Thầm lặng trao gửi yêu thương

Chủ nhật, 02.06.2024 | 08:52:05
349 lượt xem

Gần 20 năm qua, Tiến sĩ Lê Đại Dương và các thành viên trong dự án Đông ấm cho trẻ em vùng cao đã lặng thầm tới những vùng sâu xa, khó khăn khảo sát, lên phương án phù hợp và hỗ trợ kinh phí xây mới các điểm trường cũ.

Thành viên dự án Đông ấm cho trẻ em vùng cao trao quà tặng học sinh tại một điểm trường ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nhân dịp Tết Trung thu.

Thầm lặng và nỗ lực, dự án luôn hoàn thành mục tiêu xây từ một đến hai điểm trường mới mỗi năm ở vùng cao Tây Bắc với tâm niệm: Tình yêu cho đi là tình yêu còn mãi-Chia sẻ cho đi là chia sẻ bền vững.

Lá lành đùm lá rách

Khởi đầu hành trình của dự án Đông ấm cho trẻ em vùng cao là vào năm 2007, khi "thủ lĩnh" Lê Đại Dương chỉ mới là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Điều đáng nói, Dương lúc đó là một sinh viên nghèo, sinh ra trong gia đình thuần nông ở vùng quê Hải Dương.

"Đi học xa thiếu thốn đủ thứ. Mình trang trải cuộc sống bằng tiền dạy thêm, nỗ lực học đại học để thoát nghèo. Bởi vậy, mình càng đồng cảm với những người khó khăn khác, nhất là trẻ em vùng cao. Mình muốn hỗ trợ để các em nỗ lực hơn cho việc học vì tương lai, giống như mình", Lê Đại Dương chia sẻ.

Cậu sinh viên bắt đầu lên kế hoạch tích cóp số tiền sinh hoạt ít ỏi của bản thân, vận động thêm các giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội hỗ trợ kinh phí, trực tiếp xin quần áo trẻ em cũ còn sử dụng được để giặt sạch, đóng gói cẩn thận. Chuyến "Đông ấm 1" ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang được thực hiện thành công, đồng thời khiến Lê Đại Dương nhận ra: Trẻ em vùng cao cần được giúp đỡ nhiều hơn, thường xuyên hơn mới góp phần tạo động lực vượt khó, đến trường. Từ đó, Đông ấm cho trẻ em vùng cao ra đời và hoạt động miệt mài suốt 17 năm qua với số thành viên chính thức chỉ từ bốn đến năm người. Hàng chục thành viên không chính thức khác tham gia hỗ trợ tùy vào mỗi chuyến đi. Tháng 5/2024, sự kiện "Đông ấm 82" trao quà và hỗ trợ xây lớp ở Bắc Kạn cũng là chuyến tình nguyện thứ 82 được dự án thực hiện từ năm 2007 đến nay.

"Đông ấm" từng gặp thử thách lớn vào năm 2010, khi Lê Đại Dương nhận học bổng du học nghiên cứu sinh ngành năng lượng ở Hàn Quốc. Hành trình thiện nguyện tưởng phải gác lại thế nhưng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc lúc đó quyết tâm không để dự án dang dở.

"Mình tiết kiệm được một khoản ổn định từ học bổng, góp sức cùng các nhà hảo tâm khác hỗ trợ quà phù hợp. Mục tiêu là không để bọn trẻ vì quá khó khăn mà phải gián đoạn việc học", Lê Đại Dương nói. "Thủ lĩnh" Lê Đại Dương đã kêu gọi từ nhiều nguồn tại Hàn Quốc và trong nước để hằng năm, bay về Việt Nam ít nhất một lần, tiếp tục góp sức "xây đông ấm".

Bốn năm sau, Tiến sĩ Lê Đại Dương về nước làm công tác nghiên cứu khoa học. Quãng thời gian học tập ở Hàn Quốc và kinh nghiệm từ việc duy trì dự án hằng năm giúp anh và các cộng sự đưa ra quan điểm hỗ trợ mới đối với việc học của trẻ vùng cao. "Con đường để dẫn đến thành công thì nhiều nhưng con đường học là con đường ít rủi ro hơn cả. Muốn vậy, trẻ phải được đến trường, nhất là trẻ em yếu thế. Xây điểm trường mới là cách làm bền vững để các em yên tâm đi học, sau đó trưởng thành, quay về xây dựng quê hương", Tiến sĩ Lê Đại Dương nói. Vậy là từ năm 2015, dự án đề ra mục tiêu hằng năm sẽ xây mới từ một đến hai điểm trường ở những địa bàn khó khăn vùng núi phía bắc.

Điểm trường đầu tiên được lựa chọn là Háng Á ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái với kinh phí xây mới 195 triệu đồng. Lúc này, nhóm chưa có kinh nghiệm xây trường, lại ở một vị trí cách xa trung tâm xã đến tận 15 km, cho nên chi phí xây dựng, vận chuyển vật liệu rất cao, tốn nhiều thời gian hoàn thành.

"Ở lần xây trường sau, bọn mình quyết định đi thực địa khảo sát cùng đơn vị thi công. Họ sẽ tính toán phù hợp làm sao để xây nhanh mà vẫn bảo đảm chất lượng, đồng thời tối ưu chi phí, tuân thủ đúng thời gian bàn giao", Tiến sĩ Lê Đại Dương chia sẻ. Sau này, chỉ với 420 triệu đồng, dự án hỗ trợ xây mới trọn vẹn một điểm trường ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái với bốn lớp học khang trang, bền đẹp; cũng là điểm trường được đóng góp nhiều kinh phí nhất để xây dựng từ các nhà hảo tâm.

Cứ như vậy, các điểm trường mới được xây dựng đều đặn hằng năm, thậm chí trong quãng thời gian đại dịch, dự án không bị gián đoạn, vượt khó xây dựng, bàn giao hai điểm trường ở Bản Chành (xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) và Tà Lèng (xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) cùng hàng nghìn suất quà được trao tặng tại Hà Tĩnh, Quảng Trị... Bên cạnh đó, dự án cũng phối hợp Binh đoàn Gia Định trao quà trị giá 300 triệu đồng hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần sẻ chia khó khăn trong thời gian thành phố căng mình chống dịch.

Trách nhiệm với thế hệ trẻ

Trong chưa đầy 10 năm, 18 điểm trường được Đông ấm cho trẻ em vùng cao hỗ trợ xây mới, hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số có lớp học kiên cố để theo đuổi con chữ. Cô Tạ Phương Hoa, cố vấn dự án từ những năm đầu thành lập, trong lễ khánh thành Điểm trường Lũng Thầu (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: "Tại lễ bàn giao giản dị, nhìn những gương mặt nhỏ bé, có phần nhem nhuốc nhưng đáng yêu của các bé mẫu giáo; nhìn những gương mặt sáng ngời, xinh đẹp của các thành viên trẻ Đông ấm, mình thấy thật hạnh phúc và tự hào về những việc Đông ấm đã làm".

Nhờ uy tín của các thành viên cốt cán, bằng những điểm trường được xây dựng bền đẹp và bàn giao đúng hẹn, Đông ấm cho trẻ em vùng cao kêu gọi kinh phí từ nhà hảo tâm khá thuận lợi. Mỗi lần kêu gọi đều hoàn thành nhiệm vụ kinh phí sớm. Đủ kinh phí, dự án sẽ dừng kêu gọi và minh bạch sao kê ngân hàng các khoản thu của người gửi cũng như các khoản chi.

"Mình đã nhận lòng tốt của người khác thì phải có trách nhiệm với lòng tốt đó. Bởi vậy, 17 năm qua, chưa có ai không hài lòng hay có ý kiến tiêu cực về vấn đề minh bạch tài chính. Dự án luôn công khai và kêu gọi mọi người có trách nhiệm đòi hỏi sự minh bạch", Tiến sĩ Lê Đại Dương nhấn mạnh.

Đông ấm cho trẻ em vùng cao cũng luôn làm tốt "3 không" trong nguyên tắc thực hiện các chuyến từ thiện: Không sử dụng tiền từ thiện vào việc đi lại, ăn ở; không để địa phương chi trả phần đón tiếp đoàn; không lạm phát ngân sách quỹ từ thiện, hoàn toàn minh bạch sao kê tại ngân hàng. Với "3 không" này, hành trình của Đông ấm cứ vậy nối tiếp nhau và sắp cán mốc Đông ấm 100 trong nỗ lực lan tỏa yêu thương đích thực, tạo dựng sự phát triển bền vững thông qua ươm mầm con chữ, khởi tạo tương lai.

Những năm gần đây, dự án bắt đầu linh hoạt, mở rộng phạm vi hoạt động để có thể hỗ trợ nhiều hơn. Năm 2023, chỉ qua cuộc điện thoại báo tin từ một người quen là cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án quyết định chi ngay hơn 50 triệu đồng giúp Trường mầm non Đất Mới (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) trang bị bộ lọc nước trong bối cảnh thầy trò của trường thiếu nước ngọt trầm trọng do nguồn nước bị nhiễm mặn.

Năm 2024, dự án phối hợp Công an tỉnh Bắc Kạn xây Nhà tình thương 19/8 tặng một bé mồ côi cha mẹ, đang sống cùng cậu ruột, với quan điểm: Trẻ có nhà để ở an toàn thì mới có thể yên tâm đi học. Dự kiến tháng 9/2024, dự án sẽ bàn giao khu bếp ăn nội trú tặng một trường học tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng…

Hiệu trưởng Trường mầm non Phìn Hồ (xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) Hà Thị Thiệu chia sẻ: "Hai phòng học cho hai điểm trường thật sự là món quà ý nghĩa mà Đông ấm cho trẻ em vùng cao từng hỗ trợ nhà trường. Những khó khăn trong việc dạy và học tồn tại trong nhiều năm qua đã được giải quyết". Đối với các thành viên của dự án, lời cảm ơn giản đơn, chân tình này cũng đủ để tiếp thêm động lực đưa hành trình thầm lặng cho nhận yêu thương được nối dài hơn nữa, không ngừng nghỉ.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tham-lang-trao-gui-yeu-thuong-post812293.html

  • Từ khóa