Ông Biden sẽ phải xây dựng chính sách Triều Tiên của riêng mình, chứ không phải chỉ là phản đối các giải pháp của ông Trump đối với Bình Nhưỡng.
Kiên nhẫn chiến lược hay sức ép tối đa?
Từng là thành viên lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và cũng là người đóng vai trò quan trọng trong chính sách châu Á của Mỹ khi giữ chức Phó Tổng thống trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, ông Biden không còn xa lạ với vấn đề Triều Tiên.
Cựu Tổng thống Barack Obama (trái) và ông Joe Biden Ảnh: Reuters |
Nhiều người cho rằng, nếu đắc cử Tổng thống, chính sách Triều Tiên của ông Joe Biden sẽ tương đồng với Tổng thống Barack Obama. Chính sách mà ông Obama sử dụng khi còn đương nhiệm là “kiên nhẫn chiến lược”. Tuy nhiên, ông Biden sẽ không giống như ông Obama trong vấn đề Triều Tiên. Hơn nữa, ông cũng không thể sử dụng lại chiến lược này, vì tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ sau khi ông Obama rời nhiệm sở.
Chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Tổng thống Barack Obama đánh giá mối đe dọa Triều Tiên không nghiêm trọng hoặc không cấp bách đối với Mỹ, dù đây là vấn đề đe dọa hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Chính sách này nói một cách gián tiếp rằng Mỹ muốn hợp tác với Triều Tiên, như những gì ông Obama đã làm trong với Cuba và Iran, nhưng Mỹ không làm được điều đó là vì những khiêu khích quân sự của Triều Tiên.
Trên thực tế, Mỹ đã tìm cách hợp tác với Triều Tiên nhiều lần, năm 1994, 2005, 2012 và 2018, nhưng Mỹ luôn cho rằng Triều Tiên đã không giữ đúng cam kết. Vì thế, chính quyền Obama giữ sự kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên và chờ Bình Nhưỡng thay đổi hành động.
Cũng vì chính quyền Obama tin rằng Mỹ vẫn có đủ thời gian để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, nên mối đe dọa Triều Tiên dường như không phải là nghiêm trọng hay cấp bách. Trong khi đó, chính quyền Obama cũng muốn Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Đội ngũ chính sách ngoại giao của ông Biden luôn nhớ rằng “kiên nhẫn chiến lược” không còn khả thi nữa. Sau khi ông Obama rời nhiệm sở, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo. Đặc biệt sau khi Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-15 vào tháng 11/2017, được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa, nước này đã tuyên bố hoàn thành năng lực răn đe hạt nhân đối với Mỹ.
Giờ đây Triều Tiên không còn là một mối đe dọa “xa xôi” đối với Mỹ nữa. Chính ông Obama cũng từng cảnh báo Tổng thống đắc cử Trump về Triều Tiên, rằng Triều Tiên sẽ là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của chính quyền kế nhiệm.
Ông Biden sẽ bắt đầu từ chính sách của ông Trump?
Jihwan Hwang, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Seoul, Hàn Quốc cho rằng, ông Biden có thể sẽ phải bắt đầu từ chính sách mà ông Trump (nếu ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử) để lại.
Trên thực tế, trong gần 4 năm qua, ông Trump cũng đã thay đổi đáng kể chính sách về Triều Tiên. Khi ông Trump tuyên bố “Triều Tiên sẽ gặp phải lửa giận dữ” năm 2017, ông Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ hội cho cánh cửa ngoại giao.
Khi Tổng thống Trump có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên năm 2018, cũng chính ông Biden đã chỉ trích con đường ngoại giao của Tổng thống Trump.
Vậy có phải ông Biden đang mâu thuẫn với chính mình trong vấn đề Triều Tiên hay không? Cách tiếp cận chính xác của ông Biden sẽ rõ ràng hơn khi cuộc bầu cử vào tháng 11 đến gần hơn nữa, đặc biệt là khi Tổng thống Trump đã từng úp mở về “điều bất ngờ tháng 10” như một chiêu bài giúp ông chiếm ưu thế trươc đối thủ khi ngày bầu cử đã cận kề.
Ông Biden sẽ phải xây dựng chính sách Triều Tiên của riêng mình, chứ không phải chỉ là phản đối các giải pháp của ông Trump đối với Bình Nhưỡng. Tất nhiên, ông Trump dường như đã tận dụng thượng đỉnh Mỹ-Triều vì mục đích cá nhân hơn là xây dựng một chính sách mang tính xây dựng thực thụ, như những gì cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton từng nói trong cuốn sách của ông.
Ông Biden hiểu rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn có sự đảm bảo chế độ để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa. Mục tiêu an ninh của Triều Tiên là tập trung vào việc loại bỏ chính sách thù địch của Mỹ đối với nước này, do đó, Triều Tiên rốt cục vẫn sẽ tìm cách thay đổi chính sách của Mỹ đối với Bán đảo Triều Tiên.
Dù ông Kim Jong-un không nói rõ ông muốn các biện pháp như thế nào, nhưng giáo sư Jihwan Hwang cho rằng, điều đó có thể giống như trường hợp của Việt Nam - một quốc gia từng là cựu thù trở thành đối tác toàn diện của Mỹ.
Chính sách Triều Tiên của ông Biden có thể sẽ bắt đầu từ những bước nhỏ mà Mỹ và Triều Tiên có thể thu hẹp những bất đồng.
Michael D. Cohen, giảng viên cấp cao tại trường an ninh quốc gia thuộc đại học quốc gia Australia cho rằng, ông Biden có thể làm tốt hơn ông Trump trong vấn đề Triều Tiên, nhưng sẽ không thể đem lại phi hạt nhân hóa.
Khi Mỹ yêu cầu CVID (phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược) hay FFVG (phi hạt nhân hóa có thể xác minh đầy đủ và sau cùng) từ Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng cũng yêu cầu CVIG (sự đảm bảo hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược) hoặc FFVG (sự đảm bảo có thể xác minh đầy đủ và sau cùng) từ Washington.
Đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan và nếu nó không được giải quyết thì thất bại sẽ lặp lại. Ông Biden sẽ cần phải hợp tác với Hàn Quốc và các đồng minh khác để đảm bảo môi trường an ninh mới ở Đông Bắc Á./.
Hoàng Phạm/VOV.VN