đình vợ chồng anh chị Thào A Cá và Giàng Thị Lia, thấy quả đúng như vậy. Dì Thị Lan bộc bạch: em vốn là người Mông ở Dào San huyện Phong Thổ, lấy chồng về quê chồng ở. Chúng tôi hỏi đùa “thế có bị “bắt” về không?”. Lan cười rất tươi: không, chúng em quen nhau qua mạng. Em học hết lớp 12, đã từng đi làm cho một Công ty của Nhật. Còn chồng em đã học hết Đại học, đang đi học tiếp tại Thái Nguyên. Quần bò áo bu dông, đi giầy vải, nói tiếng Việt rất sõi. Nhìn Lan thật khó mà nhận ra đây là một cô gái người Mông.
Đường đến bản Gia Khâu 1 thuận tiện bao nhiêu thì đường đến các bản Mông mới từ Tam Đường chuyển về khó bấy nhiêu. Tuy rằng cùng nằm trong một xã với Gia Khâu 1 nhưng lại đi đường khác (xã Sùng Phài rộng tới 20 ki-lô-mét vuông). Từ trung tâm thành phố, vừa rời đoạn đường Lê Duẩn to rộng bằng phẳng là gặp dốc và cứ thế mà leo dốc. Xe ô tô chỉ leo được đến ngã ba bản Trung Chải, nơi có trạm biến thế điện mới xây dựng. Chúng tôi phải đi xe máy.
Đoạn đường bê tông mới đổ đi các bản Sùng Phài, Sin Chải, Can Câu… chỉ vừa đủ cho một chiều xe đi. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu, thi thoảng mới gặp một nương chè hay một rừng vầu, còn hai bên đường là những bụi hoa cúc quỳ vàng rực. Điểm mới là những đôi cột điện bê tông cốt thép ly tâm mới dựng, đang chờ lắp sứ kéo dây.
Nguyễn Văn Quý, kỹ sư Thuỷ lợi vừa mới ra trường hơn một năm, là một trong những tay lái cứng của Ban quản lý dự án đưa tôi đi, tâm sự: “choáng” nhất là đường ra. Đoàn thanh niên chúng em đỡ đầu cho mấy bản trong này, nhiều buổi vào làm việc bà con “bắt” uống rượu tối mịt mới được về mà không uống không được.
Một góc khu vườn du lịch ở xã Gia Khâu 1.
Khác với các nếp nhà ngay hàng thẳng lối, ven đường đi ở Gia Khâu 1, ở mấy bản mới về nhà nọ chen nhà kia lộn xộn, đường xá gập ghềnh, phân gia súc đầy trên các lối đi. Mà người đâu vắng? Chỉ thấy khá nhiều phụ nữ ngồi phơi nắng hoặc thêu thùa. Hỏi thăm đến nhà ông trưởng bản Sùng Phài, gặp vợ ông cùng cô con gái và đứa cháu ngoại đang ngồi ngoài sân. Ở nhà bên cạnh, mấy người đàn ông lắp một bồn nước trên nóc nhà tắm. Phần lớn các nhà đều đã treo bồn chứa nước trên cao và có chảo nhỏ để thu truyền hình. Nhiều nhà có xe máy để ngoài sân. Qua trò chuyện, mọi người tỏ ý hy vọng rằng thành phố tiếp tục làm đường để bà con dễ thông thương với bên ngoài hơn.
Ở bản Sùng Phài có một điểm trường 4 cô giáo với các lớp 1-2 và 3. Còn ở bản Sin Chải có một lớp mầm non gần 40 cháu đi học. Lớp học là một gian nhà gạch khang trang, có sân chơi và mấy đồ chơi đơn giản, nhưng đường vào cả hai phía đều lổn nhổn những đá là đá, khúc khuỷu gập gềnh. Cô giáo mầm non Phạm Thị Hà người Tày Phong Thổ kể rằng buổi đầu vận động các gia đình đưa con em đến học cũng khá vất vả, nay thì các cháu đã quen rồi. Cả năm cô giáo đều ở dưới thành phố, đi và về bằng xe máy. Cứ nghĩ đến những đoạn đường dốc đứng quanh co chúng tôi vừa qua mà vừa thương vừa cảm phục những tấm lòng vì trẻ thơ vùng cao của các cô.
Chiều miền núi tối rất nhanh. Như để giới thiệu thêm cố gắng của thành phố, lượt ra Nguyễn Anh Quý đưa chúng tôi đi theo đường khác, gặp những đoạn đường bê tông mới đổ xong một hai ngày, những rãnh thoát nước ven sườn núi máy xúc vừa múc thành vệt, Quý cứ xuýt xoa: trời tối mau quá, không đưa các anh vào bản Can Câu được. Đây là bản ở xa nhất và khó nhất Sùng Phài đấy.
Chủ tịch thành phố Lai Châu Lương Chiến Công vẫn chờ chúng tôi ở phòng làm việc. Nghe chúng tôi nói về cảm tưởng sau một ngày đi đến mấy bản Mông. Lương Chiến Công bày tỏ: đấy là mấy bản thuộc diện nghèo nhất của Tam Đường. Về với thành phố cũng không phải bà con không có tâm tư vì trước kia Nhà nước bao cấp nhiều. Nhưng chúng tôi xác định phải gỡ rối dần. Năm 2020 và sang năm, trọng tâm là đầu tư cho 7 bản mới về. Trước hết là làm đường vào. Cứng hoá đường nội đồng và làm kênh mương thuỷ lợi. Rồi kéo điện lưới và giúp bà con có một lưới điện ổn định, đúng quy chuẩn. Sắp xếp lại đường đi lối lại trong các bản, đưa chuồng trại nuôi gia súc ra xa. Rồi nước sạch, nhà vệ sinh.
Trước mắt trong năm 2021 nâng cấp mấy trường học. Thành phố giao rất cụ thể cho từng ban ngành kết nghĩa với các bản, lên danh sách các hộ nghèo và cận nghèo, tìm sinh kế cho bà con, giúp dân xây dựng cuộc sống mới. Khu vực ấy có nhiều nương chè trồng giống chè Ô Long, đường vào đường ra cảnh đều đẹp tuy đường còn hơi chật nhưng tiềm năng phát triển du lịch là có. Cái chúng tôi muốn giúp bà con chính là tạo điều kiện để bà con sống bằng bàn tay và khối óc của mình.
Gia Khâu 1 là một hình mẫu mà các bản Mông mới của thành phố học tập. Nghe Chủ tịch Lương Chiến Công giới thiệu về những giải pháp giúp dân mà lòng thêm vui. Chợt nhớ tới tâm sự của chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Anh Quý: em quê ở Phú Thọ. Cũng định làm ở Lai Châu mấy năm rồi xin về quê. Nhưng nay em nghĩ khác rồi: có lẽ em sẽ chọn đây làm quê hương thứ hai. Thấy tôi gặng hỏi “vì sao?”, Quý tủm tỉm: em đang yêu một cô bạn, gia đình ở trên này cả.
Thì ra là vậy. Những mong thành phố trẻ Lai Châu có thêm nhiều cặp uyên ương chọn làm nơi xây tổ ấm. Thoáng vọng lên trong tôi một câu hát xưa “Hoàng Liên Sơn quê tôi, bóng ngựa in lưng trời… cả một dải biên cương, đâu cũng là quê hương”./.
VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/lai-chau-diem-dung-chan-thu-vi-cua-du-khach-823827.vov