Tết Việt đáng nhớ của những quản lý khách sạn người nước ngoài

Thứ 6, 05.02.2021 | 14:43:55
1,104 lượt xem

Sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, điều những nhà quản lý khách sạn yêu thích nhất trong Tết Nguyên đán là truyền thống sum họp gia đình.

Năm 2013, trong lần đầu du lịch Việt Nam, ông Vuko Kralj, Giám đốc Điều hành Khu nghỉ dưỡng Azerai Cần Thơ, choáng ngợp trước những con đường và khu chợ tràn ngập sắc hoa. Người dân nô nức mặc áo dài, cùng nhau chụp ảnh tại những công trình trang hoàng lộng lẫy. Phải đến khi chính thức làm việc tại mảnh đất hình chữ S, ông mới cảm nhận được tầm quan trọng của ngày Tết với người Việt. Đây là dịp để mọi người đoàn tụ, những đứa con xa quê hương về cùng gia đình đón năm mới.

Điều ông cảm thấy đặc biệt nhất là đón những đoàn khách nhiều thế hệ cùng nhau đi du lịch, sau mùng 3 Tết hàng năm. "Tôi thật sự cảm kích khi thấy sự quan tâm và tôn trọng mà những người con, người cháu dành cho ông bà, bố mẹ của mình. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng hết mình, mang đến nhiều trải nghiệm đáng nhớ hơn để họ có những khoảnh khắc sum vầy trọn vẹn", ông nói.

Ông Vuko Kralj yêu thích khoảnh khắc các gia đình sum vầy đón Tết.

Ông Vuko Kralj yêu thích khoảnh khắc các gia đình sum vầy đón Tết. Ảnh: NVCC

Còn kỷ niệm đáng nhớ nhất về Tết của ông Anthony Slewka, Giám đốc Kinh doanh Sofitel Legend Metropole Hà Nội, là vào năm 2015. Khi ông được mời đến thăm một gia đình người Việt và bà con họ hàng của họ ở ngoại ô Hà Nội vào ngày mồng một Tết. Ông được đến chúc Tết từng nhà, ngồi uống trà và nói chuyện cùng với gia chủ.

"Điều ấn tượng nhất đối với tôi là cách bố trí các gian trong một ngôi nhà truyền thống. Các gian đều có không gian mở, có gian dành riêng để thờ ông bà tổ tiên rất trang trọng, rồi chiếc tivi được đặt ngay ở chỗ trung tâm nhất trong nhà", ông nói.

Trong khi đó, điều Herbert Laubichler-Pichler, Tổng Quản lý Alma Resort Cam Ranh, yêu thích trong ngày Tết tại Việt Nam là khoảnh khắc tạm biệt năm cũ và đón năm mới trong niềm hân hoan. Điều này càng thêm ý nghĩa trong Tết Tân Sửu, khi Covid-19 gây nhiều khó khăn cho ngành du lịch trong năm qua.

Tết là thời gian các gia đình cùng nhau sum vầy, cũng giống ngày Giáng sinh ở Áo, quê hương ông. Trong 15 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ông có nhiều kỷ niệm Tết với gia đình thứ 2 là những nhân viên trong khu nghỉ dưỡng. Họ cùng nhau trang trí khuôn viên resort, tổ chức các hoạt động ngày Tết và chuẩn bị những món ăn ngon, để đón chào du khách như đến ngôi nhà riêng của mình.

"Tôi rất thích tham dự lễ cúng cuối năm với các sư thầy tại ngôi đền nhỏ của khu nghỉ dưỡng, để chiêm nghiệm và cảm tạ các đấng thần linh đã phù hộ cho đại gia đình resort trong suốt một năm và cầu mong cho mọi điều tốt đẹp trong năm tới", ông nói. Giờ đây, Tết càng trở nên ý nghĩa khi ông là thành viên của một gia đình Việt, được cùng vợ và mẹ vợ đón giao thừa.

Không gian Tết tại Alma resort. Ảnh: NVCC.

Không gian Tết tại Alma Resort. Ảnh: NVCC

Với ông Adam Calver, Giám đốc Golf và Tiếp thị Điểm đến Laguna Lăng Cô, ngày Tết đầu tiên ông được trải nghiệm tại Việt Nam là kỷ niệm sẽ theo suốt đời. Nhiều năm trước khi mới đến Việt Nam, ông được mời tham gia các hoạt động kỷ niệm mang đậm nét văn hóa địa phương, tìm hiểu phong tục đón Tết và những truyền thống lâu đời như mừng tuổi hay lì xì may mắn. Dù ngày Tết chính thức chỉ có ba ngày, nhưng các hoạt động ăn mừng kéo dài cả tuần, có thể dài hơn. Không khí trên khắp Việt Nam thật rộn ràng và hân hoan.

Vị giám đốc này chia sẻ, từ đó trở đi ông thường khuyên bạn bè tới Việt Nam trong dịp Tết, để khám phá văn hóa lâu đời. "Tất cả những phong tục và truyền thống này thật sự tuyệt vời, phải trải nghiệm thời gian này mới thấy nó phấn khích và thú vị như thế nào", ông nói.

Không gian Tết tại Banyan Tree Lăng Cô. Ảnh: NVCC.

Không gian Tết tại Banyan Tree Lăng Cô. Ảnh: NVCC


Lan Hương/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/tet-viet-dang-nho-cua-nhung-quan-ly-khach-san-nguoi-nuoc-ngoai-4231234.html

  • Từ khóa