Đối đầu Mỹ - Iran đẩy châu Âu vào tình thế khó xử

Thứ 7, 22.08.2020 | 09:50:32
570 lượt xem

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng ủng hộ "chủ nghĩa đa phương" nhưng không phải theo cách châu Âu mong đợi.

Sự “đa phương” châu Âu không mong chờ

Nhiều năm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã đề nghị Tổng thống Trump nên từ bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết", một hướng tiếp cận được họ cho là sai lầm về ngoại giao, mà thay vào đó, nên tập trung xây dựng sự nhất trí qua Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.

doi dau my - iran day chau au vao tinh the kho xu hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tuy nhiên, với Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, khi Tổng thống Trump kêu gọi một sự nhất trí đa phương đối với lập trường của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đều nhận thấy họ đang rơi vào tình thế khó xử.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận tới trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York ngày 20/8 (giờ Mỹ) để kích hoạt cái gọi là điều khoản "chuyền lùi" nhằm buộc Hội đồng Bảo an tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sau khi lệnh cấm vận vũ khí với nước Cộng hòa Hồi giáo này trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.

Động thái trên diễn ra sau khi châu Âu đã bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước đề xuất của Mỹ về việc mở rộng lệnh cấm vận vũ khí với Iran tuần trước. Ngoại trưởng Pomepo thậm chí đã thể hiện thái độ cứng rắn nhất với những nhà ngoại giao từ Anh, Pháp và Đức, đồng thời nói rằng các nước này "chọn đứng về phía Iran".

"Đây không phải là vấn đề để giận dữ hay bất mãn. Chúng tôi sẽ thực hiện theo các quy tắc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và điều đó sẽ dẫn đến việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt", Ngoại trưởng Pompeo khẳng định.

Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo sẽ làm mọi thứ cần thiết để một lần nữa ngăn cản Iran tham gia vào thị trường vũ khí.

Việc Mỹ thúc đẩy các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran khiến cho châu Âu rơi vào thế khó xử, những quốc gia có ý định duy trì thỏa thuận này và phản đối động thái của Washington. Mỹ không chỉ đang đặt các nước châu Âu trong Hội đồng Bảo an (Pháp Anh và Đức - hiện giữ vị trí thành viên không thường trực) vào cùng một phe với Nga và Trung Quốc, 2 nước vốn phản đối mạnh mẽ lập trường của Mỹ, mà còn có thể khiến cho 3 bên này ủng hộ Tehran nhiều hơn Washington - đồng minh quan trọng nhất của châu Âu.

Năm 2018, cho rằng Iran không đáng tin, chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama năm 2015. Kể từ đó, châu Âu luôn nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận mong manh này bằng nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn không giải được bài toán đầy thách thức khi chọn đứng về phía Mỹ hay cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

"Điều này có thể trở nên rất kinh khủng. Châu Âu thực sự không biết phải làm gì", Cornelius Adebahr, nhà phân tích chính sách đối ngoại Đức, người đã từng viết một cuốn sách về thỏa thuận hạt nhân Iran nhận định.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan này diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nước châu Âu chỉ trích Mỹ không tuân theo các quy chuẩn quốc tế vì đã đe dọa áp các lệnh trừng phạt "bên ngoài lãnh thổ" với các công ty và cá nhân liên quan đến dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương bắc 2 nối Nga và Đức trong khi Mỹ đang cố gắng ngăn chặn dự án này.

Tuy nhiên, điều khoản chuyền lùi với thỏa thuận hạt nhân Iran có thể đảo ngược hoàn toàn tình thế bởi nếu châu Âu không tuân theo, họ sẽ trở thành bên vi phạm thỏa thuận quốc tế.

Tình thế khó xử của châu Âu

Các nhà ngoại giao châu Âu nói rằng điều họ lo ngại lớn hơn là việc không tuân theo của họ sẽ có tác động thế nào đến tương lai của Liên Hợp Quốc khi chỉ còn vài tuần nữa là tổ chức này kỷ niệm 75 năm thành lập. Nếu các thành viên trong Hội đồng Bảo an từ chối tôn trọng các nghị quyết mà chính họ soạn ra, trong đó có điều khoản chuyền lùi, vị thế của Liên Hợp Quốc sẽ bị phá hủy nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu châu Âu đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, Liên Hợp Quốc sẽ bị hạn chế khả năng thúc đẩy các nghị quyết trong tương lai bởi Nga và Trung Quốc sẽ cảm thấy không hài lòng cũng như sẽ không ký kết một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận hạt nhân Iran lần nữa.

Phía châu Âu cho biết, thậm chí nếu Mỹ có quyền lợi hợp pháp để kích hoạt điều khoản chuyền lùi vốn đang gây tranh cãi thì Washington cũng đã vi phạm tinh thần của thỏa thuận ban đầu bởi điều khoản này được đưa ra nhằm trừng phạt Iran chỉ khi nước này vi phạm thỏa thuận.

Iran hiện bị cáo buộc là vi phạm thỏa thuận vì đã làm giàu uranium vượt ngưỡng cho phép nhưng các nước châu Âu cho rằng, Iran chỉ làm vậy bởi vì Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận.

Bất chấp quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Tổng thống Trump khẳng định, Washington vẫn có quyền lợi hợp pháp để thực hiện điều khoản chuyền lùi bởi Mỹ vẫn có tên trong nghị quyết đã soạn thành thỏa thuận, điều vốn chưa bao giờ được sửa đổi. Phía châu Âu vẫn đang tranh luận về tính hợp pháp của Mỹ nhưng không có tòa án hay tổ chức nào khác có đủ thẩm quyền để quyết định vấn đề này.

Cuối cùng, câu hỏi về việc liệu có nên đi theo Mỹ hay không cũng trở thành một quyết định mang tính chính trị với các thành viên của Hội đồng Bảo an. John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng chính quyền Tổng thống Trump đang đùa với lửa trong những quyết định liên quan đến Iran.

Những người ủng hộ quyết định của chính quyền Tổng thống Trump thì nhận định, châu Âu cần nhìn xa hơn và vượt khỏi tâm lý không hài lòng với Trump, nhất là khi nhiều nước khu vực này thừa nhận về mối đe dọa từ phía Iran.

Hiện nay, chiến lược của châu Âu là chờ đợi và câu giờ. Nếu ông Pompeo kích hoạt điều khoản chuyền lùi, họ có thể sẽ trì hoãn quyết định cuối cùng cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11 với hy vọng ông Joe Biden sẽ đảo ngược quyết định của ông Trump.

Châu Âu muốn trì hoãn các vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 với hy vọng một chính sách mới của Mỹ với Iran sẽ ngăn cản các lệnh trừng phạt và có thể là xung đột nếu Tổng thống Trump thua. Nhưng nếu Tổng thống Trump thẳng, “châu Âu sẽ quay trở về điểm khởi đầu", Adebahr nhận định.

Tuy nhiên, ông Pompeo rõ ràng đang không muốn chờ đợi. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định thỏa thuận này sẽ cho phép Liên Hợp Quốc hành động, bất kể nước này tuyên bố đã rút khỏi thỏa thuận.

Dù vậy, không thể bỏ qua khả năng tranh cãi liên quan đến thỏa thuận hạt nhân có thể tạo nên một liên minh tưởng như "bất khả thi” giữa Iran và châu Âu. Tehran sẽ tận dụng cơ hội để biến chiến lược cô lập Iran của Mỹ thành chiến lược Mỹ tự cô lập chính mình./.


Kiều Anh/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/doi-dau-my-iran-day-chau-au-vao-tinh-the-kho-xu-1086381.vov

  • Từ khóa