Phát triển các giải pháp tài chính sáng tạo, giải quyết thách thức chung

Thứ 4, 29.05.2024 | 08:50:10
512 lượt xem

Trong hai ngày 28-29/5, chương trình Diễn đàn ACCA châu Á-Thái Bình Dương tập trung thảo luận chuyên sâu vào các chủ đề nóng như tài chính bền vững và tích hợp ESG (môi trường, xã hội, quản trị), chuyển đổi số trong ngành tài chính và các phát triển về quy định, phản ánh những xu hướng và thách thức cấp thiết nhất trong khu vực.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận của Diễn đàn ACCA châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 28/5, diễn đàn ACCA châu Á-Thái Bình Dương đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề Thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác quốc tế và phát triển bền vững trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Xây dựng nền tảng vững chắc

Sự kiện do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức hai năm một lần, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, học giả và nhà quản lý trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bà Helen Brand, Giám đốc điều hành ACCA cho biết sau đại dịch Covid-19, thị trường toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường, xuất hiện nhiều mối quan ngại mới liên quan đến an toàn, an ninh, an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu phát triển bền vững càng trở nên quan trọng hơn, và châu Á-Thái Bình Dương là khu vực trung chuyển, có vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế toàn cầu, đóng vai trò trung tâm và có thể trở thành nguồn lực dẫn dắt kinh tế toàn cầu trong thời gian tới nhưng cũng đồng thời phải chịu nhiều sức ép, mâu thuẫn chính trị, kinh tế.

Chương trình nghị sự lần này tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương nhưng cũng học hỏi được kinh nghiệm quốc tế từ các chuyên gia trên toàn cầu, với sự hội tụ của đại diện doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà quản lý nhằm thúc đẩy đối thoại và xây dựng mạng lưới giữa các khu vực trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đang có vị thế ngày càng quan trọng, tiến sát gần hơn tới các tiêu chuẩn quốc tế.

Khẳng định tài chính, kế toán và kiểm toán là những cột trụ quan trọng định hình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và khu vực, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế và phát triển bền vững đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực chung từ các quốc gia trong khu vực.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác nghiên cứu và phát triển các giải pháp tài chính sáng tạo sẽ giúp giải quyết những thách thức chung mà các quốc gia trong khu vực đang đối mặt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

“Chính vì thế, tôi tin rằng việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao năng lực nhân lực về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế là một yêu cầu thiết yếu trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Theo đó, cần phải hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ nhau để đảm bảo rằng chúng ta đều đạt được tiêu chuẩn quốc tế và có thể cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.

Khuyến nghị hữu ích cho doanh nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm thực hành ESG tại phiên toạ đàm Đổi mới chính sách cho một châu Á-Thái Bình Dương xanh và cập nhật kỹ thuật số, bà Claudia Anselmi, Tổng giám đốc Công ty May và nhuộm Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết khó khăn đầu tiên là nhận thức.

Trong thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực và nhân sự có chuyên môn về vấn đề này. Chi phí đầu tư ban cho việc thực hành ESG rất cao do phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, thiết bị năng lượng… Đây là một hệ thống phức tạp, đòi hỏi nhiều vốn và phải tính toán tỷ lệ hoàn vốn trong thời gian dài.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn tài chính xanh còn nhiều trở ngại. Tại Việt Nam, dòng vốn cho tín dụng xanh chỉ mới chiếm khoảng 4-5% vốn tín dụng toàn thị trường. Với những cơ hội và thách thức đang đặt ra cho doanh nghiệp trong hành trình xanh, bà Claudia Anselmi cho rằng đây là hành trình dài cần nhiều sự hỗ trợ, nhất là cần sự vận hành của toàn bộ hệ thống, từ tài chính kế toán tới quy định pháp lý.

“Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi phải chuyển đổi xanh và số để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, khi sản phẩm của chúng tôi tập trung vào việc xuất khẩu và sức ép cạnh tranh là rất lớn. Bên cạnh đó, để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn bền vững cũng là yếu tố phải thực hiện. Đây là yêu cầu bắt buộc, nếu không, doanh nghiệp có nguy cơ phải ra khỏi thị trường”, bà Claudia Anselmi nói.

Theo ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn năm nay cung cấp cơ hội không giới hạn cho cộng đồng doanh nghiệp và tài chính trong khu vực nhằm chia sẻ kiến thức và khám phá các giải pháp sáng tạo cho những thách thức đương đại.

“Bằng cách tạo điều kiện cho những cuộc thảo luận quan trọng này, chúng tôi trang bị cho các chuyên gia khả năng thúc đẩy sự thay đổi tích cực, tăng cường bền vững và chấp nhận biến đổi số, từ đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương”, ông Pulkit Abrol chia sẻ.

Liên quan đến tài chính xanh cho phát triển bền vững, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc ACCA Việt Nam cho biết trên thế giới hiện có hàng trăm tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, cách nhìn và thông tin về phát triển bền vững giữa các bên, gồm doanh nghiệp, các định chế tài chính, cơ quan quản lý vẫn chưa áp dụng cùng một tiêu chuẩn. Do đó, ACCA Việt Nam có kế hoạch tổ chức hội thảo để các bên cùng ngồi lại, chia sẻ tầm nhìn mong muốn về vấn đề này nhằm mục đích là hài hoà lợi ích giữa các bên, tạo thuận lợi cho thực hành ESG.

Trong những tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi kinh tế. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2% so cùng kỳ.

Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư mới; tập trung thực hiện các sáng kiến, cam kết của Việt Nam tại COP28…


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phat-trien-cac-giai-phap-tai-chinh-sang-tao-giai-quyet-thach-thuc-chung-post811537.html

  • Từ khóa