Sông Mekong sẽ là mặt trận tiếp theo trong đối đầu Mỹ - Trung?

Thứ 7, 25.07.2020 | 09:42:45
524 lượt xem

Theo chuyên gia Witoon Permpongsacharoen, giống như Biển Đông, sông Mekong đang trở thành một vấn đề cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các quan chức và các chuyên gia về môi trường nhận định, sông Mekong đang trở thành một mặt trận mới trong sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc Bắc Kinh đang bắt kịp Washington ở cả khía cạnh chi tiêu và ảnh hưởng đối với các nước hạ nguồn sông Mekong.

Đó là một mặt trận ít được chính quyền Tổng thống Trump quan tâm, dù vẫn đang duy trì phần lớn ngân sách đối với các chương trình phát triển và môi trường ở hạ nguồn Mekong từ thời chính quyền tiền nhiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, cuộc chiến của 2 cường quốc sẽ lan sang cả lĩnh vực khoa học khi chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra những báo cáo khác nhau về việc 11 con đập mà Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong có tác động như thế nào đến các nước phía hạ nguồn.

song mekong se la mat tran tiep theo trong doi dau my - trung? hinh 1
Đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: AFP

Vũ khí vô hình của Trung Quốc

Các con đập của Trung Quốc trên sông Mekong cho phép nước này kiểm soát trên diện rộng nguồn nước chảy xuống hạ nguồn ở Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam - những nước vốn phụ thuộc vào con sông này về nông nghiệp, ngư nghiệp và trong trường hợp của Lào là cả các dự án thủy điện.

Sự kiểm soát đối với sông Mekong cho phép Trung Quốc đặt ra một chương trình phát triển chung liên quan đến dòng chảy, và loại bỏ vai trò của Mỹ sau hàng chục năm thúc đẩy các dự án Mekong như một cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

“Điều này ngày càng trở thành một vấn đề địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, giống như Biển Đông,”, theo chuyên gia Witoon Permpongsacharoen thuộc Nhóm Mạng lưới sinh thái và năng lượng Mekong.

Vấn đề Mekong là mối lo ngại cấp bách đối với 60 triệu người sống phụ thuộc vào nông nghiệp và ngư nghiệp do con sông này bắt nguồn từ Trung Quốc (với tên gọi là Lan Thương), chảy qua các nước Đông Nam Á trước khi đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.

Năm 2019 chứng kiến hạn hán kỷ lục và mực nước ở hạ nguồn Mekong xuống thấp nhất trong hàng chục năm qua. Các báo cáo nhiều năm qua cho thấy, hải sản đánh bắt được ở đây ngày càng ít đi.

Một Đại sứ Mỹ trong khu vực đã cáo buộc Trung Quốc “tích trữ” nước bằng cách xây dựng các con đập ở thượng nguồn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người ở các quốc gia phía hạ nguồn.

Theo một Đại sứ khác của Mỹ ở Đông Nam Á, Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động trong nhóm Hợp tác Mekong Lan Thương (LMC), một tổ chức liên chính phủ tương đối mới nhằm “gạt sang lề” Ủy hội sông Mekong (MRC) được thành lập 25 năm trước.

MRC xuất phát từ những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy các dự án phát triển trong Chiến tranh Lạnh. MRC hợp tác với chính phủ các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nhằm thúc đẩy việc chia sẻ và phát triển bền vững sông Mekong và các nguồn lực sông Mekong.

Khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc

Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang thành khẩu chiến sau khi một nghiên cứu do Mỹ tài trợ hồi tháng 4/2020 kết luận rằng các con đập mà Trung Quốc xây dựng đã giúp nước này giữ lại nguồn nước trong mùa khô năm 2019.

Trong báo cáo của mình, Công ty Eyes on Earth có trụ sở tại Mỹ chuyên nghiên cứu chuyên về nguồn nước đã xây dựng một mô hình dự đoán dựa trên ảnh chụp từ vệ tinh và các dữ liệu của MRC, trong đó cho thấy tình trạng “thất thoát” nguồn nước xuống hạ nguồn Mekong đã bắt đầu từ khoảng năm 2010.

song mekong se la mat tran tiep theo trong doi dau my - trung? hinh 2
Sông Mekong ở biên giới Thái Lan và Lào, nhìn từ Nong Khai bên phía Thái Lan. Ảnh: Reuters

Đại sứ Mỹ tại Campuchia Patrick Murphy nói rằng ông “khá bất ngờ” với những phát hiện này.

“Để biết được lý do sông Mekong bị thay đổi và thu nhỏ ở khu vực hạ nguồn thì phải tìm hiểu điều gì đang xảy ra ở thượng nguồn phía Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề tích trữ nước”, ông Murphy nói.

Trong khi đó, Trung Quốc đáp lại rằng, đây là một động thái “mang tính chính trị nhằm vào Trung Quốc với ý định yếu đuối”.

Tuần trước, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đăng tải một bài viết về nghiên cứu của Trung Quốc, trong đó bác bỏ các báo cáo của Eyes on Earth.

“Các con đập ở Trung Quốc đã giúp làm giảm bớt tình trạng hạn hán dọc sông Mekong-Lan Thương”, là tiêu đề một bài báo được đăng trên Nhân dân Nhật báo (tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc).

Tuy nhiên, các nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) và Viện các nguồn tài nguyên nước Trung Quốc lại nói rằng, trong tương lai, các con đập của Trung Quốc sẽ giúp làm giảm nhẹ tình trạng hạn hán. Theo một bản sao tài liệu mà Reuters có được, nghiên cứu này nói tới thời điểm trong tương lai, chứ không phải là điều Trung Quốc đã thực sự làm được trong năm 2019.

“Chúng tôi không định so sánh với bất cứ báo cáo nào khác. Mục đích của chúng tôi là nhằm cung cấp các thông tin cơ bản để tạo điều kiện cho sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau cũng như sự hợp tác ở lưu vực [sông Mekong]”, nhà nghiên cứu Tian Fuqiang trả lời Reuters qua email.

Ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực

Các nhà nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tranh cãi về các báo cáo khoa học, nhưng đối với các nước phía hạ nguồn sông Mekong thì đó lại là vấn đề về niềm tin.

Sebastian Strangio, tác giả cuốn sách “In the Dragon’s Shadow” (tạm dịch là “Trong cái bóng của rồng”) nói về mối quan hệ quả của các nước Đông Nam Á với Trung Quốc, nhận định rằng các nước láng giềng hạ nguồn gần như chắc chắn ít tin câu chuyện của Trung Quốc hơn (so với báo cáo của Mỹ), nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực thì không thể bị phớt lờ. Bằng chứng là không nước nào trong số các nước MRC công khai bình luận về việc ủng hộ nghiên cứu của Trung Quốc hay Mỹ.

Mỹ đã chi 120 triệu USD cho sáng kiến Hạ nguồn Mekong từ khi sáng kiến này được thiết lập cách đây 11 năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ đã chi nhiều hơn: năm 2016, Cơ chế Hợp tác Mekong Lan Thương do Trung Quốc đứng đầu đã thiết lập quỹ 300 triệu USD dành cho các dự án nghiên cứu ở 5 nước hạ nguồn sông Mekong.

Theo Reuters, cơ chế LMC do Trung Quốc dẫn đầu đang chiếm ưu thế hơn với cuộc gặp cấp bộ trưởng thường niên cùng kế hoạch họp thượng đỉnh, có thể bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi MRC chỉ được tiến hành các cuộc họp ở cấp độ thấp hơn.

“Chúng tôi thực sự khuyến khích Trung Quốc hợp tác với Ủy hội Sông Mekong (MRC) chứ không phải là tìm cách gạt MRC sang một bên bằng cách thành lập một tổ chức riêng mà họ kiểm soát”, Đại sứ Mỹ ở Thái Lan, Michael DeSombre nói.

Dù vậy, giới chức tại MRC nói rằng họ hoan nghênh việc hợp tác với LMC và Trung Quốc. Lý do là vì điều này sẽ giúp các nước thành viên có thêm dữ liệu liên quan đến hoạt động của các con đập của Trung Quốc.

Năm 2002, Bắc Kinh bắt đầu thông báo cho các nước phía hạ nguồn về thời điểm xả nước có thể gây ngập lụt ở hạ nguồn. Tuy nhiên, những gì Trung Quốc thông báo vẫn quá ít để các nước phía hạ nguồn có thể lên kế hoạch và đề nghị điều chỉnh lưu lượng dòng chảy của sông./.


Hoàng Phạm/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/song-mekong-se-la-mat-tran-tiep-theo-trong-doi-dau-my-trung-1074276.vov

  • Từ khóa